Sản xuất hàng hóa nông nghiệp và trách nhiệm cộng đồng

18/08/2018

Nông sản Việt Nam đang chinh phục được người tiêu dùng ở những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Điều đó cho thấy, Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực quản lý, vận hành một nền nông nghiệp sạch, với những chủ thể tham gia sản xuất hàng hóa nông nghiệp có ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng. Hai dự án Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi được xây dựng cũng nhằm mục tiêu ấy.

Bảo vệ môi trường khi phát triển sản xuất hàng hóa

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2017, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Thủy sản là ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất, đạt 8,3 tỷ USD; tiếp đến là hạt điều với 3,516 tỷ USD; rau quả đạt 3,502 tỷ USD; cà phê 3,24 tỷ USD, gạo đạt 2,6 tỷ USD, hạt tiêu đạt 1,1 tỷ USD, sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,03 tỷ USD… Những con số nêu trên thể hiện sự tin tưởng và đón nhận của thị trường thế giới đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam ngày càng lớn; đồng thời cho thấy hàng hóa nông sản của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ngay cả ở những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dự án Luật Trồng trọt và dự án Luật Chăn nuôi được xây dựng nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện nền nông nghiệp hàng hóa; trong đó yếu tố quan trọng là nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. “Đây là hai luật rất quan trọng trong các luật của ngành nông nghiệp để tiến tới một ngành nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi, 23.000 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, có 4 triệu hộ gia đình chăn nuôi lợn, 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm với số lượng 362 triệu con gia cầm. Mỗi năm, hoạt động chăn nuôi thải ra môi trường 84,5 triệu tấn chất thải rắn và 50 triệu mét khối chất thải lỏng. Tuy nhiên, chỉ 60% lượng chất thải từ chăn nuôi được xử lý, còn 40% thải trực tiếp ra môi trường. Trước thực trạng này, dự thảo Luật Chăn nuôi dành hẳn Mục 2, Chương 4 quy định về xử lý chất thải chăn nuôi cả ở cơ sở chăn nuôi trang trại (Điều 58) và nông hộ (Điều 59), nguyên tắc quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (Điều 60), điều kiện cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (Điều 61). Tuy vậy, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải cho rằng, quy định về quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi như dự luật là chưa tương xứng.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, để chống ô nhiễm môi trường thì khoảng cách tối thiểu từ chuồng trại đến khu dân cư phải được quy định rõ ràng trong luật, không cần chờ văn bản hướng dẫn thi hành.

Bảo vệ sức khỏe con người

Một thực trạng khác, mặc dù sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã chinh phục những thị trường khó tính nhất thế giới, nhưng cũng phải thừa nhận, việc kiểm soát sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh… trong chăn nuôi, trồng trọt mới chỉ được thực hiện tốt ở các doanh nghiệp, hộ sản xuất tập trung, quy mô lớn. Trong sản xuất nhỏ lẻ, để cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa, tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống” vẫn xảy ra trên thực tế, gây quan ngại cho việc ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Mặc dù đồng ý rằng còn nhiều luật khác xử lý về bảo đảm ATTP, như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Luật ATTP… nhưng theo Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải: Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi khi được ban hành sẽ có tác động trực tiếp đến người dân. Nếu người dân biết và hiểu rõ những quy định của pháp luật về hoạt động của mình thì sẽ giảm được hiện tượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cũng như xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chia sẻ ý kiến với Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải về quan ngại vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi. Quy định này trong Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật cũng chỉ được đề cập một cách rất nhẹ nhàng. Luật ATTP cũng không đặt vấn đề nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây nguy hại cho sức khỏe con người sẽ bị xử lý thế nào. Khoản 10, Điều 9 dự thảo Luật Trồng trọt cũng chỉ cấm lợi dụng hoạt động trồng trọt để gây ô nhiễm môi trường, tổn hại sức khỏe cộng đồng, gây suy thoái và cạn kiệt tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho rằng, nông dân không lợi dụng hoạt động trồng trọt để gây ô nhiễm môi trường, nhưng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và gây ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề rất đáng quan ngại, bởi hiện tượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho môi trường đang tương đối phổ biến.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo lắng về yêu cầu công bố sản phẩm thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh và sản phẩm thức ăn đậm đặc chưa khắt khe, chặt chẽ như với yêu cầu công bố sản phẩm thức ăn chăn nuôi bổ sung. Trong khi, hai sản phẩm dễ dàng trong công bố lại được sử dụng nhiều hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến vật nuôi và cuối cùng là gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự thảo Luật Trồng trọt cũng đã có những quy định về canh tác hữu cơ, phát triển và bảo vệ vùng canh tác hữu cơ, yêu cầu đối với canh tác hữu cơ; bảo vệ môi trường trong canh tác; nghĩa vụ của chủ thể tham gia hoạt động canh tác trong bảo đảm chất lượng, ATTP với sản phẩm do mình sản xuất ra, chủ động ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường; thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch không gây ô nhiễm môi trường và lan truyền dịch hại; nghĩa vụ của chủ thể tham gia chế biến, bảo quản, buôn bán nông sản trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, quy định về ATTP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Vấn đề mà cử tri và nhân dân trông chờ khi ban hành Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi là phải khắc phục cho được tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống”, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm với cộng đồng của từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Chế tài xử lý với những hành vi thiếu trách nhiệm với cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người phải rất rõ ràng, đủ nghiêm khắc và có tính khả thi, tránh trường hợp nhiều luật được ban hành đều có quy định “dính dáng” đến nội dung này, nhưng không có luật nào giải quyết được triệt để vấn đề…

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân


Tin khác