Việt Nam được ghi nhận đạt nhiều kết quả tốt trong PPP nông nghiệp

11/09/2018

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) diễn ra từ ngày 11-13/9 tại Hà Nội với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0.”

Bên lề Diễn đàn WEF ASEAN, ngày 11/9 sẽ diễn ra Diễn đàn Tăng trưởng châu Á (GAF) với mục tiêu tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các bên liên quan để thực hiện Tầm nhìn mới cho nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhằm đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và tạo ra các cơ hội kinh doanh và đầu tư trong nông nghiệp.

Trước thềm diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những hợp tác giữa Việt Nam và WEF trong nông nghiệp, đặc biệt là những kết quả Việt Nam đã đạt được khi triển khai Sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp.”

- Việt Nam và WEF có các hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Xin Thứ trưởng cho biết Việt Nam đã tham gia Sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp” như thế nào?

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Từ nhiều năm nay, Việt Nam là đối tác quan trọng, hợp tác chặt chẽ với WEF trên nhiều lĩnh vực; trong đó, phải kể đến việc thực hiện Sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp.” Để thực hiện mục tiêu của Sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp,” Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thành lập cơ chế đối tác khu vực “Sáng kiến Tăng trưởng châu Á - Grow Asia.”

Bắt đầu tham gia sáng kiến này từ năm 2010, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và khối tư nhân thông qua các Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) ngành hàng trong Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV), hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” đề ra mục tiêu nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, giảm lượng phát thải carbon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ cho đến năm 2050. Những mục tiêu này được thực hiện thông qua việc gắn kết sự tham gia của các bên liên quan là Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt là thông qua mô hình PPP. 

Sáng kiến Tầm nhìn mới về nông nghiệp của WEF đang được tiến hành tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, đây có thể được xem là một sáng kiến toàn cầu. Đến nay, đã có 21 nước trên thế giới thử nghiệm mô hình PPP trong nông nghiệp, với sự tham gia của hơn 650 tổ chức, công ty và tập đoàn toàn cầu trên thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp.

-Thời gian qua, các giải pháp trong Sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp” đã được Việt Nam triển khai ra sao?

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Triển khai Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam, chúng ta đã xây dựng thành công bảy Nhóm công tác PPP ngành hàng. Đó là càphê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu và gia vị; lúa gạo và hóa chất nông nghiệp. 

Các nhóm này đã gắn bó, phối hợp với các đối tác trong chuỗi giá trị để xử lý các vấn đề mà nông nghiệp Việt Nam cần giải quyết như xây dựng các chuỗi giá trị liên kết bền vững (như chuỗi sản xuất và chế biến khoai tây của PepsiCo, chuỗi gạo của Bayer và Vinafood 2, chuỗi càphê của Néstle, chuỗi chè của Unilever...); kết nối nông dân với các tổ chức chứng nhận quốc tế (như 4C, UTZ, Rainforest Alliance) nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất bền vững quốc gia (cho cà phê, chè, hồ tiêu) đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới...

Cùng với đó, các Nhóm công tác PPP ngành hàng còn triển khai nhiều mô hình thực địa thí điểm và nhân rộng giống mới và các biện pháp kỹ thuật bền vững, thân thiện với môi trường (như mô hình sản xuất càphê của Nestlé, sản xuất chè của Unilever), lập phương án tăng năng suất và thu nhập cho người nông dân.

Đến nay, gần 220.000 nông dân đã được hỗ trợ tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật, được tập huấn và áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Các mô hình này đảm bảo các tiêu chí kinh tế-xã hội, môi trường nằm trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. 

Các Nhóm công tác PPP ngành hàng của Việt Nam được WEF ghi nhận đã và đang mang lại nhiều kết quả tốt và được đánh giá là một trong những mô hình thành công nhất trong Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp của WEF tại châu Á. 

- Thứ trưởng đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác trong thời gian tới?

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo đó là tập trung phát triển các chuỗi giá trị phân theo ba trục sản phẩm: Chủ lực quốc gia với 10 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD; Chủ lực cấp tỉnh; Đặc sản lợi thế vùng/miền. Việc phát triển các chuỗi giá trị này hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và đảm bảo xanh, sạch. 

Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam rất cần thiết tăng cường phát triển các mô hình sản xuất và đầu tư theo hình thức PPP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn WEF, thông qua Sáng kiến Tăng trưởng châu Á - Grow Asia, tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là việc xây dựng các chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông sản Việt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với WEF củng cố và mở rộng thêm các Nhóm công tác PPP ngành hàng ra các mặt hàng khác; thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam sẽ nhân rộng mô hình hợp tác PPP ra 10 mặt hàng chủ lực quốc gia, tiến tới nhân rộng ra các nhóm mặt hàng cấp tỉnh và nhóm các mặt hàng địa phương. 

- Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp ASEAN nói chung và nông nghiệp Việt Nam nói riêng cần nhận thức về những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng này như thế nào?

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Khoa học công nghệ được coi là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp bền vững, có giá trị gia tăng cao. Trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội quý giá cho các nước với các tiềm năng ứng dụng mới.

Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại như công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả từ sản xuất đến phân phối và tiêu thụ nông sản.

Nhằm hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam sẽ tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp giữa các nước thuộc mạng lưới Grow Asia.

Đồng thời tạo cầu nối để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia, chia sẻ thông tin, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát thải thấp, phát triển nền nông nghiệp xanh và cảnh quan bền vững, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, quản lý dịch bệnh và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng của công nghệ số.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

Theo TTXVN/VN+


Tin khác