Hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường” tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sáng 17/9. Ảnh: Quỳnh Chi.
Ngày 17/9, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ KH-ĐT) phối hợp với Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Úc (VASEA) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường”.
Phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nắm bắt xu hướng này, hội thảo được tổ chức với tiền đề “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” và nhấn mạnh cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi xanh.
Cơ hội và thách thức đối với sản xuất lúa phát thải thấp
Các chuyên gia về kinh tế, chính sách và phát triển bền vững từ Đại học Quốc gia Australia đã có bài trình bày tại hội thảo để làm rõ những cơ hội và thách thức nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo giảm phát thải thông qua cơ chế thị trường.
Theo PGS.TS Chu Hoàng Long, nhìn chung, các nhà sản xuất lúa phải chịu chi phí để giảm phát thải khí nhà kính. Để khuyến khích việc giảm phát thải, các nhà sản xuất lúa cần được bù đắp về kinh tế.
“Quá trình giám sát, xác minh và báo cáo (MRV) là yếu tố then chốt cho việc thực hiện các cơ chế thị trường. Một số nhóm sản xuất đã báo cáo rằng họ đã áp dụng các kỹ thuật hiệu quả đầu vào, nhưng thực tế chi phí lại cao hơn”, PGS.TS Long nhận định.
Đồng tình với PGS.TS Long, chuyên gia Nguyễn Thị Hải giải thích thêm, việc tham gia các dự án carbon đòi hỏi nông dân phải áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến hơn so với các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, việc này không chỉ giúp giảm phát thải khí metan mà còn mang lại nhiều lợi ích khác, như giảm lượng nước sử dụng, giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất.
Ngoài ra, khi cam kết canh tác lúa giảm phát thải, nông dân còn được tiếp cận các khóa đào tạo và nguồn lực, góp phần đảm bảo tính bền vững lâu dài của đất nông nghiệp.
Số lượng tín chỉ carbon được giao dịch từ ngành nông nghiệp tăng nhanh từ năm 2020 đến năm 2023.
Để làm rõ cơ hội tiếp cận thị trường carbon trong sản xuất lúa gạo, TS Hải thông tin về Tiêu chuẩn carbon đã được xác minh (VCS) và Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard).
Mục tiêu chung cả VCS và Gold Standard là cải thiện các phương pháp canh tác lúa, nhằm giảm lượng phát thải ròng. Các tiêu chuẩn này khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, không chỉ giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, với tiêu chuẩn VCS, các hoạt động được phép bao gồm: áp dụng phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ, áp dụng cơ giới hóa gieo sạ và giống lúa chịu hạn, tiết kiệm nước.
Trong khi đó, Gold Standard cũng khuyến khích các phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ và gieo sạ, nhưng có yêu cầu chặt chẽ hơn về số lần tưới ngập ruộng và thời gian rút nước.
Triển vọng thành lập quỹ giảm phát thải kết hợp cơ chế thị trường
Chuyên gia chính sách Đỗ Nam Thắng diễn giải thêm về cơ chế thị trường carbon. Trong đó, người mua là các cơ quan, công ty hoặc cá nhân tìm cách bù đắp lượng phát thải của mình. Người bán là các dự án đã chứng minh được việc giảm phát thải khí nhà kính và đủ điều kiện cung cấp tín chỉ carbon cho thị trường.
Tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường với mức giá thay đổi tùy theo cung và cầu. Giá tín chỉ thường cao hơn trong các thị trường tuân thủ, do yêu cầu pháp lý.
TS. Thắng nêu ví dụ của Chương trình Đơn vị Tín chỉ Carbon của Úc (Australian Carbon Credit Units Scheme - ACCUs). Theo ông Thắng, đây là mô hình tiềm năng, có nhiều yếu tố phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
“Mô hình này có tính tương thích cao với nông dân và các ngành công nghiệp tại Việt Nam, do nhiều lĩnh vực trong chương trình đã quen thuộc với người dân. Chương trình còn mang lại sự linh hoạt cho cả nông hộ nhỏ và các doanh nghiệp lớn, giúp mọi thành phần trong nền kinh tế có thể tham gia và hưởng lợi”, ông Thắng nói.
Việc triển khai chương trình giảm phát thải tại Việt Nam cần có nguồn tài trợ ổn định và lâu dài. Ảnh: Kim Anh.
Chuyên gia khẳng định, việc triển khai chương trình giảm phát thải tại Việt Nam cần có nguồn tài trợ ổn định và lâu dài. Một giải pháp tiềm năng là áp dụng thuế carbon trên phạm vi quốc gia. Nguồn thu từ thuế carbon có thể được sử dụng để tài trợ cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng có thể tổ chức bán đấu giá quyền phát thải, từ đó tạo ra nguồn quỹ để hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến và dự án liên quan đến giảm phát thải.
Về cơ chế, ông Đỗ Nam Thắng đề xuất, việc triển khai chương trình giảm phát thải tại Việt Nam có thể khả thi nếu liên kết với Thị trường Carbon Quốc gia dự kiến sẽ được thành lập vào năm 2028. Để đảm bảo tính liên tục và hiệu quả, chương trình có thể được quản lý bởi một cơ quan hoặc tổ chức hiện có tại Việt Nam.
Xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp cho phân khúc thị trường cao cấp
Tại phiên tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo, ông Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, các mô hình thí điểm trong khuôn khổ Đề án 1 triệu ha đã chứng minh được nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc tăng năng suất.
Tuy nhiên, Nhà nước cần có cơ chế để doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn, liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã. Với xu hướng hiện nay, nếu thị trường chấp nhận chi phí cao hơn, lợi nhuận của nông dân vẫn có thể được đảm bảo, nhất là khi đi vào các phân khúc cao với quy chuẩn kỹ thuật cao hơn.
Doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực đồng tình và chia sẻ, cần xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản, nhằm tạo động lực thu hút doanh nghiệp tham gia hợp tác với nông dân.
Bà Thực nhấn mạnh, Bộ NN-PTNT đang thúc đẩy chủ trương chuyển đổi sang nền kinh tế nông nghiệp, điều này đặt ra bài toán kinh tế rất quan trọng. Bà cho rằng: “Đối với ngành lúa gạo, chúng ta cần định vị người tiêu dùng sản phẩm lúa phát thải thấp là những người có thu nhập cao, quan tâm đến các yếu tố môi trường và công bằng xã hội”.
TS Đặng Kim Sơn trao đổi tại tọa đàm về cơ chế thị trường cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Ảnh: Quỳnh Chi.
Cùng với đó, TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia kinh tế nông nghiệp, khẳng định vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc kết nối thị trường nông sản. Ông cho biết, dù tổng đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5%, nhưng hiệu quả mà nó mang lại là rất lớn. Để có thể chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang nền kinh tế nông nghiệp xanh, vai trò của Nhà nước là không thể thiếu.
Ông Sơn cũng đề cập đến việc từ năm 2026, các nước châu Âu sẽ bắt đầu áp dụng thuế phát thải cho nông nghiệp. Nếu các sản phẩm của Việt Nam được chứng nhận là “xanh,” không những sẽ giảm được mức thuế mà còn mở ra cơ hội để xây dựng thương hiệu mới cho ngành lúa gạo Việt Nam.
TS. Đặng Kim Sơn phân tích: “Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Việt Nam cần phải giữ vững lợi thế cạnh tranh của mình. Đồng hành cùng các cam kết quốc tế, việc xác định được các chuẩn mực về giảm phát thải là vô cùng quan trọng. Đây sẽ là cơ sở để đo lường mức giảm phát thải từ các vùng sản xuất lớn đến nhỏ lẻ, giúp tính toán chính xác lượng phát thải mà Việt Nam đã giảm được”.
Trong tương lai, nhiều ngành hàng sẽ phải đối mặt với mức thuế carbon rất cao từ châu Âu, đặt ra thách thức lớn cho các ngành công nghiệp lớn. Với tiềm năng giảm phát thải carbon của Việt Nam, cần có sự cân đối giữa các ngành sản xuất trong nước để đạt được hiệu quả tối ưu.
Quỳnh Chi - Kim Anh