Được sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam (Anh), Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ong Việt Nam khảo sát nghiên cứu việc nuôi ong lấy mật trên địa bàn xã Sa Pả (huyện Sa Pa). Kết quả bước đầu cho thấy huyện Sa Pa là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nghề này và trong tương lai sẽ mở ra hướng đi giúp người dân nơi đây cải thiện đời sống.
Chi cục Lâm nghiệp cùng Trung tâm nghiên cứu và phát triển ong Việt Nam biên soạn tài liệu phù hợp để ngay trong năm nay tổ chức các lớp huấn luyện về nuôi ong cho đồng bào các dân tộc của huyện Sa Pa. Theo Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai, Sa Pa là một huyện có tiềm năng nuôi ong vì có vườn quốc gia Hoàng Liên với diện tích rừng phòng hộ khá lớn, hệ cây cung cấp mật, phấn cho ong rất phong phú. Hoạt động nuôi ong lại phù hợp với người dân tộc Mông và Dao ở Sa Pa vì đây vốn được coi là một nghề cổ truyền của 2 dân tộc này. Hiện nhu cầu tiêu thụ loại sản phẩm này trên thị trường rất lớn. Riêng tại Sa Pa, dù mật ong chỉ được bày bán lẻ ở các quầy dược liệu tại chợ trung tâm nhưng mỗi năm tiêu thụ khoảng 5 tấn mật ong, trong đó có khoảng 50% là mật có nguồn gốc từ địa phương. Trong khi đó, giá mật ong rừng và mật ong nuôi trong dân các xã thuộc huyện Sa Pa có giá khá cao từ 100.000 - 120.000đồng/chai 0,65 lít.
Mặc dù được coi là nghề truyền thống nhưng hiện nay nghề nuôi ong trên địa bàn huyện Sa Pa đang dần bị mai một, không phát huy được những lợi thế vốn có. Hiện tại xã Sa Pả còn các loài ong mật như: ong khoái (Apis dorsata), ong nội (Apis cerana) và ong không ngòi đốt (Trigona sp). Số lượng các đàn ong khoái và ong không ngòi đốt còn rất ít. Ong nội được nuôi rải rác ở cả 6 thôn của xã và có xu hướng giảm sút.
Theo Thông tấn xã Việt Nam