Lễ ký dự án "Phân tích chính sách nhằm xây dựng chính sách đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội"

13/03/2009

Chính sách đất đai là một trong những chính sách mở đầu tạo thành công đột phá cho tiến trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 10 và Luật đất đai 1993 đã tạo ra những động lực to lớn cho sự phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành cường quốc đứng thứ hai về xuất khẩu gạo. Đổi mới chính sách đất đai bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ chế thị trường vận hành, huy động nội lực và tinh thần làm chủ của toàn dân trong quá trình phát triển kinh tế, thu hút tốt đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự thay đổi của chính sách đất đai dường như không theo kịp với sự phát triển của ngành nông nghiệp cũng như toàn nền kinh tế. Cách thức quản lý sử dụng đất nông nghiệp hiện chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nông hộ tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng cơ giới hóa. Trong khuôn khổ chính sách cũ, phần lớn đất nông lâm nghiệp do các nông lâm trường quốc doanh quản lý sử dụng kém hiệu quả, năng suất thấp. Việc xác định giá trị đất đai trong quá trình cổ phần hóa, liên doanh liên kết của các doanh nghiệp quốc doanh còn nhiều bất cập. Việc quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất một mặt chưa phản ánh sự nhạy bén của cơ chế thị trường, mặt khác không bảo vệ tốt diện tích đất lúa đã đầu tư thủy lợi hoàn chỉnh.

Đất đai sử dụng không hiệu quả là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm tăng trưởng nông nghiệp, nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa công nghiệp - nông nghiệp, giữa đô thị - nông thôn, giá trị to lớn của đất đai chưa được huy động đầu tư thích đáng vào quá trình phát triển kinh tế, cùng với khung giá đất đền bù cho nông dân bị thu hồi đất quá thấp so với giá thị trường tạo ra tình trạng đầu cơ, tham nhũng, lãng phí trở thành nguy cơ bất ổn chính trị xã hội. Trong khi đó, nhiều dự án thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp dịch vụ, thương mại, đô thị chưa mang lại hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế lành mạnh và công bằng.

Trước thực tế phức tạp này, Luật Đất đai và các chính sách quản lý sử dụng đất đang được xem xét để chỉnh sửa và phát triển hoàn chỉnh hơn. Nghị quyết trung ương 26 về vấn đề nông nghiệp nông thôn và nông dân vừa qua đã khẳng định chủ trương này. Để làm tốt công tác quan trọng này, rất cần có nghiên cứu đánh giá toàn diện các chính sách đất đai hiện tại nhằm tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng hệ thống chính sách mới đáp ứng đòi hỏi bức xúc của cuộc sống. Đó chính là bối cảnh và cũng là mục tiêu đặt ra cho dự án: Phân tích chính sách nhằm xây dựng chính sách đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội. sau đây là một số thông tin tóm tắt về dự án:

Tên dự án: ‘Phân tích chính sách nhằm xây dựng chính sách đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội’

Cơ quan thực hiện dự án: Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam

Cơ quan đồng thực hiện: Trường hành chính công John F.Kennedy, Đại học Harvard (Mỹ).

Nhà tài trợ: Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP)

Tổng nguồn vốn tài trợ ước tính: 1.153.200 USD

Thời gian triển khai: 2009 – 2010

Mục tiêu dự án: Dự án nhằm đánh giá toàn diện tác động kinh tế- xã hội của chính sách đất đai đối với phát triển nông thôn và đề xuất các chính sách mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở nông thôn.

Hoạt động của dự án:

Dự án sẽ phối hợp một số chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nghiên cứu thực tế thông qua các nghiên cứu tình huống tại một số địa phương.

Các chủ đề nghiên cứu chính: (i) Khung luật pháp và quy định, (ii) Thị trường đất đai và xu hướng phát triển của sở hữu đất, (iii) Thu hồi và bồi thường, (iv) Thị trường tín dụng, (v) Đất đai và thuế bất động sản, (vi) Đất rừng, (vii) Thị trường đất và thị trường lao động, (viii) Đất đai cho đồng bào dân tộc, (ix) Đất đai và cạnh tranh trong hội nhập, và (x) Đất đai và môi trường.

Các hoạt động chính gồm: (i) Nghiên cứu tác động của chính sách đất đai hiện hành tại một số tỉnh đại diện cho các vùng kinh tế - sinh thái khác nhau với các vấn đề chính sách khác nhau; (ii) Hội thảo với các đối tác liên quan về chính sách đất đai; (iii) Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm xây dựng chính sách đất đai của các nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển; (iv) Diễn đàn chính sách đề xuất các khuyến nghị chính sách của dự án.

Buổi lễ ký kết Kế hoạch năm 2009 sẽ diễn ra vào 14h00 ngày 16 tháng 3 năm 2009 tại phòng họp số 2 nhà A2, Bộ Nông nghiệp và PTNT, số 2 Ngọc Hà.


(IPSARD)

Tin khác