Hàng nông sản Việt “chuyên nghiệp hoá” để vào Trung Quốc

03/08/2019

Hiện nay, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu, kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu (NK). Hàng nông sản Việt Nam nói chung và trái cây nói riêng cần chuyên nghiệp hóa để đáp ứng các yêu cầu XK chính ngạch.

Đây cũng là cơ hội hoa quả Việt nâng cao chất lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và canh tác đúng kỹ thuật

Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), từ tháng 5/2018, phía Trung Quốc bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu (XK) vào Trung Quốc qua cả kênh chính thức lẫn các kênh khác như thông qua chủ hàng.

Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói. Đây là 2 yêu cầu XK chính ngạch trái cây sang Trung Quốc. Hiện nay, có 9 loại quả của Việt Nam đã được XK chính ngạch sang Trung Quốc. Toàn quốc có 1.300 mã số vùng trồng và trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói.

Khó khăn xuất hiện chủ yếu ở một số loại trái cây vốn có lượng XK khá lớn sang Trung Quốc, song chưa được cấp phép XK chính ngạch. Ví dụ như sầu riêng, dừa... Hiện, toàn quốc có tới 47.000 ha sầu riêng. Hai năm trở lại đây sầu riêng được xem là loại cây tiền tỷ. Năm 2018, trên diện tích trồng 1ha sầu riêng, có gia đình đã thu được số tiền hơn 1 tỷ đồng khi năng suất trung bình đạt khoảng 20 tấn/ha, với mức giá bán ngay tại vườn lên tới 70.000 đồng/kg. Sầu riêng của Việt Nam hầu như chỉ XK sang Trung Quốc. Năm nay, sầu riêng chưa được vào diện XK chính ngạch nên rất khó khăn.

Ông Nguyễn Quý Dương nhìn nhận: “Trên thực tế, khi các nước XK chính ngạch vào Trung Quốc, chính quyền Trung ương Trung Quốc mới có thể nắm bắt được, còn XK tiểu ngạch, chính quyền Trung ương không nắm được hết. Trung Quốc suốt một thời gian gian dài đã nới lỏng chính sách, cho cơ chế để các tỉnh nghèo như Vân Nam, Quảng Tây thúc đẩy XNK của địa phương, giúp kinh tế đi lên. Hiện nay, Trung Quốc bắt đầu siết lại để có thể quản lý”.

Theo quan điểm của lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, việc siết chặt các yêu cầu NK trái cây từ phía Trung Quốc buộc người nông dân phải nâng cao chất lượng, cần quan tâm hơn tới vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác… Làm được như vậy, người tiêu dùng trong nước cũng hưởng lợi.

“Kinh nghiệm làm việc với phía Trung Quốc với mặt hàng gạo cho thấy: Muốn XK gạo sang Trung Quốc, DN XK phải vào danh sách được phép XK. Phía Trung Quốc sang kiểm tra thực tế cả DN XK lẫn nhà máy chế biến, kiểm tra vùng trồng...”, ông Dương nhấn mạnh

Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương cần tiếp tục rà soát những diện tích đã cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp chứng nhận VietGAP. Cùng với đó, cần có những chính sách cho bà con nông dân liên kết thành từng nhóm, tổ, hợp tác xã để sản xuất hàng hóa không chỉ bán cho Trung Quốc mà còn bán cho các nước phát triển. Đây là sản xuất hàng hoá, cần có những chính sách thúc đẩy sản xuất.

Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch cụ thể để mở cửa thị trường, thúc đẩy XK chính ngạch sang Trung Quốc.  Hiện nay, Việt Nam đã có 9 loại quả tươi được XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Xuất khẩu nông sản sụt giảm khi thị trường chủ lực không còn dễ dãi

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nông sản những tháng đầu năm có dấu hiệu bấp bênh, khi nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đều sụt giảm đáng kể cả về giá trị kim ngạch và sản lượng. Nhóm hàng sụt giảm mạnh nhất lại là gạo, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn và gạo.

Đáng chú ý, trong 8 nhóm hàng nông sản xuất khẩu chính thì thị trường Trung Quốc nhập khẩu đến 7 mặt hàng là rau quả, cà phê, hạt điều, chè, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su và sản phẩm cao su. Trung Quốc vốn là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, song những tháng đầu năm 2019 đã sụt giảm khá mạnh.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay đối với nhóm hàng nông sản chỉ thu về 2,85 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu riêng 6 nhóm hàng nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc đã đạt 3,233 tỷ USD. Như vậy trong vòng 1 năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này bị sụt giảm hơn 380 triệu USD, tương đương giảm gần 12%.

Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này, Bộ NN&PTT cho biết, nhiều quốc gia nhập khẩu gần đây đã đưa ra nhiều quy định thắt chặt. Đặc biệt, việc Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch cũng như đưa ra các quy chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu… là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nông sản trong những tháng qua.

Chỉ rõ hơn về nguyên nhân này, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Quốc Khánh cho biết, trong những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo như thực hiện thuế hóa nhiều mặt hàng gạo; thay đổi phương thức nhập khẩu gạo cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn; các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực…Với hàng loạt những thay đổi về nguyên tắc tại các thị trường nhập khẩu trong đó có thị trường nhập khẩu chủ lực là Trung Quốc đã gây nên sự sụt giảm đáng kể về kim ngạch xuất khẩu nông sản trong những tháng qua.

Nhận xét về sự sụt giảm kim ngạch nông sản xuất khẩu trong những tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, một thị trường nhập khẩu rất lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam như Trung Quốc một khi đã có những biện pháp thắt chặt nhập khẩu sẽ tất yếu dẫn đến sự sụt giảm kim ngạch.

“Có thể trong ngắn hạn gây ra những bất lợi cho kim ngạch xuất khẩu của chúng ta, nhưng về dài hạn đây lại là điểm tích cực”, TS. Võ Trí Thành đánh giá và nhận định, những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe mà phía thị trường nhập khẩu đưa ra chính là yếu tố để thúc đẩy các doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.

“Tìm cơ hội xuất khẩu sẽ là “cuộc chơi lớn” mà Việt Nam phải chấp nhận trong xu thế hội nhập. Chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường, các doanh nghiệp mới có thể vươn ra thế giới một cách bền vững, bất chấp mọi thị trường”, TS. Võ Trí Thành khuyến cáo.

Đây chính là lúc các doanh nghiệp nỗ lực nâng cấp hệ thống quản lý và đầu tư vào giá trị sản phẩm, chủ động hơn trong việc mở rộng liên kết với nông dân, đầu tư cho dây chuyền sản xuất, hướng tới xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, các sản phẩm nông sản sạch, an toàn... trong xu hướng hội nhập toàn cầu và trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ngành thủy sản là điểm sáng trong kim ngạch xuất khẩu

Tháng 7 và 7 tháng năm 2019, ngành thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng ổn định. Tính chung 7 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.521.000 tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản cả nước tháng 7/2019 ước tính đạt 740.500 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 539.700 tấn, tăng 5,4%; tôm đạt 97.800 tấn, tăng 1,5%; thủy sản khác đạt 103.000 tấn, tăng 3,5%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 7 ước tính đạt 400.000 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 267.100 tấn, tăng 6%; tôm đạt 87.600 tấn, tăng 0,9%. Sản lượng cá tra tháng 7 ước tính đạt 127.700 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 44.500 tấn, tăng 5,3%; An Giang đạt 38.700 tấn, tăng 10,1%.

Sản lượng tôm sú tháng 7 ước tính đạt 34.100 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bạc Liêu đạt 14.000 tấn, tăng 9,2%; Trà Vinh đạt 2.200 tấn, tăng 15,8%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 7/2019 ước tính đạt 340.500 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 272.600 tấn, tăng 4,9%; tôm đạt 10.200 tấn, tăng 6,3%. Khai thác biển tháng 7 ước tính đạt 324.300 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 261.900 tấn, tăng 4,9%; tôm đạt 9.100 tấn, tăng 5,8%.

Tính chung 7 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.521.000 tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.321.200 tấn, tăng 6,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.199.800 tấn, tăng 4,9% (sản lượng khai thác biển đạt 2.099.600 tấn, tăng 5,1%)./.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác