Bao giờ Việt Nam có nền nông nghiệp 4.0?

06/12/2018

Nền nông nghiệp 4.0 sẽ còn xa nếu những khó khăn của doanh nghiệp về vốn và đất đai không sớm được gỡ bỏ.

Theo con số được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hiện nay có khoảng 7.800 doanh nghiệp đang hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Con số này chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Đầu tư vẫn nhỏ giọt

Được đánh giá là lĩnh vực có nhiều rủi ro vì phải dựa vào điều kiện khí hậu, tuy nhiên thực tế, nhiều doanh nghiệp, trong và ngoài nước đã đầu tư thành công vào nông nghiệp. Có thể kể đến những tên tuổi như Vingroup, Tập đoàn Hoà Phát, PAN Group hay Công ty Chứng khoán SSI…. Hay mới đây nhất là dự án Trung tâm Chế biến rau quả Doveco tại Tây Nguyên do Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao (Doveco) làm chủ đầu tư với dự án tổ hợp 3 nhà máy trên diện tích gần 6ha, công suất thiết kế 10.000 tấn/năm.

Ngoài ra, những câu chuyện về nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… cũng gặt hái được thành công khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, theo báo cáo thường niên của PAN, hiện tập đoàn có 150 nhà phân phối cùng 132.000 điểm bán hàng trên cả nước. Chín tháng đầu năm 2018, PAN ghi nhận doanh thu thuần 5.419 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2017. Trong đó, doanh thu từ mảng kinh doanh nông nghiệp (PAN Farm) và thực phẩm (PAN Food) đóng góp lần lượt là 3.986 tỉ đồng và 1.524 tỉ đồng, chiếm 72% và 28% cơ cấu. Sau chín tháng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của PAN đạt 323 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2017.

Đây là một minh chứng rõ nét cho thấy, rõ ràng đầu tư vào nông nghiệp là một cơ hội kinh doanh thực sự hấp dẫn.

Tuy nhiên, đó chỉ là con số rất nhỏ trong tiềm năng to lớn của lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, tổng vốn đầu tư, luỹ kế tính đến ngày 20/11, tống vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp có 492 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Như vậy, số dòng vốn FDI chảy vào nông nghiệp cũng chỉ xấp xỉ 1% so với con số 339 tỷ USD tổng dòn vốn đầu tư FDI mà Việt Nam thu hút được.

Chư kể, phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này cũng lý giải phần nào dòng vốn đầu tư chảy vào nông nghiệp hạn chế. Tuy nhiên, bản thân lĩnh vực nông nghiệp cũng chỉ thu hút được 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Được biết, hiện ngành nông nghiệp đang được định hướng xuất khẩu và là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu trung bình 36-37 tỉ USD/năm và tiến đến mục tiêu 40 tỉ USD trong năm 2018. Để nâng cao sức cạnh tranh trong lĩnh vực này, Chính phủ đã và đang vào cuộc mạnh mẽ bằng các chính sách ưu đãi cho đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này để cắt giảm 40-50% thủ tục so với hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là điều gì khiến chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong khi đây là lĩnh vực được định hướng, có tiềm năng và đã có rất nhiều doanh nghiệp thành công?

Nút thắt ở đâu?

Theo nhận định của các chuyên gia, để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm và phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp cần nhất là 2 yếu tố: đất đai và vốn. Tuy nhiên, đáng nói, doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận với 2 nguồn lực này.

Trước tiên về đất nông nghiệp, một số quy định trong Luật Đất đai 2013 đang hạn chế doanh nghiệp tiếp cận đối với đất nông nghiệp, điển hình như những quy định về công tác quy hoạch sử dụng đất hiện nay đang quá chi tiết và hạn chế sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác. 

Hay, không cho xây dựng các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp; thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm là ngắn so với chu kỳ đầu tư của doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Về vốn, nhiều doanh nghiệp phản ánh chưa thể tiếp cận được với nguồn tín dụng ưu đãi theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nguyên nhân chính là do thủ tục phức tạp, điều kiện khó khăn, một số quy định chưa phù hợp với thực tế, thậm chí ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương không có khả năng bố trí nhiều để thực hiện những chính sách này.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đình Cung -  Viện trưởng CIEM đó là sự hỗ trợ của chính quyền chưa đủ mạnh. Theo đó, hiện nay chính quyền địa phương nhiều nơi đang quá tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hơn là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Cụ thể, các địa phương đều quy hoạch các khu công nghiệp và có chính sách hỗ trợ hạ tầng điện, nước, giao thông đến hàng rào doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Nhưng chưa có nhiều địa phương ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, kể cả nông nghiệp công nghệ cao.

Theo DĐDN


Tin khác