Kinh tế VN 6 tháng cuối năm: Cơ hội-rủi ro song hành

21/07/2008

Trong tháng 5 và tháng 6/2008, đã có tình trạng “lạm phát” các bản phân tích và dự báo về kinh tế Việt Nam. Phân tích ngắn gọn dưới đây đưa ra một nhận định độc lập về các xu hướng kinh tế vĩ mô chính trong nửa cuối năm 2008 tác động tới hoạt động của doanh nghiệp.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2008: liệu có nguy cơ khủng hoảng?

Trước những khó khăn nghiêm trọng của kinh tế Việt Nam, một số tổ chức tài chính và đầu tư quốc tế có uy tín đã nhận định rằng kinh tế Việt Nam có nguy cơ xảy ra khủng hoảng trong 6 tháng sắp tới, với sự dẫn truyền của ba loại nguy cơ khủng hoảng:

- Khủng hoảng cán cân thanh toán.

- Khủng hoảng tiền tệ do phá giá đồng tiền và sự tấn công của giới đầu cơ quốc tế.

- Khủng hoảng ngân hàng khởi đầu bởi sự phá sản của một số ngân hàng nhỏ đã mở rộng tín dụng quá nhanh và rủi ro trong giai đoạn 2006-2007.

Nhận định bi quan nêu trên dựa trên các cơ sở chính sau đây:

- Lạm phát Việt Nam tăng quá mạnh trong 5 tháng đầu năm 2008.

- Nhập siêu quá lớn và nguy cơ đầu tư nước ngoài bỏ chạy, dẫn tới khó khăn về ngoại tệ và cán cân thanh toán.

- Thị trường bất động sản sụt giảm mạnh, dẫn tới làm tăng đột ngột tỷ lệ nợ xấu, và gây ra khủng khoảng hệ thống ngân hàng.

- Hệ thống doanh nghiệp thiếu sức cạnh tranh và đầu tư dàn trải, trong khi phản ứng chính sách đôi khi chậm và hiệu lực không cao.

“Khi thời điểm kinh tế khó khăn xuất hiện, người ta thường có khuynh hướng “ẩn” về quê nhà. Khi quảng cáo, hãy dùng những khung cảnh mái ấm gia đình ấm cúng để thay thế những hình ảnh thể thao, mạo hiểm và chủ nghĩa cá nhân...”

TS. GS. John Quelch, Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard

Rất nên lắng nghe mọi luồng thông tin, tuy nhiên, các phân tích nêu trên đã không dựa trên những số liệu quan trọng (chưa được công bố) về tài chính và ngân hàng của Việt Nam. Do thiếu số liệu, dường như các tổ chức phân tích trên đã giả định tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đồng thời, những phân tích này chủ yếu phục vụ các nhà đầu tư tài chính quốc tế, do vậy đã nhấn rất mạnh vào cảnh bảo rủi ro.

Chúng tôi cho rằng các nhận định như vậy đã trầm trọng hoá và bi quan quá mức. Kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2008, nhưng các yếu tố cơ bản vẫn vững chắc, với những lý do chính sau đây:

- Hệ thống ngân hàng chưa có nguy cơ khủng hoảng cho dù thị trường bất động sản có thể tiếp tục xì hơi. Khó khăn về tính thanh khỏan của một số ngân hàng là các khó khăn mang tính thời điểm và trong tầm kiểm soát.

- Việt Nam chưa tự do hoá tài khoản vốn, do vậy, không có cơ chế để các tổ chức đầu cơ quốc tế tấn công thị trường tiền tệ và gây ra khủng hoảng tiền tệ.

- Nợ nước ngoài của Việt Nam, bao gồm cả nợ ngắn hạn và dài hạn, đang được quản lý tốt.

- Kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào nông nghiệp. Đây là khu vực chịu sức ép tốt trước suy thoái kinh tế.

- Tốc độ tăng nhập siêu sẽ giảm trong các tháng cuối năm dưới sức ép của các biện pháp chống lạm phát. Cán cân thanh toán của Việt Nam về tổng thể vẫn dương do được tài trợ bởi các nguồn vốn nước ngoài dài hạn.

- Xuất khẩu và thu hút FDI vẫn tăng mạnh.

- Sau những trục trặc ban đầu, hệ thống chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ, bao gồm thắt chặt tiền tệ và thắt chặt tài khóa, đang được triển khai đúng hướng.

Từ những lý do nêu trên, chúng tôi cho rằng rủi ro kinh tế Việt Nam gặp khủng hoảng trong 6 tháng cuối năm là rất thấp, cho dù môi trường kinh tế tiếp tục trở nên rất khó khăn đối với khu vực doanh nghiệp.

Các xu hướng chính của kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2008

Phản ánh biến động chu kỳ sau một giai đoạn tăng trưởng dài, kinh tế toàn cầu đã xấu đi nhiều kể từ nửa cuối năm 2007, với các biểu hiện chính là lạm phát gia tăng, tăng trưởng chậm lại và bất ổn tài chính trên phạm vi toàn cầu.

Sức ép lạm phát đang gia tăng mạnh ở mọi nơi trên thế giới, với việc giá dầu, nguyên liệu thô và thực phẩm vẫn tiếp tục biến động phức tạp và khó lường.

Triển vọng của kinh tế Việt Nam gắn rất chặt với triển vọng kinh té thế giới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động mạnh, rất khó đưa ra kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, cân đối các giả định, chúng tôi cho rằng kịch bản sau đây có nhiều khả năng xảy ra nhất:

Tăng trưởng kinh tế thấp, lạm phát cao - nhưng tình hình được cải thiện từ cuối 2008

Trước sức ép tăng giá trên thị trường quốc tế, việc giảm trợ giá các hàng hoá thiết yếu là không thể tránh khỏi trong nửa cuối năm 2008. Tính cả năm lạm phát có thể hơn 25%.

Dỡ bỏ biện pháp “neo giá” đối với các mặt hàng như xăng dầu, sắt thép... sẽ làm giá cả gia tăng đột biến trong tháng 7, nhưng lại có tác dụng rất tích cực kiềm chế tăng giá về trung hạn do làm giảm “lạm phát kỳ vọng”. Xu hướng tăng CPI sẽ lên tới đỉnh vào khoảng tháng 8/2008, và sau đó sẽ giảm tốc mạnh trong những tháng cuối năm.

Trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu tăng phi mã bất chấp nền kinh tế và doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất do chính sách thắt chặt tiền tệ. Hiện tượng này có nguyên nhân quan trọng từ phản ứng đầu cơ tích trữ của các doanh nghiệp trong nước và sẽ không bền vững. Dự kiến, nhập siêu sẽ giảm dần từ tháng 6.

Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, mặc dù các đối tác thương mại của Việt Nam đều đang chịu những tác động từ khó khăn kinh tế trong nước. Điều này cho thấy sức cạnh tranh khá của khu vực kinh tế thực.

Năm 2008 sẽ là một năm rất ấn tượng của Việt Nam trong thu hút FDI. Với nguồn FDI dồi dào, nhiều khó khăn kinh tế vĩ mô sẽ tự động được giải quyết.

Tín dụng tiếp tục bị thu hẹp và tỷ lệ nợ xấu tăng

Hậu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ và tín dụng sẽ tác động mạnh tới khu vực sản xuất trong quý III năm 2008. Dự kiến, các chính sách siết chặt tổng cầu sẽ được duy trì ít nhất hết quý III năm 2008. Lãi suất sẽ duy trì ở mức cao xung quanh 18%.

Tuy vậy, với việc gia tăng lãi suất cơ bản, tính thanh khoản của các ngân hàng sẽ được cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp sẽ thấy dễ vay vốn hơn trong những tháng cuối năm 2008.

Khu vực bất động sản khó hồi phục sớm, do vậy dẫn tới tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong khu vực ngân hàng.

Không nên quá hoảng loạn và sẵn sàng đón chờ cơ hội đầu tư

Tóm lại, không nên hoảng loạn về lạm phát cao và tăng trưởng giảm sút. Đó chỉ là một cú sốc ngắn hạn mang tính điều chỉnh của chu kỳ kinh tế. Nền kinh tế có thể vượt qua suy thoái nhanh và êm hơn so với dự báo ban đầu.

Các chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khoá của Chính phủ đang đi đúng hướng. Với độ trễ tác động chính sách từ 3-6 tháng, đáy của khó khăn kinh tế Việt Nam sẽ vào khoảng Quý 3/2008.

Mỗi doanh nghiệp cần nhận thức đúng tình hình, đối phó đúng mức và tận dụng các cơ hội nảy sinh.

VNR500 ra báo cáo thường kỳ đầu tiên

Top 500 doanh nghiệp hàng đầu VN (VNR) vừa ra báo cáo thường kỳ số tháng 6/2008. Bản tin này sẽ ra hàng tháng, tập hợp các bài nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính… nhằm đặc biệt phục vụ giới doanh nhân ở VN.

Hàng tháng, mỗi số báo cáo sẽ tập trung vào một chủ đề cấp bách đang được các doanh nghiệp quan tâm. Số 1 ra mắt trong tình hình nền sản xuất – kinh doanh ở VN đang gặp nhiều khó khăn: lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng vọt, TTCK tụt dốc thảm hại. Chủ đề của VNR Quarterly Report số đầu tiên do vậy là “Doanh nghiệp đối phó với lạm phát và suy thoái”.

Khá nhiều bài viết hấp dẫn: Dự đoán kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2008, Tận dụng cơ hội của suy thoái kinh tế, Kinh doanh trong thời kỳ suy thoái… Đây đều là các bài nghiên cứu đánh giá độc lập của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các vị lãnh đạo những công ty trong “top 500”.

Giữ vai trò cố vấn và biên tập của Báo cáo thường kỳ VNR là một gương mặt quen thuộc với giới doanh nhân và nghiên cứu kinh tế ở VN: Tiến sĩ, Giáo sư John Quelch, Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard.

Ông Quelch luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức kinh doanh với độc giả VN. Ở số VNR Quarterly Report đầu tiên này, nhận biết tình hình khó khăn và áp lực đè nặng lên các doanh nghiệp VN hiện nay, ông đã có bài viết vạch ra 8 phương cách đối phó với suy thoái kinh tế. Trong đó, có những lời khuyên thật sự chí tình và cụ thể đối với doanh nghiệp:

“Khi thời điểm kinh tế khó khăn xuất hiện, người ta thường có khuynh hướng “ẩn” về quê nhà. Khi quảng cáo, hãy dùng những khung cảnh mái ấm gia đình ấm cúng để thay thế những hình ảnh thể thao, mạo hiểm và chủ nghĩa cá nhân...”.

“Vào những giai đoạn bất trắc, không ai muốn để đọng vốn lưu động vào hàng hóa tồn kho quá nhiều. Chiết khấu giảm giá cho việc đặt hàng sớm, tăng đồng tài trợ vốn và chính sách đổi hàng hào phóng sẽ khuyến khích các nhà phân phối nhập hàng và lưu kho các dòng sản phẩm của công ty bạn…”.

Trước mắt, VNR Quarterly Report là bản báo cáo nội bộ, cung cấp thông tin và phân tích chuyên sâu phục vụ cho các doanh nghiệp thuộc VNR500 cũng như các đối tác và khách hàng của họ.

Một điểm có thể coi là đặc biệt của ấn phẩm này, đó là trong khi đại đa số các phân tích và dự báo vĩ mô thời gian qua đều được tiến hành bởi các tổ chức nước ngoài và nhằm phục vụ nhà đầu tư nước ngoài, thì Báo cáo thường kỳ VNR sẽ hướng tới đưa ra những nhận định, đánh giá độc lập của VNR cùng các đối tác.


Tin khác