Hiện nay, Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 11 loại trái cây đặc sản như sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, ngoài ra có thêm khoai lang, cây xạ đen. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 5,6 tỷ đô la Mỹ rau quả, riêng Trung Quốc là 3,63 tỷ đô la Mỹ (chiếm xấp xỉ 65% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả). Năm 2024, dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7,5 tỷ đô la Mỹ, trong đó Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 70% kim ngạch.
Trước vai trò quan trọng của thị trường Trung Quốc, ngày 11/12/2024, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc với chuyên đề “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc” với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đến từ các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước.
Hội thảo đã cung cấp bức tranh toàn cảnh và sâu sắc về thị trường Trung Quốc, giúp các nhà sản xuất, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt các quy định, tiêu chuẩn chất lượng và xu hướng tiêu dùng đang thịnh hành tại đây, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và các chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả, giúp doanh nghiệp rút ra bài học và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thông qua việc trao đổi và học hỏi, các doanh nghiệp có thể tìm ra giải pháp để tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Đặc biệt, Hội thảo còn đóng vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, thiết lập mối liên kết vững chắc và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh một cách bền vững, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau củ quả Việt Nam cho biết nhu cầu tiêu dùng rau quả tại Trung Quốc ngày càng đa dạng, với xu hướng chú trọng vào các sản phẩm rau quả sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và giá cả hợp lý. Lợi thế của Việt Nam là sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Trung Quốc, và các thỏa thuận giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực ASEAN giúp giảm thuế và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi với hệ thống cửa khẩu gần các chợ biên giới Trung Quốc, rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí xuất khẩu, và gia tăng tính cạnh tranh của ngành rau quả. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng đầy thách thức với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Chile và Singapore. Đáng chú ý nhất là sức cạnh tranh mạnh mẽ từ sản phẩm sản xuất trong nước của Trung Quốc khi quốc gia này đang đẩy mạnh nền sản xuất. Ngoài ra, các tiêu chuẩn chất lượng và quy định từ phía Trung Quốc không ngừng thay đổi, đòi hỏi sản phẩm phải cập nhật và đáp ứng kịp thời, từ việc cấp mã số vùng trồng, mã số cho các cơ sở chế biến đóng gói đến các rào cản kỹ thuật và tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Việc tiếp cận các kênh phân phối cũng gặp khó khăn, nhất là việc thâm nhập vào thị trường phía Bắc của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải. Để đối phó với những thách thức này, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thời vụ sản xuất của sản phẩm nội địa Trung Quốc nhằm điều chỉnh chiến lược phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu tư vào khâu chế biến. Việc đa dạng hóa sản phẩm cũng rất cần thiết, chẳng hạn sầu riêng không chỉ xuất khẩu tươi mà còn cần cải thiện quy trình chế biến như sấy khô, đóng gói để tăng thêm giá trị. Chính phủ cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để mở rộng danh mục sản phẩm xuất khẩu như bưởi, dừa và phối hợp chặt chẽ với các đối tác Trung Quốc để thúc đẩy phân phối và hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ thị trường châu Á, châu Phi – Bộ Công Thương, thị trường Trung Quốc không chỉ quan trọng với Việt Nam mà cũng rất cần thiết đối với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương của Việt Nam với Trung Quốc trong năm 2023 đạt 171,8 tỷ đô la Mỹ, với tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới năm 2023 chiếm 27,4%. Các dữ liệu này cho thấy rằng thị trường xuất khẩu của Trung Quốc rất quan trọng đối với Việt Nam. Để tiếp tục giữ vững và phát triển hơn trong quy trình xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, ông Kiên cũng đã đưa ra những giải pháp cho các doanh nghiệp và các địa phương trong nước về hợp tác thương mại với thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Ông Kiên nhấn mạnh:”Muốn khai thác tốt thị trường tiêu dùng Trung Quốc thì Việt Nam cần phải coi trọng người tiêu dùng tại Trung Quốc” và nhận định rằng “Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn rất cao và khắt khe đối với các nước xuất khẩu như Việt Nam”. Để phát triển hơn trong khâu xuất khẩu các mặt hàng, ta cần phải đầu tư và nghiên cứu kĩ hơn về mùa vụ cũng như nhu cầu tiêu dùng từ phía thị trường Trung Quốc, nhằm tránh những rủi ro lớn phát sinh, ảnh hưởng tới giá cả cũng như giảm thiểu được tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới giữa 2 nước…”.
Cũng trong phần trình bày và thảo luận, bà Nguyễn Thị Thành Thực – Công ty Cổ phần Công nghệ phần mềm Auto Agri cho biết hiện nay Công ty đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép quản lý mã số vùng trồng cho cây sầu riêng và cà phê ở một số địa phương tại Việt Nam qua một ứng dụng phần mềm. Mặc dù, Công ty cũng đã tích hợp các công nghệ thích ứng tốt đối với các thị trường trong nước, tuy nhiên việc triển khai ứng dụng phần mềm quản lý mã vùng trồng tới người dân trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, quá trình cấp và quản lý mã số vùng trồng gặp khó khăn ngay tại các địa phương từ cấp xã đến cấp huyện trong thực hiện theo Luật Trồng trọt, theo đó cần động viên, khuyến khích người dân chủ động trong việc thực hiện các quy định để được cấp mã vùng trồng tại chính địa phương của mình. Đồng thời bà cũng nhận định rằng hệ thống phân phối của Trung Quốc rất lớn và tiên tiến, do đó cần có những đầu tư vào liên kết sản xuất, nhằm giảm thiểu thất thoát hư hại, giảm thiểu chi phí sản phẩm đối với mặt hàng rau củ quả tại Việt Nam, song song với đó là việc tuân thủ pháp luật giúp giảm rủi ro trong thương mại quốc tế.
Ông Nguyễn Phong Phú - Công ty nhập khẩu Vina T&T Group - với những kinh nghiệm lâu năm trong nghề, đã chỉ ra những lợi thế và tiềm năng trong khâu xuất khẩu mặt hàng rau củ quả từ thị trường Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn nhất định khi các mặt hàng chủ yếu xuất khẩu từ Việt Nam còn trùng lặp với hàng nội địa Trung Quốc dẫn đến phát sinh rủi ro cạnh tranh cao về giá cả hàng hóa, làm suy giảm lợi nhuận cho bên cung.
Hội thảo có ý nghĩa rất lớn khi đã giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về bức tranh, các khó khăn và thách thức trong xuất khẩu rau củ quả sang Trung Quốc cũng như một số khuyến nghị nhằm tăng cường tiếp cận thị trường Trung Quốc hiệu quả hơn. Trong thời gian tới cần tiếp có những hội thảo tương tự để chia sẻ các nội dung và kinh nghiệm xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ ra được những thiếu sót, điểm nghẽn của hệ thống vận hành để đề xuất được các định hướng và giải pháp nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho rau củ quả Việt Nam và đáp ứng được những yêu cầu mới của các thị trường trong tương lai, đặc biệt là thị trường Trung Quốc – là đối tác quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Đỗ Gia Phong – Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp /Ipsard
Nguồn: Tổng hợp từ nội dung trình bày và thảo luận tại hội thảo “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc” do Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục xúc tiến thương mại tổ chức ngày 12/11/2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.