Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một thế lực nông sản toàn cầu

06/02/2020

Việt Nam đang theo đuổi tham vọng trở thành một thế lực nông sản toàn cầu vào năm 2030, theo Nghị quyết 53/NQ-CP của chính phủ. Nghị quyết này đặt ra mục tiêu Việt Nam phải hướng đến top 15 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới và là một trung tâm toàn cầu cho logistics và chế biến nông sản.

Để đạt các mục tiêu này, hàng loạt các mục tiêu chiến lược phải hoàn thành, theo phát biểu của Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường. Đầu tiên, Việt Nam phải tái cấu trúc nền nông nghiệp với kế hoạch toàn quốc để thiết lập các vùng sản xuất nguyên liệu đầu vào và các thị trường tiêu dùng. Các khu vực tập trung sản xuất với lực lượng lao động có kỹ năng và các mạng lưới cơ sở hạ tầng, logistics phát triển sẽ được chú ý đầu tư để trở thành các động lực tăng trưởng cho các địa phương lân cận. Ngành chế biến nông sản phải bắt đầu lọc ra các sản phẩm giá trị gia tăng thấp và tìm cách gia tăng giá trị cho các sản phẩm hiện hành.

Thứ hai, môi trường kinh doanh phải tiếp tục cải thiện để giúp thuận lợi hóa đầu tư, đặc biệt là vào ngành nông lâm thủy sản. Việt Nam phải xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn để tận dụng triệt để các lợi thế như trồng rau, nuôi thủy sản và chế biến gỗ nhằm thu hút thêm đầu tư. Đồng thời, các cải cách hành chính phải cắt bỏ các yêu cầu không cần thiết và xây dựng các khung pháp lý để giúp các địa phương phát huy tiềm năng. Víi dụ, đất nông nghiệp có thể được cho thuê từ phía nông dân và hợp nhất để đạt hiệu quả kinh tế theo quy mô tốt hơn, có mức độ chuyên môn hóa sản phẩm cao hơn.

Thứ ba, Việt Nam phải tìm cách cải thiện các sản phẩm để cạnh tranh, thông qua hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn chuyên về nông lâm thủy sản. Các biện pháp phải được triển khai nhằm giúp nông dân bán nông sản trực tiếp tới cho người tiêu dùng nội địa. Phải tăng đầu tư vào phát triển các thương hiệu quốc gia, đặc biệt cho các sản phẩm đã được công nhận rộng rãi trên các thị trường quốc tế như cá tra, tôm, cà phê, hạt tiêu và nhân sâm. Việt Nam phải tìm cách áp dụng công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị cho các sản phẩm, cải thiện an toàn và thực thi các quy định nguồn gốc sản phẩm.

Cuối cùng, Việt Nam sẽ cần đầu tư mạnh vào nguồn lực con người làm mũi nhọn cho tăng trưởng ngành nông nghiệp. Một thế hệ lao động mới, có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại, sẽ đóng vai trò chính trong kết nối người sản xuất và người tiêu dùng để đạt hiệu quả thị trường lớn hơn.

Đồng thời, chính phủ phải tìm cách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là trong nghiên cứu và phát triển. Một cơ sở dữ liệu quốc gia giám sát hoạt động sản xuất, logistics và chế biến cũng được đưa vào danh sách ưu tiên hàng đầu của các cơ quan nông nghiệp. Việt Nam phải tập trung vào cải thiện các tiêu chuẩn quốc gia để quản trị các hoạt động nông nghiệp và chất lượng sản phẩm.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhu cầu đối với nông sản đang tăng trên phạm vi toàn cầu và được dự báo tiếp tục tăng. Việt Nam có nhiều lợi thế do đã ký nhiều thỏa thuận thương mại như Thỏa thuận Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Thỏa thuận Thương mại Tự do EU – Việt Nam.

Theo VNS


Tin khác