Từ “khoán hộ” đến những đổi mới trong nông nghiệp

30/01/2020

Từ năm 1963 – 1966, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thí điểm “khoán hộ”, mang lại năng suất lao động ngày càng cao trong nông nghiệp.

Nói về quá trình Đổi mới ở Việt Nam, không thể không nhắc đến những người có tầm nhìn “đi trước thời gian”, và một trong những người tiên phong của hành trình đó là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc.

Nhắc về hình ảnh người bố của mình trong những ngày tháng nghiên cứu thực tiễn sản xuất để khởi xướng nên “khoán chui”, bà Kim Thị Ngọc Minh, con gái Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc nhớ lại: “Trong cuộc sống ông có rất nhiều trăn trở, khi bà con mình quá đói nghèo. Ruộng có, đất có, người có nhưng không làm ra lúa, có làm cũng được rất ít sản phẩm, không đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Bố tôi hầu như không có ngày chủ nhật. Ngày chủ nhật nào ông cũng về nông thôn, đi xuống đồng ruộng thăm bà con làm ăn thế nào, đồng ruộng ra làm sao. Ông có suy nghĩ làm sao giúp bà con vượt cái đói, cái khó”.

Chính từ những ngày chủ nhật mà không nghỉ đó, Cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã xắn quần lội ruộng để thấy thực tiễn ngoài rìa lúa lên tốt tươi, nhưng ở giữa ruộng thì cỏ cao hơn lúa. Ông có thể ngồi cả buổi ngoài ruộng để quan sát hai mẹ con nông dân cấy được 2 sào ruộng, bằng sức lao động của 20 xã viên làm trên ruộng của hợp tác xã. Hỏi ra mới hay, đó là ruộng phần trăm của hợp tác xã giao cho gia đình.

Cố bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc đã nhận ra một điều, đó là sự đối nghịch giữa những khoảng ruộng nhỏ bé 5% được giao cho người nông dân làm chủ luôn xanh tốt trong khi 95% ruộng đất, những thửa ruộng chung mênh mông của hợp tác xã luôn xác xơ vàng vọt, nắng suất thấp.

Ông Phan Duy Yên, người dân xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Lao động dư thừa mà ăn theo định mức thì rất đói, nhưng sau này khoán ruộng đến từng hộ gia đình thì tôi và các em tôi nữa sẵn sàng đi làm để phụ giúp gia đình. Hồi chưa khoán thì chưa hết mùa đã hết gạo. Có khoán rồi thì đủ ăn vụ nọ sang vụ kia. Sau này được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mang các giống chất lượng về chuyển giao thì đời sống nông dân ngày càng khấm khá”.

Từ những suy ngẫm chiêm nghiệm cá nhân, kết quả việc thí điểm cải tiến quản lý hợp tác xã từ năm 1963 đến 1965 và kết quả khoán thí điểm ở 3 xã của huyện Vĩnh Tường, ngày 10/9/1966, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 68 mang tên “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”. Kết quả mà “khoán hộ” mang lại đã tạo ra bước nhảy vọt cho toàn ngành nông nghiệp.

Tính đến cuối năm 1967, Vĩnh Phúc có hơn 70% số hợp tác xã đạt năng suất bình quân từ 5 - 7 tấn/ha; sản lượng lương thực quy thóc đạt 222.000 tấn, tăng hơn năm trước 4.000 tấn, diện mạo nông thôn Vĩnh Phú thay đổi hẳn kể giữa những năm 60 của thế kỷ XX.

Ngày 13/1/1981, trên cơ sở tổng kết thực tiễn làm thử khoán sản phẩm ở các địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100 về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã. Tiếp đó, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, hay còn gọi là “Khoán 10”.

So với Chỉ thị 100, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã có một bước đột phá trong tư duy quản lý kinh tế khi lần đầu tiên thừa nhận và khẳng định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, người nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài.

Năm 1990, chỉ sau 2 năm áp dụng khoán 10, lần đầu tiên nước ta không phải nhập khẩu gạo để cứu đói. Năm 1991, Việt Nam đã xuất khẩu gạo và cho đến ngày hôm nay, nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng top đầu thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có đánh giá: “30 năm đổi mới đã có bước phát triển nền tảng. Xác định mức khoán hộ mới tạo bước tăng trưởng nhanh. Nay nền nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản thiết yếu mà còn giành một lượng nông sản lớn cho xuất khẩu. Điều này cho thấy sức phát triển ở sản xuất nông nghiệp rất lớn”./.

Theo VOV


Tin khác