Hội thảo lấy ý kiến về hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản

06/12/2023

Ngày 04/12/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản”. Hội thảo được đồng chủ trì bởi Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan liên quan về sự cần thiết, nội hàm cơ chế chính sách pháp luật cần bổ sung và phương thức xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định hay Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) về thương hiệu nông sản.

 

A group of people sitting in a roomDescription automatically generated

Bà Nguyễn Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, trình bày Báo cáo đề dẫn tại hội thảo

Trong khuôn khổ nhiệm vụ chuẩn bị xây dựng Nghị định quản lý thương hiệu nông sản của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, theo phân công của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đã hỗ trợ, tư vấn xây dựng “Báo cáo đánh giá thực trạng và định hướng chính sách cho phát triển thương hiệu nông sản”.

Sản xuất nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đạt nhiều thành tựu to lớn, sản lượng lương thực thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đóng góp ngày càng nhiều vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ngành nông nghiệp đã đạt 53,22 tỷ Đô la Mỹ, tăng 9,3% so với năm 2021. Hiện Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ Đô la Mỹ; trong đó, có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ Đô la Mỹ. Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới. Tuy vậy, khoảng 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác; 80% sản lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm Việt Nam được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh đó, xây dựng thương hiệu cho nông sản có vai trò rất lớn trong việc gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng của sản phẩm truyền thống, sản phẩm bản địa, góp phần nâng cao vị thế và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Báo cáo của Viện đã tổng hợp lại các chủ trương, chính sách, chương trình của Chính phủ, các Bộ, ngành thời gian qua liên quan tới vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản. Theo đó, Việt Nam vẫn thiếu một khung chính sách, chương trình tổng thể chung định hướng cho phát triển thương hiệu nông sản. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và năng lực quản trị và phát triển thương hiệu của các tác nhân tham gia vào hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản còn hạn chế nên chưa tạo sức bật cho phát triển thương hiệu nông sản. Nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích các kết quả đạt được và hạn chế của một số chương trình xây dựng thương hiệu ở các cấp quốc gia (Chương trình Thương hiệu Việt Nam của Bộ Công Thương, Đề án xây dựng Thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam, Thương hiệu Cao su Việt Nam, Cà phê Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm nông sản chủ lực khác), cũng như các chương trình xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương (Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể, OCOP) để chỉ ra các hạn chế và khoảng trống chính sách cần được xem xét trong thời gian tới.

Ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tham gia hội thảo nhất trí rằng hiện nay Việt Nam chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu nông sản. Vì vậy, cần xây dựng một cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho nông sản đảm bảo phù hợp hợp với các chủ trường, chính sách, cơ sở pháp lý liên quan. Định hướng phát triển thương hiệu nông sản cần tiếp cận triển khai đồng bộ trên các phương diện: sản phẩm tốt (thông qua ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra các dòng sản phẩm có chất lượng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc…), doanh nghiệp tốt (quảng bá xúc tiến thương mại sản phảm của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị thương hiệu), hệ sinh thái tốt cho phát triển thương hiệu nông sản (thúc đẩy liên kết theo chuỗi, tổ chức hội/hiệp hội để cùng nhau bảo vệ thương hiệu, hệ thống tư vấn, xây dựng quản trị, phát triển thương hiệu) và gắn kết các thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu vùng, miền, địa phương hướng tới lợi ích chung của thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, các nhóm chính sách cần tập trung ưu tiên vào hỗ trợ xây dựng thương hiệu thông qua thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước; hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Song song đó, chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thương hiệu nông sản nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu.

Tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự hội thảo, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường trong nghiên cứu và đề xuất dự thảo khung chương trình, chính sách phát triển thương hiệu nông sản để báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

Nguyễn Ngọc Yến, Trung tâm Phát triển nông thôn

 

 


Tin khác