Bộ Công Thương khẳng định hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đầy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh

17/03/2020

Nguồn cung hàng hóa thiết yếu như gạo, thịt, rau quả, thuốc chữa bệnh...tại các siêu thị, chợ trên cả nước đều tăng số lượng dự trữ, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết qua cập nhật báo cáo, hiện các doanh nghiệp phân phối dự báo nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này. 

Cụ thể, ngay từ giai đoạn đầu của dịch, hệ thống siêu thị Big C đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho; hệ thống siêu thị Sai gon Coop đã tăng 50-100% lượng hàng cung ứng; hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 50 - 200% lượng hàng cung ứng cho thị trường

Doanh nghiệp phân phối khác như Hệ thống siêu thị Lotte mart, các hệ thống siêu thị MM Megamarketcho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh thành khác. 

Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mì, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với tháng trước, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

Tại các chợ truyền thống, hàng hóa được đưa về các chợ tương đối dồi dào, tuy nhiên do lo ngại về dịch bệnh nên sức mua tại các chợ giảm, người tiêu dùng tại các thành phố có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn là tại các chợ. Sức mua tại chợ giảm khoảng 20 - 30% so với trước khi có dịch bệnh.

Theo số liệu tổng hợp từ các Bộ ngành và Hiệp hội ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước năm 2020 như lương thực uớc tính sản lượng thóc đạt 43,3 triệu tấn, tương đương 26 triệu tấn gạo, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng 19-20 triệu tấn, do đó dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.

Tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020 ước đạt 5,5 - 5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt heo hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn, thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn.

Với lượng tổng cung các loại thịt như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm, Vụ thị trường trong nước cho hay.

Bên cạnh đó, với mặt hàng rau quả, diện tích rau sản xuất 960.000 ha, tương đương năm 2019, sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn, tăng hơn 100.000 tấn so với năm ngoái; tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40 - 50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Mặt hàng đường sản xuất trong nước năm 2020 đạt khoảng 1 triệu tấn đường, công suất của các nhà máy có thể đạt 1,5 triệu tấn.

Tuy nhiên do lo ngại đường nhập khẩu năm nay sẽ tăng sau khi Hiệp định ATIGA được áp dụng nên các nhà máy phải cắt giảm sản xuất, tồn kho năm trước chuyển sang khoảng 300.000 tấn cùng với lượng đường nhập khẩu tăng khi chính sách thuế nhập khẩu giảm mạnh được áp dụng từ năm 2020, do đó nguồn cung đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra với mặt hàng giấy dự kiến năm 2020 tổng lượng sản xuất các loại đạt gần 5,1 triệu tấn; tổng lượng nhập khẩu giấy các loại đạt hơn 3,6 triệu tấn; tổng lượng xuất khẩu giấy các loại đạt gần 1,1 triệu tấn. Như vậy nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng giấy các loại đạt hơn 6 triệu tấn.

Với thuốc chữa bệnh ước tính năm 2020, trị giá thuốc sản xuất trong nước ước đạt 2.900 triệu USD, trị giá thuốc nhập khẩu ước đạt 4.350 triệu USD, trong đó: trị giá thuốc thành phẩm nhập khẩu ước đạt 3.500 triệu USD, trị giá nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc ước đạt 850 triệu USD, trị giá thuốc xuất khẩu ước đạt 165 triệu USD.

Như vậy kế hoạch nguồn cung sản xuất và nhập khẩu thuốc đáp ứng đủ nhu cầu thuốc năm 2020 ước khoảng 6.235 triệu USD.

Theo Vụ thị trường trong nước, với điều kiện hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra bình thường, cùng với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng Top đầu thế giới và đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ nên nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng của Việt Nam về cơ bản tự năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chỉ cần tâm lí người dân không hoang mang, không có hiện tường đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đầy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh, Vụ thị trường trong nước khẳng định.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng


Tin khác