Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Cơ hội song hành cùng thách thức

19/08/2008

Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh mới” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức khai mạc 8h30 hôm nay (19/8).

Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Nguyễn Thuỳ Dương - Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp nhận định Nông nghiệp đang được đánh giá là đứng trước các triển vọng phát triển mới khi Việt Nam tham gia vào nền kinh tế toàn cầu nên hội thảo lần này sẽ là nơi để các doanh nghiệp tận dựng những cơ hội mới khi đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Hội thảo cũng sẽ là nơi để các nhà doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn khi họ đang rất cần những hỗ trợ về vốn, tín dụng, về thuế cũng như hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng khi đầu tư vào nông nghiệp.

Tổng Thư ký VCCI Phạm Gia Túc phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Gia Túc – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: “VCCI đánh giá cao sáng kiến của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Hội thảo này. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh rất quan trọng, Hội nghị Trung ương 7 đã đánh giá Nông nghiệp, Nông thôn đang giữ vai trò hết sức to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước. Hội nghị Trung ương 7 cũng đã yêu cầu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Hội thảo hôm nay sẽ cung cấp thêm những thông tin về cơ chế chính sách, những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trên cơ sở đó để đưa ra những kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển Nông nghiệp và Nông thôn cho Đảng và Chính phủ”.

Ông Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, Để các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp ổn định và phát triển trong giai đoạn mới, cần xem xét đánh giá đúng thực trạng khó khăn, thuận lợi, cơ hội và thách thức để tìm ra các giải pháp phù hợp. Hội thảo hôm nay sẽ mổ xẻ những khúc mắc đó để tìm hướng giải quyết và đưa ra các cơ hội để thúc đẩy phát triển ở khu vực Nông nghiệp Nông thôn.

Dưới góc độ những kết quả phân tích số liệu Tổng điều tra Doanh nghiệp 2006, ông Phạm Đình Thuý - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Tổng cục Thống kê đã đưa ra những kiến nghị về khó khăn và cơ hội cho doanh nghiệp khi đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Ông Phạm Đình Thuý cho biết, tính đến thời điểm 01/01/2007, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc là 131.332 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoạt động tại khu vực nông thôn (NT) là 39.414 doanh nghiệp, chiếm 30% số doanh nghiệp toàn quốc. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ (dưới 300 LĐ) là 38.190 doanh nghiệp, chiếm 96,9%, các doanh nghiệp lớn (từ 300 LĐ trở lên) là 1.224 doanh nghiệp, chiếm 3,1%. Tương ứng, số doanh nghiệp khu vực thành thị là: 91.918 doanh nghiệp, chiếm 70% tổng số doanh nghiệp toàn quốc. Trong đó, số doanh nghiệp vừa và nhỏ là 89.410 doanh nghiệp, chiếm 97,3%, các doanh nghiệp lớn chiếm 2,7%.

Ông Phạm Đình Thuý - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Tổng cục Thống kê
Các doanh nghiệp ngoại quốc doanh chiếm tỷ lệ lớn về số lượng, chiếm tới 92,9%, tiếp đến là doanh nghiệp có vốn ĐT nước ngoài 5,0% và doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 2,1%. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành CN và XD có số lượng nhiều nhất với 20.074 doanh nghiệp, chiếm 50,9%; tiếp đến là các doanh nghiệp ngành dịch vụ với 17.886 doanh nghiệp, chiếm 45,4%; và chiếm tỷ lệ rất thấp là các doanh nghiệp ngành NLN và thủy sản với 1.454 doanh nghiệp, chỉ chiếm 3,7% tổng số doanh nghiệp. Tổng số lao động của các doanh nghiệp vùng nông thôn thời điểm 01/01/2007 là xấp xỉ 2,1 triệu người, chiếm 31,2% tổng số lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp và bằng 45,4% số lao động của khu vực thành thị.

Xét về quy mô vốn, tổng số vốn tại thời điểm 01/01/2007 của các doanh nghiệp khu vực nông thôn là 537,8 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 15,8% tổng vốn của khu vực doanh nghiệp, và chỉ bằng 18,7% tổng vốn của các doanh nghiệp khu vực thành thị. Tính đến thời điểm 01/01/2007, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (có vốn dưới 10 tỷ đồng) thực tế đang hoạt động ở khu vực nông thôn là 34.327 doanh nghiệp, chiếm 87,1% trong tổng số. Còn lại là các doanh nghiệp lớn (vốn từ 10 tỷ đ trở lên) chiếm 12,9%. Có tới 92% số doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở khu vực nông thôn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp nhà nước là 39,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 20,7%. Có tới 94% số doanh nghiệp ngành dịch vụ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỷ lệ này ở ngành công nghiệp và xây dựng là 81,8%, và ngành nông lâm nghiệp và thủy sản là 56,9%.
Về sự phát triển và đóng góp của các doanh nghiệp khu vực nông thôn, ông Phạm Đình Thuý cho biết, các doanh nghiệp khu vực NT phát triển nhanh trong những năm qua, đặc biệt kể từ năm 2000, sau khi có Luật doanh nghiệp mới ra đời. Số doanh nghiệp nông thôn thời điểm 01/01/2007 là 39.414 doanh nghiệp, tăng 12,1% so với năm 2006 và tăng 36,4% so với năm 2005; BQ 3 năm gần đây, mỗi năm tăng 5.255 doanh nghiệp. Tổng số lao động khu vực này đang thu hút là: 2,1 triệu người, tăng 16,5% so với năm 2006 và tăng 29% so với năm 2005; bình quân tăng 236 nghìn người một năm trong 3 năm gần đây. Các doanh nghiệp khu vực NT đã tạo ra 602 nghìn tỷ đồng doanh thu trong năm 2006, tăng 39,8% so với năm 2005 và tăng 80,6% so với năm 2004. Năm 2006 các doanh nghiệp khu vực nông thôn tạo ra được 18,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, tăng 49,9% so với năm 2005 và tăng 63,1% so với năm 2004. Bình quân 1 doanh nghiệp năm 2006 tạo ra 470 triệu đồng lợi nhuận; năm 2005 là 351 triệu đồng và năm 2004 là 393 triệu đồng. Đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2006 là 22,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2005 và tăng 33,4% so với năm 2004. Bình quân năm 2006 mỗi doanh nghiệp đóng góp 577 triệu đồng cho ngân sách nhà nước, thấp hơn mức đóng góp bình quân của năm 2005 và 2004.
Ông Phạm Đình Thúy cũng điểm qua những cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Theo đó, ông cho rằng, có 6 yếu tố chính để các doanh nghiệp trong khu vực này tần dụng phát triển là: Diện tích, mặt bằng đầu tư và mở rộng cho SXKD thuận lợi; Đất nông nghiệp Việt Nam màu mỡ, rất thuận lợi cho phát triển nhiều chủng loại cây nông nghiệp và công nghiệp có giá trị cao; Nguồn nguyên liệu dồi dào cho nhiều ngành CN phát triển, đặc biệt đối với các ngành: Chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, dệt may, da, giầy, vật liệu xây dựng,… ; Nguồn nhân lực dồi dào, chi phí nhân công thấp; Và đặc biệt là, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần KT phát triển, như: Luật doanh nghiệp được cải tiến thường xuyên, Chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và phát triển,…. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam với số lượng dân số đông, rất thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá củacác ngành kinh tế. Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần KT phát triển, như: Luật doanh nghiệp được cải tiến thường xuyên, Chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và phát triển,…. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam với số lượng dân số đông, rất thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá củacác ngành kinh tế.
Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp nông thôn cũng có những thách thức đối với doanh nghiệp, Đó là: Đất đai trong nông nghiệp: Cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, manh mún đối với đất nông nghiệp, đặc biệt với các tỉnh, TP phía Bắc, gây trở ngại lớn cho việc phát triển sản xuất trên qui mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến; Nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng đòi hỏi ở trình độ cao đối với cả đội ngũ quản lý và lao động trực tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống đào tạo của Việt Nam còn yếu kém.Cơ sở hạ tầng: Đường giao thông, điện, nước, viễn thông,… còn nhiều bất cập; Cơ chế quản lý, cấp phép, giải phóng mặt bằng, dịch vụ công của các cơ quan công quyền mặc dù đã có nhiều cải tiến trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; Tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu của một số cán bộ của cơ quan công quyền ở một số nơi còn phổ biến. Thủ tục quản lý hành chính của một số cơ quan quản lý như: Thuế, cấp phép, công an, ngân hàng, hải quan,… một số nơi chưa được cải thiện, làm giảm lòng tin của doanh nghiệp; Thị trường thế giới và trong nước bất ổn, gây khó khăn đối với việc sản xuất, phát triển và duy trì một số nguồn/vùng nguyên liệu như: mía, nông sản, thực phẩm: cà phê, tiêu, điều, cá, nguyên liệu giấy, cây ăn quả,…
Theo kết quả điều tra môi trường kinh doanh năm 2006, hầu hết các doanh nghiệp trong cả nước liệt kê có 3 cản trở lớn nhất cho các doanh nghiệp gồm: Đất là yếu tố gây cản trở nhiều nhất đến môi trường kinh doanh ở hầu hết các tỉnh, TP. Cản trở nhiều nhất về đất thể hiện ở việc các doanh nghiệp mới thành lập tốn nhiều thời gian, chi phí cho các công việc: Xin cấp đất, giải phóng mặt bằng và thu xếp đấu nối với hạ tầng và xin cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất; Môi trường pháp lý và xử lý tranh chấp và cơ sở hạ tầng và dịch vụ công” - Ông Phạm Định Thúy nói: Mặc dù còn có một số khó khăn, cản trở, nhưng nhìn chung cơ hội đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trong bối cảnh mới ở Việt Nam ngày càng rộng mở và đầy hứa hẹn để có thể phát triển vượt bậc”.
TS Phạm Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI
TS Phạm Thị Thu Hằng – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI đưa ra những nhận định đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, so sánh hoạt động của doanh nghiệp chế biến thực phẩm với 5 nhóm ngành khác là xây dựng, dệt may, bảo hiểm, ngân hàng và du lịch thì doanh nghiệp chế biến thực phẩm có xu hướng quay vòng vốn tự có khá cao. Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm khá cao, thể hiện tính năng động của các doanh nghiệp trong ngành này. Tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ cũng ở mức cao – chỉ đứng thấp hơn ngành dệt may. Nhìn chung tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trong các doanh nghiệp lớn thấp hơn các doanh nghiệp nhỏ. Hiện nay, Nhà nước đang xem lại các chính sách dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn năng suất lao động thì ở mức trung bình, thậm chí còn thấp hơn một số ngành và tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ có chiều hướng giảm.
Một số chỉ tiêu khác về năng lực của ngành chế biến thực phẩm cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện R&D (nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ) chỉ chiếm 0,73%, tổng chi phí cho R&D trong doanh nghiệp là 10.945 triệu đồng trong năm 2004, trong đó 40% từ doanh nghiệp; 40% từ ngân sách nhà nước và 2% từ các nguồn khác). Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ là 0,73% (năm 2004), tỷ lệ cán bộ KHCN/tổng lao động trong ngành: 7%; tỷ lệ doanh nghiệp kết nối Internet là 25% (ngành bảo hiểm chiếm đến 75%), tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện giao dịch thương mại điện tử chiếm 49% (so với ngành du lịch là 77%). Qua những số liệu này, chúng ta thấy rằng, năng lực cạnh tranh trong các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm đang ở mức thấp so với các ngành khác.

Hiện nay các doanh nghiệp ngoại quốc doanh đầu tư vào ngành chế biến thực phẩm đang chiếm tỷ lệ lớn và ngày càng tăng trong khi đó chúng ta cũng chứng kiến sự suy giảm của khối kinh tế nhà nước trong khu vực này. Đặc biệt, khu vực này đang thu hút nhiều dòng vốn FDI đổ vào. Tuy nhiên, điều đáng nói là dòng vốn này đổ vào lĩnh vực nông nghiệp không ổn định và đang có chiều hướng suy giảm. TS Phạm Thị Thu Hằng khẳng định: “Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm ngành càng giữ vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng lương thực và thực phẩm – là đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, cải thiện ngay từ khâu đầu tiên cho khâu chế biến đến khâu đóng gói. Đầu tư vào ngành công nghề nông nghiệp cần phải song hành với đầu tư vào các doanh nghiệp chế biến nông sản. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến nông sản cũng cần phải tăng cường cho các hoạt động đổi mới công nghệ tới các doanh nghiệp. Chúng ta biết hàm lượng đầu tư vào nông nghiệp còn thấp. Riêng VCCI đã phải tổ chức nhiều hội thảo để phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp. Bắt đầu từ những việc cụ thể như thế chúng ta sẽ vững bước hơn trên lĩnh vực đầu tư vào doanh nghiệp. Mặc khác, Nhà nước cũng cần hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, tạo dựng các vườn ươm chuyên ngành về chế biến nông sản. Các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến thị trường trong nước, khai thác tiềm năng về lao động và đất đai song phải trên cơ sở tăng năng suất lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú ý đến việc liên kế doanh nghiệp – đầu tư vào chuỗi giá trị”.

Một vấn đề quan trọng khác để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp là việc giải quyết đầu ra cho nông sản. Theo GS Võ Tòng Xuân – Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học An Giang nói: “Cái khó nhất cho doanh nghiệp nước ta là đầu ra. Tôi rất tâm đắc với bài phát biểu của chị Hằng. Đặc điểm của nông dân là rất thích làm ăn cá thể, nhưng chỉ làm manh mún và năng suất không cao. Trong khi đó nếu áp dụng kỹ thuật thì sẽ cho năng suất cao hơn”. Theo GS Võ Tòng Xuân, trong thời gian này các doanh nghiệp phải đưa vào các quy trình sản xuất cao, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần lập các hợp tác xã nông nghiệp, các trang trại, cụm sản xuất với nguyên liệu đồng nhất và thu hoạch, bảo quản và chế biến, đóng gói bao bì, thương hiệu theo quy chuẩn. Sau đó, doanh nghiệp tự tìm thị trường để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tìm thêm nhiều thị trường mới để mở rộng sản xuất. Sau khi phát triển, họ cần nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm nào có sức cạnh tranh cao, những sản phẩm độc đáo của vùng. Chất lượng sản phẩm cao, khối lượng lớn, giá hợp lý cũng là những yếu tố có sức cạnh tranh cao.

Dưới góc độ là một doanh nghiệp cụ thể, ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc Công ty Vinamit cho biết: “Những vướng mắc thực tế mà Vinamit nói riêng và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung đang gặp phải hiện nay là vấn đề cung cấp nguồn nguyên liệu. Người nông dân thu hoạch nông sản theo mùa trong khi doanh nghiệp lại cần nguyên liệu quanh năm. Mặc khác, quy mô sản xuất của người nông dân thì nhỏ và thiếu liên kết, trong khi doanh nghiệp lại cần những sản phẩm đa dạng, khối lượng lớn. Giải quyết bài toán này, người nông dân không chỉ có thu nhập cao hơn, đời sống tốt hơn mà doanh nghiệp cũng ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào để yên tâm đầu tư công nghệ hơn”. Mặc khác, người nông dân cần thu hoạch nhiều và nghịch mùa, còn doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là sản phẩm phải không có các chất hóa học gây hại cho sức khỏe. Một điều nữa là, quan niệm trồng vườn tạp của người nông dân cũng gây ra những cản trở không nhỏ đối với việc tăng quy mô sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp cần các sản phẩm chuyên canh của một thị trường lớn. Nông dân thì thích bán sản phẩm tạo ra lợi nhuận cao trong khi doanh nghiệp lại cần những sản phẩm có thương hiệu. Đây là những khó khăn vướng mắc chính khi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

Ông Nguyên Lâm Viên đề nghị, nhà nước cần có những chính sách và biện pháp hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhà nước có thể hỗ trợ về vốn, tín dụng, hỗ trợ thuế và giải phóng mặt bằng, điền hạn. Đồng thời, nhà nước có thẻ thực hiện các tiện ích xã hội, mở mang đường giao thông, tổ chức các chương trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học. Một điểm khác nữa là, nhà nước cần xem xét lại chính sách thuế - hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Theo ông Nguyễn Lâm Viên: “Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn được thực hiện theo Quyết định 80/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, quyết định này đã thể hiện nhiều bất cập. Thực tế, thường xẩy ra tình trạng doanh nghiệp đầu tư cho nông dân nhiều hạng mục như giống, thuốc trừ sâu, thiết bị bà công nghệ … và ký hợp đồng tu mua nông sản cho nông dân. Còn nông dân thì thường chỉ bán cho doanh nghiệp khi giá các sản phẩm này trên thị trường thấp hơn giá doanh nghiệp thu mua. Nếu giá thị trường cao hơn nhiều lần thì nông dân bán cho tư thương với giá cao hơn nhiều lần giá hợp đồng ký cho nông dân. Hiện tượng này xẩy ra phổ biến những chưa có chế tài xử lý người nông dân vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, với riêng Vinamit thì chúng tôi đã thực hiện rất tốt vấn đề này”.

Một vấn đề quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ở khu vực nông thôn, đó là phát triển nghề và làng nghề trong bối cảnh mới. Ông Vũ Quốc Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng: “Cùng với nông nghiệp, cần rất phát triển công nghiệp nông thôn, nhất là tiểu thủ công nghiệp, coi đây là một giải pháp vừa nhằm phục vụ việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp (qua các ngành nghề chế biến nông sản), vừa tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn”. Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Việc phát triển ngành nghề nông thôn hiện đang rất cấp bách vì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn mới đạt 65%, thời gian nông nhàn còn lớn, hơn nữa mỗi năm có đến hàng vạn lao động nông nghiệp không có việc làm sau khi đất bị thu hồi. Vì vậy, cần thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển thêm nhiều ngành nghề, làng nghề ở nông thôn, nhất là những ngành thu hút nhiều lao động. Ông Vũ Quốc Tuấn nói: “Chúng tôi cho rằng việc đầu tư phát triển thêm nhiều nghề, nhiều làng nghề ở nông thôn có ý nghĩa và tác dụng rất quan trọng. Làng nghề, nơi lưu giữ những sản phẩm độc đáo thủ công của dân tộc được chú trọng phát triển từ cuộc đổi mới của đất nước. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được xuất khẩu tới trên 100 nước và vùng lãnh thổ, một số hàng được nước ngoài đánh giá cao. Giá trị hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tăng lên nhanh chóng và đang có nhiều triển vọng: năm 2000 mới đạt 273,7 triệu USD; năm 2007 đạt 750 triệu USD. Đó là chưa kể mặt hàng gỗ và đồ gỗ mỹ nghệ, năm 2007 có tiến bộ vượt bậc, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2,36 tỷ USD.”

Việc phát triển ngành nghề, làng nghề là hướng chủ yếu để tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn - một vấn đề thời sự rất bức xúc, gây ra những khó khăn gay gắt về kinh tế, xã hội hiện nay, đó là việc làm cho lao động thiếu việc trong thời gian nông nhàn và nhất là lao động ở những nơi đất bị thu hồi để xây dựng công nghiệp và đô thị. Do đó, việc phát triển thêm thật nhiều doanh nghiệp ở nông thôn là hết sức cần thiết. Ông Vũ Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Thị trường nông thôn đang rất cần thêm nhiều doanh nghiệp, coi đây là giải pháp chủ yếu để xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Các cơ quan chức năng cần cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính trong việc đăng ký kinh doanh, bổ sung các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nhất là miền núi, vúng sâu”. Nông thôn đang rất cần hình thành các doanh nghiệp kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản, bảo đảm yêu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; thông qua việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi ... Đó là những doanh nghiệp góp phần hình thành một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững. Trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, hình thức phổ biến vẫn phải là hộ gia đình từ quy mô nhỏ tiến lên trang trại quy mô lớn, kinh doanh đạt hiệu quả cao. Cần thực hiện sự liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa “bốn nhà” (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) để phục vụ việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng chất lượng nông sản, tôn trọng hợp đồng đã cam kết trong việc tạo đầu ra cho hàng hóa nông sản.

Đối với các doanh nghiệp phi nông nghiệp, cần hình thành đồng bộ các loại hình doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề từ chế biến nông lâm thủy sản đến xây dựng, thương mại, dịch vụ; có đủ các quy mô trong đó nhỏ và vừa là chủ yếu; thuộc đủ mọi thành phần kinh tế, mà chủ yếu là các doanh nghiệp dân doanh, quy mô nhỏ và vừa. Đó là các tổ chức sản xuất kinh doanh rất phong phú, từ các hợp tác xã, các tổ sản xuất, hộ kinh doanh cá thể tiểu thủ công nghiệp đến các loại công ty: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và doanh nghiệp tư nhân ... “Xin nhấn mạnh việc phát triển các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phục vụ nông nghệp và nông thôn. Đó là doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, trang thiết bị kỹ thuật nông nghiệp; dịch vụ tưới tiêu nước, ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tiêu thụ nông lâm sản, v.v...) Điều quan trọng là có các cơ chế, chính sách gắn bó hoạt động của các doanh nghiệp này với kết quả kinh doanh nông nghiệp” - ông Vũ Quốc Tuấn nói: “Để tăng sức mạnh trên thị trường, thực hiện được các hợp đồng lớn với các đối tác nước ngoài, cần mở rộng liên kết, liên doanh theo ngành hàng hoặc theo làng nghề, hình thành các doanh nghiệp có thế mạnh làm đầu tàu trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kể cả việc trợ giúp một phần vốn cần thiết cho các cơ sở”.

Để thúc đấy, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển thêm nghề, thêm doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, theo ông Vũ Quốc Tuấn. cần giải quyết bốn loại giải pháp rất quan trọng sau: Một là, khắc phục những yếu kém về kết cấu hạ tầng, chủ yếu là giao thông vận tải và năng lượng, đang ảnh hưởng lớn đến việc triển khai đầu tư của doanh nghiệp cả về thời gian và tiền bạc. Hai là, giải quyết mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh.Đối với các doanh nghiệp làng nghề, yêu cầu cấp bách nhất hiện nay là có đất đai làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu duy trì và mở rộng sản xuất. Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.Trong doanh nghiệp, nhân lực được coi là tài sản quý giá nhất, là nguồn vốn đặc biệt, yếu tố bảo đảm cho năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bốn là, tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước.Để khuyến khích, thu hút được nhiều đầu tư vào phát triển nghề, phát triển doanh nghiệp làng nghề ở nông thôn hiện nay, việc tăng cường chức năng quản lý của Nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt, trong đó có hai loại vấn đề đặc biệt cấp bách là: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch của mỗi địa phương một cách bài bản, căn cơ, làm căn cứ tin cậy cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước. Nhiệm vụ và nội dung đầu tiên, quan trọng nhất của Nhà nước trong thời kỳ hiện nay là cải cách thể chế kinh tế, thể chế hành chính.

Theo ông Vũ Quốc Tuấn, để thúc đấy đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, có những loại chính sách cần được quan tâm hoàn chỉnh. Đó là: các chính sách về quản lý đất đai, sử dụng đất; về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; chính sách khuyến khích mở mang, phát triển ngành nghề, làng nghề ở nông thôn; cơ chế khuyến khích sự liên kết “bốn nhà” có hiệu lực hơn nữa trong việc phát triển nông nghiệp và nông thôn; chính sách tín dụng; chính sách thị trường, hợp tác quốc tế; chính sách khuyến khích lập trang trại kinh doanh quy mô lớn; chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn; v.v...

Cùng với việc hoàn chỉnh hệ thống thể chế, chính sách, điều có ý nghĩa cấp bách là cải cách bộ máy hành chính và lành mạnh hóa đội ngũ công chức. Bộ máy hành chính nhà nước phải thực sự sát nông nghiệp, nông thôn, làm được nhiệm vụ khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, phục vụ công cuộc phát triển nông thôn. Công cuộc cải cách hành chính đã được đề ra trừ nhiều năm, đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, song vẫn tiến hành quá chậm chạp, và hiện nay, chính những khuyết điểm, yếu kém của nền hành chính hiện đang là là những cản trở trong việc phát triển của kinh tế và đời sống ở nông thôn. Đẩy mạnh cải cách hành chính đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách.

Trong vấn đề phát triển Nông nghiệp Nông thôn, có một lĩnh vực đặc biệt quan trọng thu hút đông lực lượng lao động nông thôn tham gia đó là ngành mây tre đan mà trong đó doanh nghiệp giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành nghề này. Theo ông Phạm Minh Trí - Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và PTNT: “Doanh nghiệp ngành hàng mây tre đan có vai trò quan trọng là những tác nhân chính trong sự phát triển của các làng nghề ngành hàng này”. Theo số liệu thống kê, hiện nay số lượng doanh nghiệp mây tre đan tăng lên liên tục trong những năm gần đây. Nếu như năm 2000 cả nước chỉ có 742 doanh nghiệp hoạt động trong thời gian này thì con số này đã lên tới 2032 vào năm 2006. Một điều đáng chú ý là giá trị doanh thu thuần bình quân cũng tăng lên đáng kể từ 6 tỷ đồng năm 2000 lên 7,8 tỷ đồng năm 2005. Đối với giá trị tài sản cố định thì tăng gấp 1,5 lần: 1,9 tỷ đồng năm 2000 lên 2,5-3 tỷ đồng trong 2 năm gần đây. Số lao động thường xuyên trong các doanh nghiệp này cũng tăng gần gấp 2 lần từ hơn 62 ngàn người năm 2000 lên gần 114 ngàn người năm 2006. Tuy nhiên, nếu xét về tỉ trọng trong tổng số doanh nghiệp trong cả nước thì ngành mây tre đan còn quá nhỏ bé so với các ngành khác như xây dựng, thương nghiệp: chiếm chưa đến 2% trong khi con số này đối với các doanh nghiệp xây dựng là gần 14%; các doanh nghiệp thương nghiệp là gần 42%, công nghiệp chế biến (trong đó có mây tre đan) chiếm hơn 21%.... Nếu phân theo qui mô lao động, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến mây tre đan chủ yếu có qui mô không lớn. Hầu như không có doanh nghiệp nào có qui mô 5000 người trở lên. Số doanh nghiệp qui mô trên 300 lao động chỉ ở mức 1-2%. Phổ biến các doanh nghiệp có qui mô dưới 200 lao động, trong đó qui mô dưới 50 lao động chiếm hơn 44% số doanh nghiệp hiện có. Con số này là 20,7% đối với doanh nghiệp có qui mô từ 50-199 lao động. Tuy nhiên với đặc thù sử dụng lao động nông thôn và lao động nông nhàn tại các vùng nên lực lượng lao động thời vụ làm việc trong ngành mây tre đan còn lớn hơn nhiều. Xét về vốn, các doanh nghiệp nước ta còn quá khiêm tốn. Phần lớn các doanh nghiệp (gần ¾ số doanh nghiệp) có số vốn dưới 5 tỉ đồng. Số doanh nghiệp có vốn lơn hơn 50 tỷ đồng mới chỉ ở mức dưới 5% số doanh nghiệp hiện tại.

Do phần lớn các doanh nghiệp mây tre đan ở Việt Nam chỉ dừng lại ở quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ nên họ cũng gặp không ít khó khăn trong việc mở rộng sản xuất. Khó khăn lớn nhất hiện nay của họ là vấn đề vốn lưu động. Điều này làm ảnh hưởng đến các chiến lược phát triển dài hạn và bền vững của doanh nghiệp. Một khó khăn khác nữa mà doanh nghiệp mây tre đan phải đối mặt là nguồn nguyên liệu khan hiếm. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũ, xấp xỉ 90% nguyên liệu sản xuất các mặt hàng mây tre đan hiện nay phụ thuộc nguồn cung cấp từ các tỉnh ngoài, chi phí vận chuyển cao, tiêu cực phí trên đường vận chuyển lớn làm cho giá thành nguyên liệu bị đẩy lên cao. Khả năng tìm hiểu thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cũng là một hạn chế của doanh nghiệp mây tre đan. Hiện nay đa số các doanh nghiệp của Việt Nam đều sản xuất theo mẫu mã của nước ngoài hoặc nhái lại và gia công cho tập đoàn nước ngoài nên bị ép giá. Việc tham gia các triển lãm và hội chợ trong và ngoài nước của các doanh nghiệp bị hạn chế bởi nguồn tài chính không lớn.
Để giải quyết những khó khăn đó, theo ông Phạm Minh Trí việc đầu tiên cần làm là rà soát, điều chỉnh lại qui hoạch sử dụng đất (nếu đã có qui hoạch sử dụng đất) hoặc xây dựng phương án qui hoạch sử dụng đất; xây dựng phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ có làm tốt công tác điều chỉnh qui hoạch mới xác định được quĩ đất dành cho phát triển công nghiệp nông thôn nói chung, các làng nghề mây tre đan nói riêng. Từ đó mới xây dựng được kế hoạch sử dụng đất, lên được phương án cụ thể về giải phóng mặt bằng hỗ trợ cho các đơn vị có yêu cầu mặt bằng sản xuất. Chính sách tạo mặt bằng cho các cơ sở chế biến mây tre đan cần được công bằng với các khu/cụm công nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo dạy nghề và đào tạo, xây dựng đội ngũ nghệ nhân cho các làng nghề: Để khắc phục tình trạng cạnh tranh lao động giữa các làng nghề/doanh nghiệp mây tre đan với các doanh nghiệp và các khu công nghiệp khác, công tác đào tạo dạy nghề cho người lao động cần được ưu tiên và tăng cường. Trước hết cần nhận thức rõ việc đào tạo tay nghề và trình độ người lao động là công tác thường xuyên của các doanh nghiệp chứ không phải chỉ là những buổi tập huấn hướng dẫn làm mẫu như hiện nay. Chỉ có một đội ngũ công nhân có tay nghề cao mới có thể chủ động được những vận đơn hàng lớn và có giá trị. Các làng nghề, doanh nghiệp cần có sự rà soát, đánh giác chính xác chất lượng đội ngũ lao động đang làm nghề, thiết tha với nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực cho lâu dài. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, Chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện tạo mọi điều kiện và có các biện pháp hỗ trợ cần thiết để các doanh nghiệp liên kết, liên doanh xây dựng vùng nguyên liệu (giao đất lâm nghiệp ổn định và lâu dài, tham gia các chương trình/dự án trồng rừng sản xuất…). Qui hoạch xây dựng vùng nguyên liệu tại địa phương thông qua việc qui hoạch đất trông nguyên liệu mây, tre, giang, nứa và có các biện pháp hỗ trợ về kỹ thuật, về vốn đầu tư cho các cơ sở, hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu tại các địa bàn có tiềm năng phát triển lâm nghiệp. Bên cạnh đó cần phát triển nghiên cứu mẫu mã sản phẩm sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có khác tại địa phương. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mây tre đan tiếp cận các nguồn vón tín dụng, ngân hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết liên doanh tạo sức cạnh tranh cao…
Đồng quan điểm khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nông thôn chính là vấn đề vốn, công nghệ và cơ sở hạ tầng, ông Lê Đức Thịnh – Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thể chế nông thôn – Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT cho rằng: “Cũng giống như nhiều DNNVV khác, khó khăn số một của DNNVV ở địa phương này chính là xuất phát điểm quá thấp về vốn, công nghệ và các điều kiện khác về CSHT… khả năng tiếp cận vốn cũng không phải là hoàn toàn rõ ràng. Trong khi đó để có được đất đai xây dựng mặt bằng sản xuất, các doanh nghiệp ngoài hàng rao khu CN hoàn toàn phải xoay sở trên thị trường thứ cấp. Ngoài chi phí cao các doanh nghiệp này còn tố phí rất nhiều thời gian cho việc «tìm kiếm» đất đai. Nói cách khác, vốn đất vẫn là những cản trở số một cho vấn đề phát triển của các DNNVV ở nông thôn. Đã vậy, các doanh nghiệp địa phương lại rất khó có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay ở các thể chế tài chính và luôn bị các doanh nghiệp lớn hơn (thường là doanh nghiệp ở các đô thị hoặc doanh nghiệp xuất khẩu) chiếm dụng vốn. Vì thế mà các doanh nghiệp đa phần phải vay mượn (khoảng 30%) vốn kinh doanh từ phía gia đình bạn bè”.

Khó khăn tiếp theo của các doanh nghiệp địa phương, theo ông Lê Đức Thịnh, chính là khả năng trang bị và đầu tư công nghệ dẫn đến năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao. Kết quả là đa phần các doanh nghiệp này chỉ đảm nhận các hoạt động như thu gom, đóng gói, vận chuyển, sơ chế những công việc khá là đơn giản không đòi hỏi công nghệ cao nhưng gía trị gia tăng cũng rất thấp.

Khả năng quản lí của người đứng đầu doanh nghiệp. Kết quả trả lời phỏng vấn của chính các chủ doanh nghiệp nói lên điều rằng bản thân họ cũng gặp nhiều khó khăn trong cong tác quản lí và đặc biệt là các áp lực về pháp lí do không được đào tạo về quản lí doanh nghiệp cũng như tư vấn pháp lí thường xuyên. Các quy định về thủ tục quản lí doanh nghiệp (chế độ theo dõi, báo cáo và quản lí sổ sách) và thủ tục về thuế lại luôn thay đổi, gây áp lực đáng kể cho người quản lí, đứng đầu doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có đến trên 1/3 số doanh nghiệp địa phương khảo sát tuy đăng kí đầy đủ thủ tục nhưng lại không xây dựng hệ thống sổ sách theo quy định mà chỉ thực hiện thu chi báo sổ giống như một hộ kinh doanh.

Ngoài ra, những khó khăn như sự yếu kém về CSHT nông thôn, các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn cho sản xuất, sự khan hiếm lao động có chất lượng ở các địa phương... cũng là nhưng khó khăn không nhỏ đối với các nhà đầu tư ở nông thôn.

Bên cạnh đó, ông Lê Đức Thịnh cũng đưa ra những điểm chưa hợp lý trong chính sách của nhà nước và chính quyền địa phương. Hiện nay, theo luật doanh nghiệp và luật đầu tư, nhà nước có nhiều cơ chế và chính sách khuyến khích sự phát triển khuyến khích sự phát triển của các DNNVV trong NNNT. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng trong các chính sách ưu đãi có các doanh nghiệp còn có nhiều quy định chưa hợp lí dẫ đến việc không khuyến khích được đầu tư vào nông thôn. Một ví dụ cụ thể là các chính sách ưu đãi hay miễn giảm thuế, tiền thuê đất thường được quy định theo các ngành hàng kinh doanh, hoặc quy định theo địa bàn đặc biệt khó khăn… dẫn đến việc các nhà đầu tư thích đầu tư xây dựng nhà máy ở các đô thị nơi tuy giá trị đầu tư ban đầu có thể cao hơn nhưng có CSHT lại tốt hơn và quan trong nữa là họ vẫn được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước.

Một chính sách, nhất là các quy định về thuế VAT đối với các doanh nghiệp, chưa thực sự phù hợp với điều kiện kinh doanh ở nông thôn. Đơn giản chỉ là vì đầu vào cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở nông thôn chủ yếu được cung cấp bởi các hộ cá thể, không phải là các pháp nhân nên các doanh nghiệp ở nông thôn không thể chứng minh hóa đơn chứng từ về nguồn gốc hàng hóa để được miễn giảm hoặc hoàn thuế VAT. Vì thế, các doanh nghiệp thường không hoạch toán tài khoản mà chấp nhận thuế khoán khá cao bằng 3,1% giá trị sản lượng kinh doanh. Nhưng đổi lại họ lại tìm cách kê khai giảm sản lượng hoặc kinh doanh để ngoài sổ sách.

Ngoài ra, có sự khác biệt trong cách nhìn nhận, đánh giá về vai trò, lợi ích của doanh nghiệp mang lại cho địa phương của các cấp ngành chính quyền ở các địa phương khác nhau. Ở một số ít các khu vực như làng nghề, xã ven đô, sự phát triển của doanh nghiệp có thể mang lại những lợi ích kinh tế và tăng thu chi ngân sách cho địa phương. Trong khi đó ở các xã nông thôn, những lợi ích này không rõ ràng. Các có chế phân chia tỷ lệ thu chi ngân sách ở các tỉnh và địa phương hiện nay chưa khuyến khích chính quyền cơ sở tích cực tham gia hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Ông Lê Đức Thịnh nói:“Những khó khăn chính liên quan đến sự phát triển của các DNNVV trong nông thôn. Trong giai đoạn tới, để cho các DNNVV trong nông thôn phát triển, hệ thống các giải pháp chính sách của nhà nước TW và địa phương cần phải hướng vào việc tháo gỡ những khó khăn này cho doanh nghiệp”.

Dưới góc độ một doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông sản, ông Nguyễn Công Suất – Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) chia sẻ, khó khăn lớn nhất của VNPOFOOD hiện nay chính là vấn đề thu mua nguyên liệu. Những năm đầu dân trồng gấc rất ít mà dầu gấc chỉ được chiết từ màng đỏ nên phải cần một lượng gấc khổng lồ mới đủ. Tuy hiện nay người dân đã phát triển trồng gấc nhiều hơn nhưng dân bán gấc không có hoá đơn tài chính, mỗi năm VNPOFOOD phải chi trên 10 tỷ tiền mặt để mua gấc cho dân nhưng không hề được khấu trừ thuế đầu vào. Đây là một thiệt thòi lớn mà chúng tôi phải gánh chịu.

Một vấn đề nữa cực kỳ nguy hiểm hiện nay mà VNPOFOOD là vấn đề hàng nhái, hàng giả. Sau 5 năm sản phẩm dầu gấc VINAGA có mặt trên thị trường thì bắt đầu có hàng nhái và đến ngày hôm nay hàng nhái mọc lên như nấm. Hiện tại có trên 20 loại hàng nhái, có những nơi một đơn vị cho ra đến 4 loại hàng nhái,hàng giả… Ông Nguyễn Công Suất nêu một ví dụ cụ thế: “Sản phẩm đầu tiên chính hãng của chúng tôi là Dầu gấc viên nang VINAGA (viết tắt từ chữ Việt Nam Gấc). Bộ Y tế cấp phép từ tháng 4/2002 Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ ngay sau đó. Nhưng người ta cứ nhái thành Dầu gấc VITAGA, VIKAGA rồi Dầu gấc VINA … VINA dầu gấc, rồi VINATIGA, rồi dầu gấc Hoa Sim, Hoa Viên,... Người tiêu dùng thì cứ thấy na ná như VINAGA không phân biệt được thật giả và cứ tưởng đâu chả là dầu gấc”.

Kết thúc hội thảo “Cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh mới”, có rất nhiều những khó khăn khúc mắc trong vấn đề phát triển nông nghiệp nông thôn đã được các diễn giả nêu ra nhằm tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Bên cạnh những khó khăn, các diễn giả đều cho rằng, khu vực nông nghiệp nông thôn Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển.


Tin khác