Khi được hỏi về những khó khăn của tập thể nghiên cứu, TS Đặng Kim Sơn nói: khó mấy cũng không so được với những vất vả, cố gắng của bà con Nông dân.
Vậy ông có thể nói các nhà khoa học có sự đồng thuận cao ở những khía cạnh nào?
Với các nhà khoa học, lĩnh vực đồng thuận đầu tiên là khoa học-công nghệ, đây phải là một trong những yếu tố đột phá trong tương lai. Cũng dễ hiểu thôi, mọi lọai đầu vào như đất, nước, lao động... sẽ khan hiếm dần. Vốn thì không cạn, nhưng chưa đổ về nông thôn. Trước mắt cũng như lâu dài KHCN sẽ là nguồn lực vô tận để phát triển nông nghiệp. Nhưng đột phá về khoa học công nghệ không chỉ là tăng vốn, dù mức đầu tư cho KHCN của Việt Nam hiện còn rất thấp. Đột phá quan trọng nhất là cơ chế. Sự thiếu gắn bó giữa sản xuất và nghiên cứu, giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nguồn ngân sách trung ương với địa phương, giữa nhà nước với các thành phần kinh tế... là những vấn đề cần tháo gỡ cho nhà khoa học.
Về ứng dụng KHCN ở địa phương còn rất hạn chế. ND cần vay được vốn mua máy nông nghiệp, nông thôn cần có “chợ công nghệ”, cần có dịch vụ bảo trì, tư vấn sử dụng KHCN. Muốn ở nông thôn có một tầng lớp trí thức, muốn trí thức về nông thôn, thì cần phải cải thiện điều kiện sống, điều kiện thăng tiến và tạo ra môi trường thích hợp cho họ làm việc.
Khi tổng hợp, nghiên cứu ý kiến nông dân, ông thấy nông dân tập trung đề xuất những gì?
Nông dân có nhiều ý kiến đề xuất xung quanh vấn đề đất đai: thứ nhất, thời hạn sử dụng đất càng ổn định lâu dài càng tốt, họ mong muốn được giao có thể là 50 năm, 70 năm hoặc lâu hơn... để yên tâm đầu tư. Thứ hai, về không gian, họ muốn mở rộng quy mô sản xuất, trong chuyện mua, chuyển đổi, thuê ruộng... không bị giới hạn về diện tích. Về thủ tục, họ mong chi phí giao dịch thấp, thủ tục đơn giản. Và họ muốn có “chợ”, có nơi giao dịch công khai, về quyền sử dụng đất. Tại sao ở thành phố “đấu giá sử dụng đất, có chợ bất động sản” mà nông thôn lại không có chợ này, không có thị trường định giá minh bạch ? Tóm lại, nông dân muốn cơ chế thị trường có thể vận hành với quyền sử dụng đất dễ dàng như một hàng hoá.
Và họ mong muốn Đảng, Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi những gì?
Trong những kiến nghị của mình, nông dân không yêu cầu được ưu đãi, mà chỉ yêu cầu sự công bằng, nhất là trong xác định mức bồi hòan khi chuyển đổi đất khỏi sản xuất nông nghiệp. Tóm lại là họ muốn có chính sách một giá, hài hoà lợi ích 3 bên (người giao đất, người nhận đất và nhà nước) chứ không phải chính sách nhiều giá khiến họ thua thiệt và không rõ ràng như hiện nay (giá đất nông nghiệp, đất thổ cư khác nhau, khi lấy đất làm đường thì đền bù giá khác, lấy đất làm khu công nghiệp lại theo giá khác...).
Đến thời điểm này, Đề án đang được phát triển ở mức độ nào, thưa ông?
Hội nghị T.Ư 7 vẫn chưa kết thúc, chắc nhiều vấn đề còn tiếp tục thảo luận luận, phải chờ đến khi Trung ương biểu quyết vào ngày mai (tức hôm nay, 17-10) mới có thể biết được nội dung cụ thể của Nghị quyết, điều tôi cảm nhận là Đảng và nhà nước rất quan tâm lắng nghe, và thực sự cảm thông với ý nguyện của nông dân.
Trong tranh luận, có ý kiến trái chiều quyết liệt như hồi làm “Khoán 10” không?
Trước những vấn đề phức tạp, có mức độ ảnh hưởng lớn như nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tất nhiên phải bàn bạc, phải thảo luận, nhưng hai mươi năm đổi mới thành công của đất nước, mở đầu bằng đổi mới tư duy kinh tế và những thành tựu to lớn của sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, cải thiện đời sống nông dân đã tạo nên sự đồng thuận cao của đổi mới chính sách... Vì vậy, tôi tin vào một kết quả khả quan...
Xin cảm ơn ông!