Những mong ước của một cô bé 13 tuổi ở nông thôn Trung Quốc

30/11/2007

Tâm sự cảm động thế giới của một bé gái Trung Quốc 13 tuổi đã làm xôn xao cả thế giới xuất bản. Mã Yến, một cô bé người dân tộc Hồi 13 tuổi, được làm khách mời tại Hội chợ sách Paris 2004. Nhật ký Mã Yến đã trở thành best-seller với lượng tiêu thụ hơn 45.000 bản. Cuốn sách lập tức được dịch ra 8 thứ tiếng và trở thành một hiện tượng. Đến nay, ngoài Pháp và Trung Quốc, Nhật ký Mã Yến đã được in ở Italia, Thụy Điển, Hà Lan, Nhật Bản, Hy Lạp, Đài Loan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh và sắp tới là Mỹ. Báo chí phương Tây viết về em như một tiếng nói đặc sắc của Trung Quốc. Ngay tại đại lục, Nhật ký Mã Yến cũng khiến em trở nên nổi tiếng: hàng loạt tờ báo viết về em, truyền hình Trung ương Trung Quốc 3 lần mời em làm khách mời. Nhật ký Mã Yến thực sự là một câu chuyện cổ tích của thế giới xuất bản.

Trích đoạn Nhật ký Mã Yến

Thứ sáu, ngày 22-9-2000

Trời quang.

Chiều nay tan học, chúng tôi về nhà ăn cơm. Ăn tối xong, mẹ bảo hai chị em tôi lên nương trồng mạch ba góc để vác những bó đã cắt về nhà. Lúc này tôi gần như không cất nổi bước, nhưng mẹ nói nhất định phải đi. Mẹ đã cắt bao nhiêu là lúa, chúng tôi chỉ có việc chuyển về mà còn không giúp mẹ ư, nhất là bây giờ bố lại đi vắng, tìm việc ở mãi tận Nội Mông?

Mẹ vì cái ăn, cái mặc của chúng tôi mà phải lam lũ vất vả, nếu không mẹ chẳng phải cắt lúa mạch làm gì. Mẹ bảo chúng tôi đi làm là phải lắm, và chúng tôi cũng phải đi thôi. Nếu không thì không xứng công sức của mẹ! Mẹ đã kiệt sức kiếm miếng ăn cho chúng tôi, khi nhà chẳng còn gì, mẹ còn vắt kiệt sức hơn nữa, chẳng biết sống sung sướng là gì. Mẹ không muốn chúng tôi sau này phải khổ sở. Không có ăn thì khổ lắm! Vì vậy còn phải học thật tốt, để không phải khổ như bố mẹ.

Thứ sáu 24-11-2000

Trước trưa hôm nay, bố và mẹ đến trường thăm hai chị em chúng tôi. Còn mang theo một ít gạo và bảo chúng tôi nộp cho thầy giáo chủ nhiệm.

Chuông báo tới giờ học đã vang lên. Chúng tôi lên lớp. Khi tan học, vào buổi chiều, tôi và em trai chạy luôn ra phố. Khi chúng tôi xuống phố thì bố và mẹ đã chuẩn bị đi thăm ông bà ngoại. Bố mẹ nghe nói bà ngoại ốm, cho nên muốn đi thăm bà. Bố mẹ đưa cho tôi một đồng để mua táo, để ăn với bánh bao.

Ngày hôm nay tôi cảm thấy rất buồn. Bạn muốn biết tại sao tôi buồn chứ? Bởi vì buổi sáng tới thăm, bố mẹ nói với tôi: “Khi con về nhà thì hãy cho bò ăn”… Tôi đã từ chối. Lúc về đến nhà, tôi vẫn cho bò ăn. Vì phải cho bò ăn, nên cả hai tay tôi đều bị cứa nứt hết, trông rất đáng sợ. Vậy là, tôi suy nghĩ: tôi chỉ cho bò ăn có một lần, hai tay tôi đã nứt nẻ ra thế này. Còn mẹ, mẹ ngày nào cũng cho bò ăn, thế cho nên tay mẹ mới sưng phồng ra như vậy. Tất cả những gì mẹ làm, thực ra chỉ vì tương lai của các em tôi, của tôi.

Càng nghĩ, tôi càng xúc động, đến mức phát khóc, không nói được nên lời. Bố mẹ hãy về nhanh lên, con cần tình thương yêu của bố mẹ. Con biết sai rồi, được chưa? Hãy về nhanh lên, con nhớ bố mẹ! Về nhanh lên, bố mẹ ơi!

Thứ bảy, 28-7-2001

Trời quang.

Chiều nay, chừng ba bốn giờ gì đó, mẹ ốm đến nỗi không dậy được. Tôi và em trai phải đi tìm thuốc để chữa cho mẹ. Chúng tôi xoa bụng cho mẹ bằng thuốc cao. Chúng tôi còn chưa xoa xong thì anh Mã Nghĩa Vũ, con trai của bác là anh ruột bố tôi đã đến. Ông anh 20 tuổi này vừa mới tốt nghiệp trường kỹ thuật nhưng không kiếm được việc làm. Anh khẳng định rằng muốn có một công việc tốt trong một cơ quan thì phải chạy chọt bằng tiền bạc.

Anh vào nhà ngồi lên giường, có vẻ như đang phiền muộn. Mẹ hỏi:” Cháu đã tìm được việc làm chưa?”. Anh họ nói: ”Tìm được việc thì dễ nhưng phải lo lót. Nếu cháu có hai nghìn đồng, cháu có thể vào làm trong một công ty ngay. Vấn đề là chỉ cần có tiền. Nhưng nhà cháu làm gì có tiền. Mấy ngày nữa cháu sẽ đi kiếm bất cứ việc gì để làm. Khi cháu đã có tiền rồi thì tìm được một công việc tốt cũng không khó”.

Tôi ngồi trên ghế, nhìn thấy nước mắt như sắp trào ra khỏi mắt anh. Khi tôi nhìn mái đầu đã có tóc trắng và khuôn mặt đau khổ của anh, lòng tôi như tan nát. Vì sao con cháu của gia đình có hai đời là quân nhân mà không có việc để làm? Ngày hôm nay, người cháu của một quân nhân đã tốt nghiệp, nhưng không có tiền, không tìm được việc. Xem ra ông trời có mắt mà như mù, chỉ giúp những kẻ độc ác, không hề để ý tới sự sống chết của người lương thiện. Sao lại bất công đến như vậy!

Tôi không biết anh họ phải đi đến tận đâu. Tôi mong sao anh sớm kiếm được một công việc tốt, chỉ thế là tôi đã mừng cho anh ấy.

Thứ hai, 30-7-2001

Chiều nay, khi tôi muốn viết nhật ký thì tìm không thấy bút. Tôi hỏi hai đứa em thì chúng cũng đều nói không thấy. Tôi đến chỗ ngồi viết nhật ký chiều hôm qua tìm, cũng không thấy. Tôi bèn hỏi mẹ xem có thấy bút không. Mẹ nói rằng hôm qua thấy tôi để sách bút trên giường sợ rơi mất, mẹ đã cất vào trong ngăn kéo. Nhưng khi tìm ở đó vẫn không thấy, lòng tôi gần như tan nát.

Hẳn các bạn sẽ bật cười: “Một cái bút có gì là ghê gớm! Làm sao chỉ vì một cây bút mà mi đã xót xa đến như vậy?”. Các bạn chưa thấy hết nỗi khổ mà tôi phải chịu để có được cái bút này. Trong suốt cả hai học kỳ tôi đã không tiêu đồng tiền nào mới mua được nó! Các bạn khác trong lớp đều có đến hai, ba cái bút, tôi thì một cái cũng không có, nên tôi phải chắt bóp mãi mới mua được nó.

Nỗi khổ sở mãi mới có được bút của tôi cũng xuất phát từ chính nỗi khổ của nhà tôi. Số tiền mẹ cho tôi là để mua bánh ăn. Nhưng suốt ngày tôi chỉ ăn cơm hẩm. Tôi quyết nhịn đói, không ăn bánh, để tiết kiệm tiền mua được nó. Vì chiếc bút máy đó, tôi đã khổ sở biết bao nhiêu!

Sau đó, tôi được một cái bút khác. Tôi được tặng vào dịp Tết thiếu nhi 1-6. Vì tôi là “học sinh ba tốt”. Từ đó, tôi không thiếu bút nữa.

Nhưng chiếc bút thân thiết kia mới là chiếc bút để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Qua nó, tôi hiểu thế nào là cuộc sống khổ ải, thế nào là cuộc sống hạnh phúc. Mỗi lần thấy nó, tôi như thấy bóng dáng của mẹ. Như là mẹ vẫn động viên tôi chăm chỉ học tập để có thể thi vào trường nữ sinh trung học. Nhưng tôi đã làm mẹ phải thất vọng. Tôi thật vô dụng. Ở trường tôi đã sống một cuộc sống không xứng đáng. Ngay trường nữ sinh trung học cũng không vào được. Sống như vậy còn có ích gì?

Có điều tôi vẫn còn lòng tin. Tôi nhất định phải thành công. Tôi sẽ tìm được một công việc lý tưởng, thỏa lòng tôi mong đợi.

 


Theo Nhật ký Mã Yến - NXB Hội nhà văn

Tin khác