Phó Thủ tướng: "Học phí sẽ đóng theo khả năng chi trả"

21/11/2007

Đề án học phí mới chưa thể công bố như đã hứa vì liên quan đến lương. Tới đây, người học chỉ phải đóng 1 lần, không đóng nhiều khoản như hiện nay. Các trường sẽ không có quyền đòi hỏi phải đóng thêm, lúc đó mới kiểm soát được.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo giới tại buổi giao ban báo chí chiều tối 8/11.

>> Chi phí học tập gấp 2,7 lần học phí

- Thưa Bộ trưởng, vì sao đề án học phí chưa công bố để lấy ý kiến rộng rãi như đã hứa tháng 9, rồi tháng 10 nhưng...?

- Lý do chưa công bố đề án học phí vì liên quan đến lương giáo viên. Do vậy, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã rất tích cực, trong quá trình giải quyết lương của công chức, có ưu tiên giải quyết lương giáo viên. Vấn đề này đã được thống nhất về mặt chủ trương.

Khi giải quyết vấn đề lương thì nảy sinh vấn đề: Tổng ngân sách nhà nước làm sao vừa đảm bảo lương giáo viên và lương các ngành khác. Nếu tách ra cũng khó. Trong lộ trình, đến ngày 1/1/2008, mức lương thay đổi từ 450.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng. Áp lực này phải giải quyết ngay.

Do vậy, Ban Chỉ đạo ngân sách tiền lương của Chính phủ được thống nhất là làm chung 1 đề án lương của tất cả công chức. Tiếp nữa là đề án sắp xếp lại về hệ thống tài chính của ngành giáo dục, ngành y tế; trong đó có vấn đề học phí, viện phí và lương. Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo tháng 12, Chính phủ phải trình 3 đề án lớn về lương của hệ thống nhà nước; tài chính của giáo dục; tài chính của Y tế. Sau đó, sẽ đưa ra Ban Chấp hành Trung ương để tạo sự thống nhất và công bố lấy ý kiến...

- Các nước như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc mới đây đều khẳng định sẽ có những chính sách miễn giảm học phí ở phổ thông, trong khi Việt Nam lại đang đặt vấn đề tăng. Ông bình luận thế nào về sự khác biệt này?

- Một đất nước mà có 22 triệu học sinh, sinh viên (HS,SV) đi học thì có 7 triệu HS phổ thông và tiểu học không phải đóng tiền. Trong số 22 triệu đi học thì 10,5 triệu được miễn giảm học phí, chiếm 53%. Chúng ta phải nói chỗ này để thế giới hiểu.

Còn sắp tới chỗ nào tăng hay giảm, sẽ căn cứ trên thu nhập bình quân. Đã đóng học phí theo thu nhập thì không có chuyện đắt hay rẻ.

- Nhưng khi số liệu tính toán của Bộ công bố, rất nhiều người dân băn khoăn về tính thực tế chưa phủ rộng hết tất cả các vùng miền?

Không phải như vậy. Khi tính toán là tính thu nhập đó theo địa phương. Ví như là thu nhập ở Bắc Kạn sẽ thấp hơn thì mức học phí thấp hơn. Thu nhập ở Hà Nội cao hơn thì học phí cao hơn...Tuy nhiên, cao hơn vẫn trong khả năng chi trả chứ không phải cao đến mức không chi trả được.

Học phí mới xây dựng sẽ không có chuyện vì nghèo mà không được đi học. Và tới đây, người học chỉ phải đóng 1 lần, không đóng lung tung nhiều khoản như hiện nay nữa. Như vậy, khi công bố, họ sẽ biết ngay là chỉ phải "đóng một cục". Các trường sẽ không có quyền đòi hỏi phải đóng thêm, lúc đó mới kiểm soát được.

- Và trong tính toán của Bộ lại thiếu phần ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục thì các trường chi tiêu như thế nào: trả lương, đầu tư cơ sở vật chất...

Vấn đề này, các trường đều có kế hoạch chi tiêu. Chúng tôi đã có khảo sát. Cụ thể qua làm việc với Hà Nội thì đều có báo cáo rõ ràng...Và hiện nay đến bất cứ trường học nào ở Hà Nội đều nhìn thấy công bố việc thu và chi của năm học này dán ở trường. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã có chỉ đạo, và Bộ GD-ĐT cũng có chỉ đạo.

Học phí không "chạy lên" đến sở, đến phòng, mà chi tại trường nên có thể công khai được. Tôi xin nhắc lại, học phí ở phổ thông chỉ chiếm 10% thôi, 90% là Nhà nước cấp. 10% đó yêu cầu là phải đảm bảo chất lượng. Còn sắp tới chỗ nào chi sai sẽ bị xử lý...

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo www.vietnamnet.vn


Tin khác