Nhập khẩu thịt vào Việt Nam có cần Hiệp định Thú y?

03/03/2020

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), không nhất thiết phải có ký kết hiệp định thú y giữa hai nước mới được phép xuất nhập khẩu thịt làm thực phẩm với Việt Nam.

Theo Cục Thú y, không nhất thiết phải ký kết Hiệp định Thú y mới được phát xuất nhập khẩu thịt với Việt Nam. Ảnh: Đại Từ.

Sau khi Ban điều hành giá của Chính phủ yêu cầu liên Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT phối hợp trong quý 1/2020 nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn nhằm bình ổn giá lợn hơi trong nước, rất nhiều bạn đọc, doanh nghiệp quan tâm tới cơ hội kinh doanh ở lĩnh vực này.

Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Thú y cho biết, việc xuất nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật (thịt) để làm thực phẩm giữa Việt Nam và các nước đầu tiên phải đáp ứng các điều kiện về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu cụ thể của từng đối tác xuất nhập khẩu, không nhất thiết phải ký kết Hiệp định về Thú y giữa hai nước.

Cụ thể, điều kiện và quy trình nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật từ các nước vào Việt Nam phải theo đúng quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới được quy định như sau:

Thứ nhất, để có thể xuất khẩu động vật và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam, nước xuất khẩu cần cung cấp cho Cục Thú y các hồ sơ, tài liệu về tình hình dịch bệnh, các chương trình và kết quả giám sát dịch bệnh, chương trình và kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm thịt động vật muốn xuất khẩu, năng lực chẩn đoán, xét nghiệm… nhằm phục vụ việc đánh giá rủi ro nhập khẩu.

Nếu kết quả đánh giá rủi ro nhập khẩu cho thấy nước xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm của Việt Nam, Cục Thú y sẽ tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra thực tế tại nước xuất khẩu, thống nhất điều kiện nhập khẩu, mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu động vật và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam.

Thứ hai, đối với sản phẩm thịt động vật, các nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm động vật của các nước có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó gửi hồ sơ của từng nhà máy cho Cục Thú y để tổ chức thẩm định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu các nhà máy đạt yêu cầu mới được đưa vào danh sách được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

Thứ ba, việc kiểm dịch sản phẩm thịt động vật nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 và Thông tư số 35/2018/TT-BNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ NN-PTNT. Theo đó, tất cả các lô hàng sản phẩm thịt động vật nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ ở khu vực cửa khẩu nhập và được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Các cơ quan thú y cửa khẩu trực thuộc Cục Thú y sẽ lấy mẫu các lô hàng nhập khẩu theo quy định để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh theo quy định. Nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm các yêu cầu mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Thứ tư, theo kế hoạch định kỳ Cục Thú y sẽ chỉ đạo các cơ quan thú y tại các cửa khẩu, cảng biển xây dựng kế hoạch giám sát, tổ chức lấy mẫu kiểm tra các chất tồn dư trong sản phẩm thịt động vật nhập khẩu. Nếu phát hiện lô hàng nhập khẩu vi phạm quy định của OIE và Việt Nam có thể yếu cầu tái xuất, tạm dừng nhập khẩu hoặc cấm nhập khẩu.

Cục Thú y nhấn mạnh, do động vật và sản phẩm thịt động vật là mặt hàng dùng làm thực phẩm, hơn nữa một số loài động vật có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cho con người nên điều kiện và quy trình nhập khẩu sản phẩm thịt động vật từ các nước vào Việt Nam phải tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Cục Thú y cho biết thêm, trong các cuộc họp gần đây với các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn, các doanh nghiệp đều cho biết không có vướng mắc gì trong quy trình, thủ tục kiểm dịch nhập khẩu thịt lợn từ các nước vào Việt Nam.

Thực tế, hiện nay mặt hàng thịt động vật nhập khẩu vào Việt Nam không áp dụng hạn ngạch khi nhập khẩu mà doanh nghiệp có quyền nhập số lượng không hạn chế nếu thấy có thị trường và nguồn cung đáp ứng đầy đủ các điều kiện kiểm dịch động vật theo quy định.

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp nhập khẩu, thủ tục, quy định nhập khẩu thịt hiện nay không có vướng mắc gì lớn mà chủ yếu liên quan tới nguồn hàng và giá bán bởi do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi nên giá thịt lợn trên thị trường thế giới cũng tăng hàng chục % mà nguồn hàng không phải lúc nào cũng có, nay lại vấp phải sự cạnh tranh của doanh nghiệp nhập khẩu tới từ Trung Quốc.

Do đó, để đạt mục tiêu nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn trong quý 1/2020, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn hàng có giá cả hợp lý tại các nước có thế mạnh xuất khẩu thịt.

Đặc biệt, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, bởi thuế nhập khẩu thịt tại một số nước vào Việt Nam hiện đang ở mức khá cao. Ngoài ra, phía Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi do đặc thù việc tiêu thụ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu thời gian quay vòng vốn thường lâu hơn thịt lợn ấm truyền thống.

Theo NNVN


Tin khác