EVFTA: Cơ hội nhiều, thách thức cũng lớn đối với nông nghiệp Việt Nam

26/06/2019

EVFTA đem lại cơ hội lớn khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0%. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với thách thức không nhỏ về quy tắc xuất xứ và áp lực cạnh tranh.

Nông nghiệp đứng trước cơ hội "thay da đổi thịt" từ EVFTA

Tại Hội nghị cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết ngày 25/6, Hôi đồng châu Âu (EC) đã thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

"Dự kiến, cả hai hiệp định sẽ được kí vào ngày 30/6 tại Hà Nội", Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiệp định EVFTA sẽ mang lại lợi ích về thuế quan đối với hàng loạt sản phẩm như thủy sản, gạo, chăn nuôi…

Ví dụ như đối với nhóm hàng thịt trâu bò tươi, ướp lạnh, đông lạnh, thịt heo tươi, đông lạnh... cơ bản thuế sẽ giảm xuống còn 0%.

Đối với mặt hàng rau quả, 530/556 dòng thuế về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, 93% sản phẩm cà phê, hồ tiêu được giảm về 0% khi hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định EVFTA tiếp tục là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam "thay da đổi thịt".

Bên cạnh đó, hiệp định thương mại tự do này còn là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Áp lực cạnh tranh lớn hơn

Tiến sĩ Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, cho biết tham gia EVFTA, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và hàng rào phi thuế quan của các thị trường nhập khẩu. 

Tiến sĩ Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Phát triển Nông thôn

Cụ thể, do hàng rào thuế dần được cắt giảm nên mức độ cạnh tranh gia tăng mạnh. Các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế. 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập lấy tôm và hạt điều làm hai ví dụ điển hình khi hai mặt hàng này vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để chế biến.

Đối với hạt điều, Việt Nam nhập khẩu điều thô nhiều từ Nam Phi. Trong khi đó, các nước xuất khẩu nguyên liệu đầu tư vào chế biến tại chỗ, hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra, việc chế biến điều gặp một số vấn đề an toàn thực phẩm như khuẩn E.Coli.

Với tôm, Việt Nam cũng phải nhập khẩu nguyên liệu từ một số nước như Ấn Độ.

Ông Thắng nói thêm Việt Nam sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin.

Doanh nghiệp cần phải tuân thủy các quy định các quy định của các nước nhập khẩu không chỉ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn phải đảm bảo tiêu chuẩn về xã hội, lao động…

Trong khi đó, việc quản lý và thực thi các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước cũng chưa đạt được những kết quả kỳ vọng, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Cần đẩy mạnh chế biến sâu

Ông Thắng khuyến nghị cần đẩy mạnh chế biến rau quả, thủy sản, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của gia trại, trang trại, sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ sử dụng hóa chất trong sản xuất.

Ngành cũng cần quản lí chất lượng theo chuỗi, nguồn gốc xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa; hài hòa quy định phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, thiết lập hệ thống cơ sở khoa học để xây dựng và phản biện các biện pháp.

Đối với việc đối phó với các vấn đề kiện tụng quốc tế trong quá trình tham gia hội nhập, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần đào tạo nguồn nhân lực về tư pháp để phản biện lại những cáo buộc bất hợp lí.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng


Tin khác