Thu hút trí thức Việt kiều không thể như “bắt cóc bỏ đĩa”

14/12/2007

“VN luôn tự hào là đất nước trẻ, nhưng tôi nói thật, dân số 100 triệu người sẽ là quá mức đối với mảnh đất này rồi. Dân số VN không thể trẻ mãi được, và vấn đề cấp thiết hiện nay là chính sách đào tạo nhân lực tay nghề cho tương lai” ông Nguyễn Hoài Bắc – Giám đốc Công ty Cổ phần PT&T Đại Sơn, chủ đầu tư cơ sở Trung cấp nghề Việt - Mỹ với số vốn đầu tư 11 triệu USD - trăn trở với câu chuyện “trồng người” tại VN.

”Bài toán” thu hút trí thức Việt kiều: Lộ trình 10 năm là quá dài

VN đã đặt ra mục tiêu thu hút 1.000 nhà khoa học Việt kiều trong 10 năm tới. Ông đánh giá như thế nào?

Trước hết, cần định giá đẳng cấp của trí thức. Nếu chung ta nói đến các thợ lành nghề, chuyên gia Việt kiều thì có tới hàng trăm nghìn người trên thế giới, và lộ trình 10 năm sẽ quá dài. Còn nếu VN định thu hút 1.000 trí thức với tầm cỡ thế giới thì xin nói rằng hàng chục năm sau vẫn không đủ. Vì cho đến nay, những nhà bác học VN được thế giới công nhận mới chỉ ở trên đầu ngón tay.

Giám đốc Công ty Cổ phần PT&T Đại Sơn Nguyễn Hoài Bắc

Vậy chúng ta cần ở mức độ nào, đó mới là vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, khi họ về VN có đáp ứng đủ các yếu tố như môi trường sống, khả năng để họ phát huy năng lực. Thu hút trí thức Việt kiều không thể như “bắt cóc bỏ đĩa”. Các chính sách thu hút chất xám kiều bào hiện nay mới chỉ như cái đĩa nông, chỉ có kêu gọi mà chưa có quyết sách cụ thể.

Dù Chính phủ đã nhiều lần kêu gọi, nhưng chưa nhiều kiều bào mặn mà đầu tư về quê hương. Lý do tại sao, theo ông?

Theo tôi, nguyên nhân là do tiềm lực kinh tế của cộng đồng VN ở nước ngoài chưa được là bao. Đời sống của bà con Việt kiều vẫn còn khó khăn chứ không phải đang sung sướng ở “miền đất hứa”. Lý do chủ quan khác là giới văn nghệ sĩ hay nhà khoa học, khi về nước, thường chỉ đem theo một cái vali, và nếu có vấn đề gì thì chỉ xách vali đi là xong. Còn với một doanh nhân, họ đi đến đâu là máy móc, nhà xưởng, tiền của... đi đến đó, nên mọi việc phải chắc như đinh đóng cột thì họ mới dám làm. Vì vậy, điều quan trọng là chính sách phải thông thoáng và minh bạch.

Đào tạo nhân công tay nghề cao: Việc cần làm ngay

Về VN đầu tư từ những năm 1990, Nguyễn Hoài Bắc đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Ôm đồm nhiều mảng kinh doanh, từ sản xuất chăn ga, gối đệm; du học; thành lập công ty giao dịch kiều hối…, dường như lĩnh vực nào Nguyễn Hoài Bắc cũng thành công.

Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Nguyễn Hoài Bắc được biết đến như một trong những “nhịp cầu” đầu tiên đưa học sinh VN sang trời Bắc Mỹ (Canada và Mỹ) học đại học. Khi dịch vụ tư vấn du học nở rộ, ông lại quay sang lĩnh vực kinh doanh điện thoại cố định không dây, điện thoại di động mà đỉnh cao là Cty Liên doanh IQLinks được thành lập năm 2006, với 4 đối tác sừng sỏ: Tổng Cty Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Qualcomm Hoa Kỳ, UBIquam Hàn Quốc và Cty cổ phần Chí Linh IQLinks. Đến nay, doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc lại chuyến hướng đầu tư, với dự án Trường dạy nghề Việt-Mỹ sẽ mở cửa vào giữa năm 2008.

VN đang đối mặt với khủng hoảng “thừa thầy, thiếu thợ”. Đó là lý do ông mở trường dạy nghề?

Giáo dục VN đang có xu hướng đi ngược lại với thế giới: Đào tạo học giả, chứ không có học thật. Lý thuyết và thực nghiệm khác hẳn nhau. Bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ trí thức cao là đúng, nhưng không thể thiếu thợ tay nghề cao. Đất nước phát triển, có nhiều hãng xưởng, nhiều nhà máy thì phải có con người điều hành nó. VN đã thu hút số đầu tư kỷ lục 16 tỉ USD năm 2007, nhưng chúng ta có đủ nguồn nhân lực tay nghề cao để đáp ứng nó hay không? Nếu không có nguồn nhân lực tốt để sử dụng máy móc hiện đại, nhà máy phải đóng cửa, các nhà đầu tư sẽ không vào VN nữa. Nếu VN không đảm bảo được nguồn nhân lực có khả năng, đó sẽ là một tai nạn lớn.

Ông từng tuyên bố trường dạy nghề Việt Mỹ sẽ mang tầm cỡ khu vực. Có quá kỳ vọng không?

Để có chỗ đứng hôm nay, tôi đã phải trải qua những tháng ngày lao động vô cùng vất vả, với đồng lương ít ỏi. Tôi từng nhận được mức lương 6 xu cho 1 giờ công tại công ty chế biến nấm ở Canada, chỉ vì không có trình độ. Vì vậy, tôi hiểu sự cần thiết của một người thợ lành nghề. VN đang được khen tặng là con rồng, con cọp của Châu Á, nhưng chúng ta phải biết đó là lời khen tặng chân thành hay xã giao. Muốn là con rồng, hay con cọp thì chính VN phải chứng tỏ được điều đó. Để làm được, phải bắt đầu từ “việc cần làm ngay” là giáo dục.

Trường dạy nghề Việt-Mỹ sẽ thu học phí cao, nhưng vẫn rộng cửa với đối tượng người nghèo, với điều kiện họ đã tốt nghiệp trung học phổ thông để có đủ nhận thức đúng đắn về thái độ và kỷ cương lao động. Chúng tôi có nhiều chính sách hỗ trợ nnhư cho học viên vay trả chậm đến 70% học phí và hoàn trả khi đi làm. Trường Việt-Mỹ sẽ là một mô hình khép kín, tuyển sinh theo yêu cầu của các công ty trong nước và liên doanh nước ngoài. Giai đoạn đầu, trường sẽ mời nhiều giáo viên nước ngoài về để vừa đào tạo học viên, vừa đào tạo giáo viên trong nước thành lớp kế cận.

Ông nghĩ sao khi lợi thế cạnh tranh của VN hiện nay vẫn là lao động giá rẻ?

Quan niệm của tôi khác. Tôi hy vọng trong một hai năm tới, các nhà lãnh đạo VN có thể tuyên bố rằng: “Các nhà đầu tư hãy vào VN đi. Đất nước chúng tôi cơ chế rộng mở, chính sách rộng mở. Giá cả lao động vừa phải và trí tuệ rất cao”. Đừng nhầm lẫn cho rằng các nhà đầu tư thích lao động giá rẻ. Họ muốn tìm người được việc, chứ không ai muốn lấy người không làm được việc dù trả ít tiền hơn. VN luôn tự hào là đất nước trẻ, nhưng vài chục năm sau, chúng ta phải già đi chứ.

Tôi nói thật, dân số 100 triệu người đã là quá mức đối với mảnh đất VN rồi. Dân số chúng ta không thể trẻ mãi được. Cần có biện pháp xã hội hoá các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề để phục vụ cho tương lai.

Thành công của tôi là biết dùng người

Ông là một trong những Việt kiều đầu tiên mạnh dạn đầu tư về quê hương và thành công. Bí quyết của ông?

Người kinh doanh luôn nhìn nhận 2 vấn đề: Môi trường sống và lợi nhuận. Với khả năng của tôi ở nước ngoài, tôi chỉ đủ sống. Ở mảnh đất đó, với một kẻ không có thực tài như tôi để phát triển là rất khó khăn. Nhưng ở VN, tôi có nhiều lợi thế. Thứ nhất: Đây là đất mẹ, nơi tôi có thể tranh luận bằng ngôn ngữ của chính mình. Tôi hiểu mảnh đất này và tôi biết đây là mảnh đất trũng, mảnh đất chưa được khai khẩn. Quy luật của tạo hoá vốn là nước chảy chỗ trũng, nước mắt thường chảy xuôi. Khi mảnh đất trũng, cơ hội cho người làm ăn nhiều hơn. Còn ở nước ngoài, mảnh đất đó họ khai phá hết rồi, quang đãng rồi thì chỗ chen chân của tôi rất ít. Dù biết rằng cái giá phải trả là rất đắt, bằng nước mắt, mồ hôi và những sợi tóc ngày càng bạc thêm.

Ông từng tuyên bố: “Nghề giỏi nhất của tôi là… rửa bát” và thường xuyên tự nhận là “kẻ không có thực tài”. Thường chỉ có người giỏi, hoặc rất gàn mới làm như vậy, còn ông thì sao?

Tôi chẳng gàn, cũng chả khiêm tốn, mà biết mình. Khi biết mình là ai, biết chỗ đứng của mình, thì sẽ biết lắng nghe, lấy cái khôn của người khác để phục vụ cho công việc. Có rất nhiều lĩnh vực tôi không hiểu, nhưng bên cạnh tôi lại có những người rất am tường về nó. Vì vậy, sự thành công của tôi là nhờ họ. Giống như ta xây một căn nhà, khi hoàn thiện nó đã là một căn nhà hoành tráng, đẹp đẽ, lộng lẫy. Nhưng không ai biết rằng để xây dựng nó, đã có biết bao người thợ hồ, thợ nề, thợ xây mất công, mất sức.

Vì “biết mình, biết ta” nên ông tuyên bố: “Tôi sẽ từ chức Tổng Giám đốc khi IQLinhks lên sàn”?

Nhiều người cho rằng ông Bắc chỉ nói thế thôi, chứ ai dại gì từ bỏ quyền lực, nhất là khi công ty đang ăn nên làm ra. Nhưng thực tế là vậy. Trong chính trường và kinh doanh, quyền lực thường tập trung vào người lãnh đạo. Hoạch định chính sách sai sẽ dẫn đến sự sai lầm của cả bộ máy. Khả năng của tôi, tôi phải biết rõ hơn ai chứ. Quá nửa đời người, những gì tôi học được có thể giúp tôi điều hành tốt Cty với số vốn 20 triệu USD trong tầm tay. Nhưng nếu số vốn lên tới 100 triệu USD thì tôi chịu. Một trái banh sẽ căng nếu bơm vào 2 cân không khí. Nhưng nếu quá tay, bơm đến 3 cân thì nó sẽ... nổ.

Xin cảm ơn ông!


Tin khác