Những dấu ấn chỉ đạo, điều hành nổi bật của Bộ NNPTNT năm 2019 (1)

18/12/2019

Năm 2019, nông nghiệp nước ta tiếp tục hội nhập sâu hơn, đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh nông sản hàng hóa còn yếu, lại chịu tác động lớn bởi dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi... Tuy nhiên, Bộ NNPTNT đã có những điều hành, chỉ đạo kịp thời để "về đích" với nhiều chỉ tiêu nổi bật.

1. Chủ động rà soát, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, cơ cấu sản xuất phù hợp, dựa trên lợi thế, thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu

Đối với sản xuất lúa, Bộ đã chỉ đạo các địa phương chuyển đổi khoảng 100.000ha lúa có khả năng hạn, thiếu nước tưới chuyển sang cây trồng khác, cùng với chuyển đổi diện tích lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng, nuôi trồng thủy sản có thu nhập cao hơn.

Tập trung kiểm soát, nâng tỷ lệ giống lúa chất lượng, giá trị cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, vì vậy đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm nay.

Về tổng quát, ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng năng suất, sản lượng, giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt” từng bước khẳng định uy tín trên trường quốc tế như: Gạo hữu cơ Quảng Trị; gạo ST25 đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”...

Mở rộng thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP...). Năm 2019 đã có 39.300ha cây trồng được chứng nhận VietGAP là, trong đó: quả 22.660ha; rau 5.990ha...

2. Tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp phát triển mạnh, trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã

Năm 2019, đã thành lập mới được 6 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN), 1.800 HTX NN, nâng tổng số lên 45 Liên hiệp HTX NN, 15.300 HTX NN, trong đó có 72,89% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%), tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%.

Cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018; các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương.

Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, năm 2019 thành lập mới 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp (NN) lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23% (NLTS là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng).

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng CNC, như: Tập đoàn lớn như Vinamilk, Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…

Cùng với hiệu ứng của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sâu. Năm 2019 có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động (Từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai cả nước), giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.

Xây dựng và vận hành ổn định 1.484 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tăng 388 chuỗi so với năm 2018, với 2.374 sản phẩm, tăng 948 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán nông sản hàng hóa ATTP, tăng 93 địa điểm. Bước đầu tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực trên quy mô vùng, như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; Chuỗi liên kết trồng, chế biến, xuất khẩu lâm sản; Chuỗi liên kết lúa gạo với hàng ngàn hộ trồng lúa ở vùng ĐBSCL.

Theo Dân Việt


Tin khác