Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ cuối năm 2024

24/09/2024

Thị trường Hoa Kỳ, một trong những thị trường chủ lực của thủy sản Việt Nam, đang tạo ra nhiều kỳ vọng về sự phục hồi và tăng trưởng trong các tháng cuối năm 2024. Cá tra được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng đơn hàng, ngược lại việc xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm giá cả, thị phần, rào cản thương mại và biến động thị trường.

Cá Tra: Kỳ vọng gia tăng đơn hàng

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiến hành điều tra hành chính xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra phile đông lạnh của Việt Nam cho giai đoạn xem xét từ ngày 01/8/2022 tới ngày 31/7/2023 (POR20). Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định rằng nhiều công ty xuất khẩu cá tra phile đông lạnh từ Việt Nam không có hành vi bán phá giá trong giai đoạn từ 01/8/2022 đến 31/7/2023 (POR20). Do đó, các công ty này sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá.

Kết quả này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi và gia tăng đơn hàng cá tra vào thị trường Hoa Kỳ trong các tháng cuối năm. Thêm vào đó, việc chuẩn bị các lễ hội, kỳ nghỉ cuối năm cũng làm gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhất là người tiêu dùng tại đây cũng đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam. Đồng thời, việc các nguồn cung cá thịt trắng cho Hoa Kỳ đang giảm trong bối cảnh khan hiếm các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi cũng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Ngày 29/8/2024, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố sẽ mua thêm cá tuyết Thái Bình Dương, phi lê cá mú và các sản phẩm từ cá da trơn.

Dữ liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho thấy xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ trong tháng 8/2024 đạt hơn 35 triệu đô la Mỹ, tăng 40% so với tháng 8/2023. Tháng 8/2024 cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu sang thị trường này cao thứ 2 trong năm (sau tháng 4/2024 với hơn 37 triệu đô la Mỹ). Giá trị xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ trong 8 tháng đầu năm nay đạt 226 triệu đô la Mỹ, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là “điểm sáng” trong xuất khẩu cá tra, trong khi đó tại thị trường hàng đầu khác là Trung Quốc trong 8 tháng qua giá trị xuất khẩu đã sụt giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tôm: Cơ hội đi kèm nhiều thách thức

Ngành tôm Việt Nam cũng kỳ vọng vào sự gia tăng nhu cầu tại Hoa Kỳ trong các tháng cuối năm nhờ sức mua tăng từ các nhà nhập khẩu trước kỳ nghỉ lễ. Tôm chân trắng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội cạnh tranh so với tôm Ecuador và Ấn Độ, khi các đối thủ này đang phải đối mặt với cảnh báo vấn đề lao động và an toàn thực phẩm. Trong trung tuần tháng 9/2024, Bộ Lao động Hoa Kỳ (DOL) đã thêm tôm từ Ấn Độ vào Danh sách hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức năm 2024 sau đơn kiến​​ nghị được Liên minh tôm miền Nam (SSA) đệ trình vào đầu năm nay. Trong khi đó, xuất khẩu tôm Ecuador sang Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng bởi thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ của Hoa Kỳ. Tôm nhập khẩu từ Ecuador vào Hoa Kỳ có mức thuế chống trợ cấp sơ bộ là 2,89%, mức thuế chống bán phá giá là 10,58% và các mức thuế này đã phần nào tác động đến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Tuy vậy, việc cạnh tranh của con tôm Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ vẫn còn đầy thách thức từ việc giá cước vận tải biển tăng mạnh trong thời gian gần đây. Điều đáng ngại hơn là giá tiêu thụ tôm của những đối thủ này rất thấp, thậm chí có loại thấp hơn 20% so với giá của tôm Việt. Từ đó khiến cho không ít doanh nghiệp xuất khẩu tôm giảm tỷ trọng xuất khẩu vào Hoa Kỳ và chuyển hướng sang thị trường gần có tín hiệu tốt hơn. Ngoài ra, các rào cản thương mại như điều tra phòng vệ thương mại và biện pháp chống bán phá giá vẫn là những thách thức lớn với ngành tôm Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ.

Hơn nữa, dự báo từ Diễn đàn Tôm Toàn cầu (GSF) cho thấy lượng tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ năm 2024 sẽ tiếp tục giảm 3% xuống còn 764.962 tấn, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp giảm.

Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu nhu cầu hồi phục nhập khẩu tôm ở Hoa Kỳ vì sự chậm trễ và gián đoạn vận chuyển do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ gây ra đã làm giảm hàng tồn kho nên các nhà nhập khẩu đang tìm cách mua bù vào.

Những yêu cầu và Chiến lược tương lai

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện giá thành, tăng cường năng lực chế biến, và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các hệ thống phân phối lớn tại Hoa Kỳ. Việc nghiên cứu mặt hàng mới và chủ động tham gia các sự kiện, lễ hội sẽ giúp các doanh nghiệp giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường quan trọng này.

Nhìn chung, mặc dù có nhiều yếu tố không chắc chắn, ngành thủy sản Việt Nam vẫn có thể kỳ vọng vào một "điểm sáng" tại thị trường Hoa Kỳ trong các tháng cuối năm 2024, với điều kiện các doanh nghiệp chủ động và linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu của mình./.

 

Quốc Hoàng, Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO)

 

Link tài liệu tham khảo

https://vnbusiness.vn/viet-nam/ky-vong-diem-sang-xuat-khau-thuy-san-sang-hoa-ky-dip-cuoi-nam-1102427.html

https://vasep.com.vn/san-pham-xuat-khau/ca-tra/xuat-nhap-khau/xuat-khau-ca-tra-thang-8-2024-nhu-cau-va-gia-xuat-khau-tiep-tuc-phuc-hoi-31532.html

https://vasep.com.vn/san-pham-xuat-khau/ca-tra/xuat-nhap-khau/ket-qua-so-bo-por20-thue-chong-ban-pha-gia-ca-tra-phile-vao-my-nhieu-cong-ty-xuat-khau-duoc-bo-thue-31551.html


Tin khác