Miễn thuế sử dụng đất NN: Khoan sức dân và khuyến khích không bỏ ruộng

07/05/2020

Theo đó, việc miễn thuế sẽ hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, việc miễn thuế sẽ hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2025) là phù hợp, vì chỉ thực hiện trong thời gian nhất định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích, việc tiếp tục miễn thuế đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để mở rộng quy mô sản xuất, qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống.

Tại báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình cho biết: Cần thiết ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt do ảnh hưởng xấu của dịch bệnh Covid-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp cần được xem xét, đánh giá trong tổng thể các chính sách chung với Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các loại thuế, các khoản thu khác đang áp dụng với đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Đồng thời, hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang nghiên cứu khả năng xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó bao gồm cả đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đề nghị tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện chính sách này là chưa thực sự phù hợp, vì đây là Nghị quyết quy định ngoài phạm vi của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, đã được thực hiện trong giai đoạn 2011-2020 và nay đề nghị kéo dài đến năm 2025. Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian qua đã thể hiện rõ những mặt tích cực trên nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, chương trình của Quốc hội chưa đặt ra việc sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và trong Luật chưa quy định thời hạn miễn thuế nên chưa thể sửa Luật. Vì vậy, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo giai đoạn nên được tiếp tục triển khai trong thời gian tới để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp bằng một Nghị quyết là đúng đắn.

Cần đánh giá tác động, bất cập cho kỹ lưỡng

Tán thành với việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, đây là chính sách có ý nghĩa rất lớn đối ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân mỗi lúc gặp khó khăn như trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra khó lường ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khi khủng hoảng tài chính thì sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực “cứu cánh” cho nền kinh tế Việt Nam. Trong khi những lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, vận tải bị đình trệ thì lĩnh vực nông nghiệp vẫn phát triển. Khi dịch bệnh diễn ra ở Việt Nam thì người nông dân đi làm việc xa nhà vẫn phải quay về quê hương gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng của mình để trồng trọt, sản xuất.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc người nông dân không yên tâm sản xuất, bỏ đất hoang có nhiều nguyên nhân như: giá sản phẩm nông nghiệp thấp, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn... Vì vậy, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cần đánh giá tác động, bất cập của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho kỹ lưỡng. Theo đó, Chính phủ cần phải đánh giá về các đối tượng, phạm vi được miễn thuế. Chính sách khuyến khích nông dân sử dụng đất hiệu quả và không lãng phí đất đai như thế nào.

“Trong 5 năm tới, Chính phủ phải báo cáo đầy đủ việc thực hiện chính sách này trong 20 năm qua đã mang lại kết quả gì để làm cơ sở sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Khi đó, phải tính tới những cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do để tiếp thu đầy đủ”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2020).

Trong 20 năm qua, việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003 - 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 - 2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.

Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Do đó, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế SDĐNN.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác