Nếu chỉ động viên mà không khuyến khích thì không thể phát triển HTX

06/12/2017

Sáng nay (6/12), Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ trì hội nghị.

Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo và các bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố của cả nước.

Lãnh đạo địa phương quan tâm thì HTX phát triển

Việc triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được các địa phương quán triệt triển khai mạnh mẽ. Đã có 53/63 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của tỉnh ủy, hội đồng nhân dân tỉnh; 63/63 tỉnh, thành phố có Quyết định, Chỉ thị, Văn bản của ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thi hành Luật hợp tác xã; 61/63 tỉnh, thành phố có Kế hoạch, chương trình, đề án nhằm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; 42/63 tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo đặc thù của địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã góp phần khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Ông Nguyễn Xuân Cường nêu ví dụ Hà Giang là một tỉnh nghèo, người dân thu nhập thấp nhưng Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết tâm thực hiện phát triển kinh tế tập thể nên số lượng HTX kiểu mới phát triển mạnh mẽ, đã ổn định và nâng cao đời sống của các hộ gia đình là thành viên HTX.

Các HTX nông nghiệp mới đã bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, nhiều nơi trở thành hạt nhân trong tổ chức sản xuất, thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề an sinh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: Trong nền kinh tế thị trường, kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Mô hình HTX là mô hình tối ưu trong việc hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất hiệu quả, tạo vị thế bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong thị trường. Những hiện tượng trong những năm qua như được mùa mất giá, sản xuất dư thừa, không có thị trường tiêu thụ, “giải cứu dưa hấu”, “giải cứu thịt heo”... sẽ còn tiếp diễn nếu các hộ nông dân tiếp tục sản xuất kinh doanh đơn lẻ, cá thể như hiện nay. Lời giải cho tất cả các bất cập trên là phải tuyên truyền, thuyết phục bà con tự nguyện tham gia vào tổ chức HTX.

“Tham gia HTX là yêu cầu và xu thế tất yếu để hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững, đủ năng lực cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường”, ông Dũng cho biết, đồng thời cũng thừa nhận việc truyền thông về HTX kiểu mới còn là hạn chế khiến người dân không quan tâm và nhận thức được lợi ích từ HTX.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ thêm: Mô hình sản xuất hộ gia đình, nhỏ lẻ muốn nâng cao doanh thu, thu nhập (chênh lệch thu nhập của các hộ trong, ngoài HTX đang là 35%) thì phải tham gia HTX; doanh nghiệp muốn nguồn hàng của mình ổn định, bảo đảm chất lượng nhưng không thể kết nối hết được với tất cả các hộ sản xuất nhỏ lẻ mà phải thông qua các HTX. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện các chính sách về tín dụng, khoa học công nghệ,... để phát triển thành phần kinh tế này khi nhấn mạnh: “Không có HTX thì không thể tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiệu quả”.

Đồng quan điểm, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng chưa cần nói tới ứng dụng khoa học công nghệ thì nông dân chỉ cần liên kết với nhau trong HTX sẽ cắt giảm được nhiều loại chi phí không cần thiết, gia tăng tích lũy cho HTX và các thành viên. Đồng Tháp đã làm tốt việc này từ nhiều năm qua.

Chính sách cho HTX: Không chỉ động viên mà phải cả khuyến khích

Theo Bộ KH&ĐT, tính đến 31/12/2016, toàn quốc có hơn 19.500 HTX, tăng khoảng 3,07% so với thời điểm 31/12/2013 và các HTX đều tăng ở cả 3 khu vực kinh tế (công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ). Trong đó, chủ yếu là HTX nông nghiệp chiếm trên 50%. Cả nước có khoảng trên 6,2 triệu thành viên tham gia.

Trong tổng số các HTX kiểu cũ thì có 15.606 HTX phải chuyển đổi lại mô hình hoạt động theo quy định của Luật HTX năm 2012, trong đó 13.094 HTX đã chuyển đổi và đăng ký lại (chiếm 83,9%). Hơn 2.000 HTX chưa tiến hành chuyển đổi theo Luật do còn vướng mắc một số vấn đề như tài sản, công nợ...

Đến năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển khoảng 4 vạn HTX. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh phát triển HTX cần phải tập trung vào chất lượng hoạt động của các HTX.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hiệu quả hoạt động của các HTX ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Doanh thu bình quân năm 2016 đạt trên 3 tỷ đồng/HTX, tăng 19,8% so với năm 2013; lãi bình quân tăng từ 155 triệu đồng/HTX năm 2013 lên 196,8 triệu đồng/HTX năm 2016, tăng khoảng 26,7%; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX tăng từ 22,8 triệu đồng năm 2013 lên 31,3 triệu đồng năm 2016, tăng khoảng 37,3%).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bình quân mỗi năm ra đời khoảng 450 HTX, nhưng riêng năm 2017 dự kiến có trên 1.000 HTX nông nghiệp ra đời.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015- 2020, Nhà nước có 6 chính sách hỗ trợ chung; 5 chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng đối với các HTX nông nghiệp; một số chính sách cụ thể khác như: Ưu đãi về thuế, phí và lệ phí, hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho cán bộ HTX, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX với doanh nghiệp, hỗ trợ HTX nông nghiệp mua bảo hiểm nông nghiệp...

Việc thực hiện các chính sách đã đạt được kết quả bước đầu: Phong trào HTX từng bước phát triển; tạo sự thống nhất trong nhận thức về bản chất tổ chức HTX; dần khẳng định ưu thế và vai trò của HTX đối với sự phát triển; nâng cao sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với kinh tế tập thể, HTX; góp phần làm cho HTX từng bước phát triển phù hợp với bản chất của HTX; hạn chế dần tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước; đồng thời khuyến khích HTX nỗ lực vươn lên, khuyến khích tinh thần hợp tác giữa các thành viên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết số lượng HTX được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế.

Như cơ chế tín dụng, chỉ có 1.918 khách hàng HTX có dư nợ tín dụng. Còn cho vay không có tài sản bảo đảm với các HTX chỉ đạt gần 70 tỷ đồng đối với 35 HTX. Ở Thanh Hóa, lãnh đạo UBND tỉnh này cho biết chưa có HTX nào vay được vốn bằng phương án kinh doanh vì bị ngân hàng trả lại hồ sơ do không bảo đảm và các thành viên phải thế chấp sổ đỏ để vay vốn nên cũng chưa bảo đảm nguồn vốn cho HTX hoạt động.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, bên cạnh các chính sách động viên, Chính phủ cần bổ sung cơ chế, chính sách rõ ràng, mang tính khuyến khích các HTX ra đời, phát triển.

“Nếu chỉ động viên mà không khuyến khích thì không thể phát triển HTX theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước. Nếu giỏi thì người ta đã đi làm doanh nghiệp chứ không ai làm HTX để mà đi lo cho nhiều người khác, lại phải bảo đảm an sinh xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực phù hợp cho lĩnh vực này.

Ông Cường cũng cho rằng Chính phủ, các địa phương cần quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ người đứng đầu các HTX. Ông Cường nêu ví dụ Giám đốc HTX Mường Động (Hoà Bình) và HTX bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng) đều tự thân học hành, với học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ nên khả năng quản trị tốt, giúp các HTX này trở thành các điểm sáng trong kinh tế tập thể của cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong tình hình hiện nay, trước mắt chưa đặt vấn đề phải sửa Luật HTX năm 2012 nhưng cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm tăng tính khả thi của các quy định pháp luật; đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế tập thể, HTX theo hướng thiết thực, phát huy hiệu quả trực tiếp tại cấp cơ sở.

Theo Chinhphu.vn

 


Tin khác