HỘI THẢO TÁC ĐỘNG CỦA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI TỚI NGÀNH CÀ PHÊ VIỆT NAM

16/01/2021

Ngày 16 tháng 01 năm 2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT phối hợp với Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ Tác động của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới ngành cà phê Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu cà phê trong nước và vốn FDI có trụ sở ở miền Bắc, Tây Nguyên và miền Nam; các tổ chức quốc tế liên quan từ tổ chức chứng nhận, tổ chức phát triển bền vững; Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam…

Ngành hàng cà phê Việt Nam có năng lực sản xuất mạnh mẽ, đã và đang tham gia hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng và phụ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường thế giới. Giá hàng cà phê thô ngày càng gắn chặt với thay đổi trong thị trường hàng hóa và các kênh đầu tư tài chính, và xu hướng biến động trong ngắn hạn thường xuyên và mạnh mẽ hơn trước. Nhu cầu đối với cà phê cũng đang chuyển hướng sang cà phê chất lượng cao, bền vững.

Tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành hàng cà phê có triển vọng tích cực, bao gồm có tăng giá trị xuất khẩu các sản phẩm cà phê, làn sóng FDI đầu tư vào ngành, cơ hội phát triển cà phê chế biến tinh, chế biến sâu. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là nhiều thách thức đặt ra cho ngành hàng cà phê Việt Nam như tăng giá trị nhập khẩu các sản phẩm cà phê, gia tăng hàng rào kỹ thuật trong khi hàng rào thuế quan giảm ở các nước đối tác trong các hiệp định này. Đồng thời, việc phát triển ngành hàng cà phê cũng gặp nhiều thách thức nội tại cà phê Việt Nam: cà phê hiện được sản xuất và tiêu thụ chủ yếu thông qua các chuỗi giá trị không liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo; thiếu doanh nghiệp đầu tàu, đủ năng lực quản trị, vốn, công nghệ, marketing để kết nối cơ hội trong chuỗi giá trị; mức tiêu thụ nội địa các sản phẩm cà phê chế biến còn thấp.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam cho rằng để nâng cao giá trị ngành cà phê thì cần nâng cao năng suất và tăng tỉ lệ tiêu thụ cà phê chế biến. Xuất khẩu cà phê chế biến tăng sẽ dẫn tới làn sóng đầu tư mới cũng tăng theo nhằm đáp ứng nhu cầu. Dự báo 15 năm nữa tỷ lệ này tăng 30%-35% thì kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên 1-2 tỷ USD.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Intimex cho rằng cơ hội và thách thức của ngành cà phê tập trung vào hai mắt xích là doanh nghiệp và nông dân. Cơ hội nhiều và thách thức không quá lớn. Ngành hàng này nhận được nhiều sự quan tâm từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế, đều hướng tới quy trình sản xuất cà phê bền vững, chất lượng.

Nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đề xuất 6 khuyến nghị chính sách để ngành hàng cà phê Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội và vượt qua thách thức của hội nhập:

- Xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững, cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản.

- Hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành hàng cà phê chế biến

- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chế biến sâu, chế biến tinh cà phê về (a) tín dụng, (b) đầu tư, nâng cấp, đổi mới trang thiết bị, máy móc, công nghệ chế biến, (c) đào tạo nhân lực, (d) nghiên cứu và phát triển sản phẩm, (e) quản trị doanh nghiệp, (f) tư vấn khởi nghiệp.

-                Tăng cường hợp tác công tư về liên kết chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nội địa, xây dựng thương hiệu.

-                Đổi mới dịch vụ công: xã hội hóa công tác kiểm tra, giám sát giống, vật tư nông nghiệp, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với cà phê nhân, cà phê rang xay.

- Thúc đẩy tiêu dùng cà phê trong nước (cà phê chất lượng cao, cà phê bền vững, cà phê đặc sản) để kích thích công nghiệp chế biến sâu cà phê trong nước thông qua các chương trình truyền thông.

Cũng trong hội thảo, đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đã đưa ra một số gợi ý cho doanh nghiệp nhằm thích ứng với các yêu cầu mới từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cụ thể, lựa chọn FTA có lợi nhất về thuế và quy tắc xuất xứ, so sánh thuế FTA và thuế MFN (và thuế khác) xem sử dụng loại thuế nào có lợi nhất, so sánh thuế áp dụng đối với Việt Nam so với thuế áp dụng với các đối thủ cạnh tranh khác, tìm hiểu kỹ và tuân thủ đầy đủ các quy định nhập khẩu (bắt buộc và không bắt buộc); sử dụng các công cụ miễn phí, các nguồn thông tin và hỗ trợ sẵn có.

Một vài hình ảnh tại Hội thảo:

E:\MINH DUNG\PROJECTS\PHA 2\Component 3\Hoạt động\Đầu ra 1_hội nhập\hoi thao\ht HCM\ảnh\c12c6984168de2d3bb9c.jpg

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Cấu phần 3 thuộc Chương trình Aus4Reform và đại biểu tham dự hội thảo

E:\MINH DUNG\PROJECTS\PHA 2\Component 3\Hoạt động\Đầu ra 1_hội nhập\hoi thao\ht HCM\ảnh\3.HT HCM1.jpg

Ông Đỗ Ngọc Sỹ, Giám đốc bền vững Châu Á-Thái Bình Dương của JDE (Jacobs Douwe Egberts)

E:\MINH DUNG\PROJECTS\PHA 2\Component 3\Hoạt động\Đầu ra 1_hội nhập\hoi thao\ht HCM\ảnh\11.HT HCM (2).jpg

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex


Tin khác