Khó duy trì được đà tăng trưởng
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA chia sẻ, năm 2024, giá cà phê Robusta và Arabica trên các sàn giao dịch quốc tế tăng mạnh, liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Đến cuối tháng 8, giá loại hạt “giàu vị đắng” này trên thị trường toàn cầu đã tăng mạnh lên mức kỷ lục 13 năm qua.
Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết tại Brazil và Việt Nam (hai quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới) không thuận lợi, ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. Ngoài ra, cả 3 thành phần quan trọng về đầu cơ trên thị trường (quỹ đầu cơ phi thương mại, các công ty quản lý quỹ và các quỹ chỉ số của thị trường) đều tăng vị thế mua ròng, đẩy giá tăng mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm do nguồn cung giảm, nhu cầu tăng. Đặc biệt, sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 tại Việt Nam dự kiến giảm mạnh, về mức thấp nhất trong 13 năm. Trong khi thị trường tiêu dùng cà phê chính thống ở Bắc bán cầu đang dần trở lại sau kỳ nghỉ hè, góp phần thúc đẩy một số hoạt động giao dịch cà phê thực trong những tháng tới trước thời điểm rang cà phê mùa đông ở cả châu Âu và Mỹ.
|
Giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm do nguồn cung giảm |
Theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco DakLak, giá cà phê đã tăng từ khoảng 55.000 đồng/kg lên 71.000 đồng/kg gần đây, gấp đôi so với năm trước. Sự khan hiếm cà phê từ vụ trước đã buộc một số doanh nghiệp phải chờ đến khi có nguồn cung mới. Điều này, cùng với lo ngại về thiếu hụt như năm trước, khiến giá cà phê tiếp tục tăng.
Mặc dù việc dự đoán giá cà phê có tiếp tục tăng hay không là khó, các chuyên gia cho rằng khả năng tăng tiếp không cao vì giá đã chạm ngưỡng. Ngoài ra, xung đột ở Biển Đỏ cũng làm tăng giá cước vận chuyển tàu, làm cho giá cà phê kèm theo cước tăng mạnh, chênh lệch lớn so với kế hoạch mua sắm của các nhà rang xay.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group cho biết, tình hình khan hiếm hàng bắt đầu từ tháng 6/2023 đã làm tăng giá cà phê trong nước. Đối diện với những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt là từ EU, ngành cà phê Việt Nam trong năm 2024 sẽ chú trọng vào nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đồng thời đáp ứng các quy định chống mất rừng của EU.
Giải pháp cho ngành cà phê Việt
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, ngành cà phê Việt Nam, với vị thế là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, đang đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt 6 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong tương lai. Mục tiêu này không chỉ là kết quả của những nỗ lực tăng cường sản xuất mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và cải thiện chất lượng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược, từ cải thiện chất lượng cà phê đến tăng cường công nghệ và phát triển bền vững.
|
Các doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào chế biến sâu |
Hiện tại, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê thô, dẫn đến giá trị chưa tương xứng với tiềm năng. Để giải quyết vấn đề này, ngành cà phê cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng, phát triển các dòng cà phê đặc sản (specialty coffee) và phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn. Việc cải thiện chất lượng không chỉ giúp tăng giá trị xuất khẩu mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ tại các quốc gia yêu cầu cao về chất lượng như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cà phê quốc gia. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào marketing và xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, nhằm khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group nhận định, các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến cần hướng đến phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... Do đó, ngành cà phê Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững như VietGAP, 4C, Rainforest Alliance, và hữu cơ. Đây là những chứng nhận giúp cà phê Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường khó tính, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024, đặt ra nhiều thách thức đối với ngành cà phê. Quy định này yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu sang EU, trong đó có cà phê, phải đảm bảo không gây ra tình trạng phá rừng. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam cần đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc và cải thiện quy trình sản xuất, từ đó đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường châu Âu.
|
Ngành cà phê Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững |
Việc phát triển ngành chế biến sâu không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tăng khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây là hướng đi cần thiết để chuyển dịch từ việc xuất khẩu nguyên liệu thô sang xuất khẩu các sản phẩm hoàn chỉnh, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào biến động giá cả của thị trường cà phê thô.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp - Bộ NN&PTNT, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất cà phê là một yếu tố quan trọng giúp tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Sử dụng công nghệ trong việc quản lý vườn cà phê, thu hoạch, chế biến và đóng gói sẽ giúp cải thiện hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tổn thất. Việc áp dụng công nghệ sẽ giúp đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu về bền vững và chất lượng từ thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong việc tiếp cận thị trường cũng là giải pháp giúp các doanh nghiệp cà phê Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế một cách hiệu quả hơn. Việc ứng dụng các nền tảng thương mại điện tử và công cụ số sẽ giúp mở rộng kênh bán hàng và tăng cường khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường toàn cầu, ông Nam chia sẻ thêm.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, ngành cà phê cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình đào tạo cho nông dân về quy trình sản xuất cà phê bền vững, cũng như các khóa đào tạo cho kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực cà phê sẽ giúp cải thiện năng suất và chất lượng.
Ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong việc đạt được mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có sự nỗ lực đồng bộ từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững, đẩy mạnh chế biến sâu, mở rộng thị trường, đến việc ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Chỉ khi triển khai hiệu quả các giải pháp này, cà phê Việt Nam mới có thể khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Đức Hiền