Trong hội thảo tại Sở Nông nghiệp&PTNT ĐăkLăk, Buôn Ma Thuột ngày 19/3/2007, TS Bernd Liss nhận xét những trở ngại trong công tác hoạch định chính sách lâm nghiệp ở Việt Nam
Kết quả nghiên cứu mới đây của TS Bernd Liss chuyên gia tư vấn dự án GTZ phân tích hiện nay trong ngành lâm nghiệp, quá trình hình thành chính sách ở Việt Nam chậm, chưa đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, các chính sách chưa phát huy hết vài trò của ngành lâm nghiệp trong tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Trong hội thảo tại Sở Nông nghiệp&PTNT ĐăkLăk, Buôn Ma Thuột ngày 19/3/2007, TS Bernd Liss nhận xét những trở ngại trong công tác hoạch định chính sách lâm nghiệp ở Việt Nam đó là: Chưa có phân tích một cách thấu đáo; thiếu ý kiến cơ sở; thiếu phản hồi; ít công cụ kiểm tra chất lượng chính sách.
Vấn đề đặt ra là làm sao để tăng cường hiệu quả công tác hoạch định chính sách?
Kinh nghiệm thế giới cho thấy hoạt động theo “phương thức mạng lưới”, kết nối các chủ thể, giữa các địa phương với nhau, giữa TW và địa phương sẽ hỗ trợ hiệu quả công tác hoạch định chính sách. Đối với ngành lâm nghiệp, hiện nay ở Việt Nam đã có mạng lưới lâm nghiệp vùng. Mạng lưới Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên được chính thức thành lập năm 2005 theo Quyết định của Bộ NN&PTNT, gồm 5 thành viên đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên, gồm ĐăkLăk, ĐăkNông, Kontum, Lâm Đồng, Giai Lai. Ông Lê Văn Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT Lâm Đồng, trưởng mạng lưới lâm nghiệp vùng Tây Nguyên nhận định hoạt động của mạng lưới lâm nghiệp vùng chưa thực sự hiệu quả do: Kinh phí hạn chế, kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều; Thành viên kiêm nhiệm nên ít thời gian dành cho hoạt động của mạng lưới, chưa có điều kiện tham quan mô hình...
Ông Minh cũng nhận định, trước những đòi hỏi bức xúc của thực tiễn rất cần phải đẩy mạnh cách thức và công cụ cho hoạt động hoạch định chính sách. Việc củng cố mạng lưới lâm nghiệp vùng hiện có thành mạng lưới chính sách lâm nghiệp vùng là một định hướng đúng do có chung mục đích, chung lĩnh vực để phục vụ chiến lược lâm nghiệp. Tuy nhiên, nếu hình thành mạng lưới chính sách, cần bổ sung thêm các thành viên, hỗ trợ thêm kinh phí để hoạt động hiệu quả hơn.
Phân tích SWOT về mạng lưới lâm nghiệp vùng hiện có
ĐIỂM MẠNH Chia sẻ thông tin giữa các tỉnh Vai trò cầu nối thông tin giữa địa phương với các nhà quản lý TW Thành viên có kiến thức nên nắm sâu về chính sách và chủ trương
|
ĐIỂM YẾU Các phương tiện thông tin thiếu Thông tin chưa đến được các đối tượng: Nhà ra quyết định; cơ sở; lâm trường; vườn quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên; cộng đồng... Hoạt động kiêm nhiệm của thành viên nên mang tính hình thức và chưa toàn diện. Thiếu thông tin để chia sẻ do vấn đề năng lực và khả năng tham gia. Thông tin của thành viên đến trưởng mạng lưới sau đó chuyển tải lên trên chưa toàn diện, xác thực. Khai thác thông tin hạn chế Thiếu kinh phí, chủ yếu vào trách nhiệm do cam kết với lãnh đạo. Thông tin chuyển về TW chậm hoặc không được phản hồi Ít các diễn đàn để trao đổi thông tin. |
CƠ HỘI Được hỗ trợ của ngành và các tổ chức QT Là đầu mối đóng góp ý kiến, chia sẻ thông tin.
|
THÁCH THỨC Thông tin chưa đến người dân Địa phương thiếu quan tâm đến lĩnh vực lâm nghiệp Người dân thiếu hiểu biết về luật, chính sách Năng lực của cộng đồng, lâm trường, ban quản lý trong tiếp nhận và xử lý thông tin hạn chế |
Nguồn: Kết quả thảo luận nhóm của hội thảo Ngày 19/3/2007, tại Sở Nông nghiệp&PTNT ĐăkLăk
Về lĩnh vực thông tin, ông Phạm Quang Diệu, giám đốc Trung tâm Thông tin, Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT cho rằng hoạt động mạng lưới thành công phụ thuộc lớn vào công tác thông tin liên lạc tốt. Để thành lập mạng lưới chính sách lâm nghiệp có hiệu quả, cần phải cải tiến và áp dụng mạnh các công cụ thông tin liên lạc. Các công cụ thông tin liên lạc của mạng lưới chính sách lâm nghiệp có thể bao gồm: Website; CSDL; Diễn đàn điện tử; Ấn phẩm; Tóm lược đề xuất chính sách; Hội thảo; Truyền thông; Bảng cơ quan:
Tuy nhiên, quá trình đi vào hoạt động của mạng lưới chính sách lâm nghiệp trong tương lai sẽ đặt ra những thách thức đó là: Sự năng động và hiệu quả của hoạt động hậu cần hỗ trợ mạng lưới hoạt đọng; Khả năng chuyển tải các vấn đề phát sinh thực tiễn thành chủ đề thảo luận chính sách của mạng lưới; Sự tích cực chủ động tham gia của các thành viên; Linh hoạt trong sử dụng các công cụ thông tin hiện đại và truyền thống phù hợp với từng nhóm đối tượng; Mức độ phối hợp giữa các bên (cơ quan truyền thông).
Ông Hà Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp&PTNT ĐăkLăk, thành viên mạng lưới lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, cho rằng mạng lưới chính sách lâm nghiệp vùng rất cần thiết đối với công tác hoạch định chính sách của địa phương cũng như TW, do đó cần phải sớm thể chế hoá để đi vào hoạt động.
Phạm Quang Diệu