Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tôm, cá tra VN liệu có hưởng lợi?

04/08/2018

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được cho là sẽ có tác động trực tiếp đến các nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thủy sản Việt Nam trong đó có tôm, cá tra cũng sẽ có ảnh hưởng.

Chiến tranh thương mại khiến hai nước Mỹ - Trung đều nâng các mức thuế nhập khẩu (NK) nên dòng chảy thương mại tôm giữa Mỹ và Trung Quốc chậm lại. Các nước cung cấp tôm cho Trung Quốc như Canada, Nga, Australia, New Zealand, và các nước cung cấp tôm cho Mỹ như Indonesia, Thái Lan, Mexico, Brazil và Việt Nam sẽ được lợi.

Hiện nay, Mỹ vẫn áp dụng mức thuế 0% đối với các sản phẩm mã HS 03061700, 16052110, 16052910 NK từ Trung Quốc và mức 5% đối với các sản phẩm mã HS 16052105, 16052905. Tuy nhiên, gói 200 tỷ USD Mỹ dự kiến áp thuế các mặt hàng Trung Quốc gồm đồ nội thất, nông sản và thủy sản. Trong đó, Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với các sản phẩm tôm của Trung Quốc với các mã HS 03061700, 16052105, 16052110, 16052905, 16052910. Đây cũng là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ.

Những sản phẩm này có khả năng cạnh tranh về giá và thuế suất với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Nên đây có thể được coi là lợi thế cho Việt Nam tăng xuất khẩu (XK) những mặt hàng này sang Mỹ. Hơn nữa, tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà NK Mỹ sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế.

Tuy nhiên, VASEP cho biết, do phải chịu thuế cao khi XK sang Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ giảm NK tôm nguyên liệu để chế biến và tái XK. Điều này có thể ảnh hưởng tới XK tôm nguyên liệu Việt Nam sang Trung Quốc. Trong khi, NK tôm nguyên liệu tươi/sống/đông lạnh (HS 03) chiếm tới 94% tổng XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc năm 2017.

Chế biến tôm phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Internet)

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi XK sang cả hai thị trường này. Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ tôm từ Việt Nam. Cũng có khả năng DN tôm Trung Quốc sẽ "mượn" Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất đi Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam khẳng định vị trí của mình, nâng cao chất lượng và minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm để có thể giành được thị phần từ Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm tăng thêm áp lực chi phí sản xuất cho DN khi tỷ giá biến động và mất thị trường Trung Quốc với vai trò cung ứng nguyên phụ liệu để sản xuất thành phẩm, XK sang Mỹ.

Chiến tranh thương mại đã và đang diễn biến một cách khó lường và mức độ ảnh hưởng của nó còn là câu hỏi mở. Các DN XK tôm cũng nên coi đây là cơ hội để khẳng định vị thế riêng của mình, bao gồm cả nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chủ động trong giao thương và tận dụng mạnh mẽ hơn các FTA đã ký kết. DN cũng cần chủ động cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tăng tỷ giá đồng USD và NDT để có đối sách kịp thời.

Doanh nghiệp cá tra nhen nhóm hy vọng giành thêm thị phần ở Mỹ

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hi vọng có thể giành thêm thị phần từ cá thịt trắng trong đó có sản phẩm cạnh tranh mạnh nhất là cá rô phi Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP),chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử Mỹ - Trung đang thực sự "nóng" trên "diễn đàn" thương mại thủy sản toàn cầu. Nhiều cơ hội đang đem tới cho nhiều nguồn cung và nhiều "cái được - mất" cho hai "nhân vật chính" khi "tham chiến". Còn với cá tra Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) cũng đang nhen nhóm thêm hi vọng rằng có thể giành thêm thị phần từ cá thịt trắng (trong đó có sản phẩm cạnh tranh mạnh nhất là cá rô phi Trung Quốc) trên thị trường Mỹ.

Theo một DN xuất khẩu (XK) lớn cá tra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung châm ngòi và leo thang, Mỹ áp đã quyết định áp thuế 10% đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc. Kể từ đó, doanh số cá rô phi Trung Quốc tại hệ thống siêu thị lớn của Mỹ đã giảm 20-30% so với trước. Tranh thủ cơ hội này, nhiều nguồn cung đã đẩy mạnh XK cá thịt trắng sang Mỹ để giành giật thị phần.

Giá thành sản phẩm cá tra đang tăng do nguyên liệu khan hiếm. (Ảnh: Chí Nhân)

Trong khi Mỹ NK hầu hết cá rô phi tươi từ châu Mỹ Latinh, các sản phẩm đông lạnh từ nguồn cung Châu Á (trong đó có Trung Quốc) đã thu hút nhiều hơn vì chi phí thấp hơn. Sự có mặt của cá rô phi đến khắp nơi trên khắp các nhà hàng và ngành thủy hải sản của Mỹ trong thập kỷ vừa qua đã phát triển nhanh chóng. Và hiện tại khi chính quyền Trump đã nhắm mục tiêu vào thủy sản Trung Quốc khi áp thuế suất 10%, rất có thể ngành cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ sẽ đến ngày kết thúc.

"Sự sụt giảm tỷ trọng của cá rô phi tại thị trường Mỹ đang "thắp" niềm hi vọng cho các nhà cung cấp cá rô phi khác như Indonesia, Đài Loan, Mexico hay Việt Nam. Và cũng giúp cho cá tra, basa Việt Nam củng cố thêm niềm tin giành thị phần từ cá rô phi Trung Quốc trong bối cảnh khó khăn về thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật Chương trình thanh tra cá da trơn tại Mỹ", VASEP nhận định.

Ngược lại với một số ý kiến chủ quan và lạc quan khi đặt hi vọng vào chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đem lại cơ hội cho cá tra, basa Việt Nam tại thị trường Mỹ, một số DN XK cá tra cho rằng, rào cản thương mại của Mỹ đang dựng lên cho các nguồn cung là như nhau và chỉ khác nhau về cách thức và "tên gọi". Do vậy, các DN cần phải nhìn nhận vào thực tế thị trường, tranh thủ thời cơ nhưng cũng không quá kỳ vọng vào cuộc chiến tranh đó.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác