Doanh nghiệp tư nhân gia đình đội nhầm mũ công ty trách nhiệm hữu hạn

27/04/2009

Agroinfo - Hiện nay phát triển DNNVV trong nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách để có thể phát triển nền nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh, hiện đại. Tuy nhiên, câu hỏi là làm thế nào để có thể khuyến khích và hỗ trợ các DNNVV này phát triển trong thực tế? Nhóm nghiên cứu của bộ môn Thể chế nông thôn là đầu mối thực hiện các nghiên cứu khác nhau để trả lời câu hỏi này. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số phát hiện của nhóm nghiên cứu liên quan đến tình hình phát triển của hai loại hình DN là Doanh nghiệp tư nhân gia đình và các Công ty TNHH ở nông thôn và những vấn đề đang đặt ra hiện nay đối với các loại hình DN này. Đây cũng là một trong những kết quả của đề tài nghiên cứu nhỏ được tiến hành ở Hà tây và Vĩnh Phúc. Kết quả này chỉ rõ thêm những lí do và nguyên nhân tại sao các DN ở nông thôn hiện nay khó có khả năng tích lũy vốn và mở rộng sản xuất. Nhiều DN chỉ sau thời gian đăng kí không lâu các hoạt động đã đi vào suy thoái.

1. Chức năng đã được phân định của mỗi loại hình doanh nghiệp

Không phải ngẫu nhiên mà trong các luật (doanh nghiệp, dân sự và kinh tế…), cả luật pháp quốc tế và trong nước, người ta lại phân loại doanh nghiệp thành nhiều loại[1]: Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn (CTTNHH), Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân (DNTN)…Trong đó CTTNHH và DNTN là loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất, chiếm đến 70-80% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Việc phân biệt các loại hình doanh nghiệp nói chung và sự phân biệt giữa CTTNHH và DNTN nói riêng không chỉ giúp cho các doanh nghiệp định hướng hoạt động có hiệu quả mà còn tạo điều kiện để Chính phủ có thể quản lí và có các giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp. Một trong những cơ sở quan trọng để phân biệt DNTN và CTTNHH chính là sở hữu vốn. Từ sở hữu vốn này mà quy định nên hình thức tổ chức doanh nghiệp, tư cách, nghĩa vụ pháp lí của doanh nghiệp, quy định trách nhiệm quản lí, hỗ trợ và bảo hộ của Chính phủ đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư.

Theo luật, DNTN do một chủ đầu tư duy nhất lập nên, có sản nghiệp, con dấu riêng và người điều hành. Được đánh thuế thu nhập như mọi DN khác, tuy không có tư cách pháp nhân nhưng sản nghiệp có thể cho thuê, bán lại cho người khác. Vì không có tư cách pháp nhân nên chủ DNTN phải chịu trách nhiệm «vô hạn» về tài sản và các khoản nợ trong kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân gia đình (DNTN-GĐ) không đặc trưng bởi một tư cách pháp lí riêng biệt mà đặc trưng bởi mối quan hệ chặt chẽ giữa vòng đời của doanh nghiệp và vòng đời gia đình. Luôn có một sự chồng chéo, lẫn lộn giữa các sự kiện gia đình và các sự kiện của DN và xã hội. Quyền lực và những quyết định bên trong của DN phụ thuộc nhiều vào người nắm giữ vốn vì thế mà có sự tập trung quyền lực vào tay chủ DN. Người chủ vừa đóng vai trò ra quyết định vừa đóng vai trò người chi trả. Nhưng ngược lại về kinh tế, trong DNTN-GĐ lại có sự tự chủ cao trong mỗi bộ phận, chức năng của doanh nghiệp (A. Gaultier, 1974).

Ngược lại, CTTNHH là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Các thành viên tham gia chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào doanh nghiệp. Thành viên của công ty có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành tối đa không vượt quá năm mươi. Đối với CTTNHH, trách nhiệm pháp lí của người điều hành công ty (Giám đốc), được phân biệt rõ ràng với trách nhiệm của các nhà đầu tư. Những quy định này của Việt Nam đối với CTTNHH là tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế.

LOẠI HÌNH

ƯU ĐIỂM

HẠN CHẾ

Doanh nghiệp Tư nhân

- Một chủ đầu tư, thuận lợi trong việc quyết định các vấn đề của Doanh nghiệp.

- Không có tư cách pháp nhân;

- Chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của Doanh nghiệp.

Công ty TNHH

- Gồm nhiều thành viên hoặc một thành viên duy nhất là tổ chức hoặc cá nhân cùng tham gia góp vốn, cùng kinh doanh;

- Có tư cách pháp nhân;

- Chịu trách nhiệm hữu hạn về khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác theo tỉ lệ vốn góp của các thành viên hoặc của chủ sở hữu công ty.

- Không có khả năng huy động vốn từ công chúng bằng hình thức đầu tư trực tiếp;

- Không được quyền phát hành cổ phần ra công chúng.

2. Xu hướng lựa chọn loại hình doanh nhiệp kinh doanh của các nhà đầu tư ở nông thôn hiện nay

Khi xem xét chuỗi số liệu thống kê các loại hình doanh nghiệp qua từng năm, chúng tôi đã phát hiện ra rằng, mặc dù về số lượng tuyệt đối hai loại hình DNTN và CTTNHH vẫn tăng lên, nhưng tỷ lệ của mỗi loại trong tổng số doanh nghiệp đã có sự thay đổi. Tính từ thời điểm năm 1999 khi có luật DN, tỷ lệ DNTN đã liên tục giảm xuống, trong khi tỷ lệ của CTTNHH đã tăng nhanh. Đến năm 2003, tỷ lệ CTTNHH đã vượt qua tỷ lệ DNTN-GĐ (đồ thị ..).

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi năm 2006 ở Hà tây, trong tổng số 3131 doanh nghiệp đang hoạt động, cũng có đến 59,3% CTTNHH, 19,4% là Công ty cổ phần, DNTN chỉ chiếm 21,3%. Tại xã nghề Phú Nghĩa của huyện Chương Mỹ, năm 2007 có 13 hộ nghề, tiểu thương chuyển sang đăng kí thành lập DN thì chỉ có 1 hộ thành lập DNTN, còn lại 12 hộ lập CTTNHH. Tại xã La Phù ở huyện Hoài Đức, từ năm 2002 đến năm 2007 có tổng cộng 64 DN mới được thành lập thì có đến 62 DN thành lập dưới hình thức CTTNHH, không có công ty tư nhân nào được thành lập. Tỷ lệ công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân trong tổng số doanh nghiệp

Như vậy có thể khẳng định, từ năm 2003 trở lại đây, khi đăng kí kinh doanh, đa số các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư ở nông thôn đã lựa chọn hình thức CTTNHH để thành lập doanh nghiệp.

|

3. Thực chất các CTTNHH ở nông thôn hiện nay là ai?

Về lí thuyết nếu xu thế đăng kí trên đây diễn biến đúng theo bản chất sở hữu của DN thì đó là tín hiệu đáng mừng, bởi lẽ điều này có thể hiểu rằng DN của chúng ta đang lớn mạnh cả về vốn và năng lực quản lí, kinh doanh. Người đầu tư chọn loại hình CTTNHH chắc chắn là muốn mở rộng thị trường không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài, trong đó tư cách pháp nhân của DN và sự bảo hộ của chính phủ đối với loại hình DN này sẽ tạo điều kiện để DN vươn xa hơn. Tuy nhiên, sự thực có đúng như vậy không? nếu không thì tại sao người ta lại làm như vậy? và hệ quả của vấn đề này là gì?

Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu với số mẫu khá nhỏ, chỉ khoảng 60 DN ở 4 huyện của 2 tỉnh là Hà Tây và Vĩnh Phúc. Dựa trên 2 tiêu chí chính là sở hữu vốn và hợp đồng góp vốn của các thành viên khi thành lập doanh nghiệp chúng tôi khẳng định rằng có đến 86,7% (bằng 52 doanh nghiệp) thực chất là doanh nghiệp tư nhân gia đình (DNTN-GĐ), là những hộ kinh doanh có nhiều năm kinh nghiệm muốn mở rộng quy mô sản xuất, nhưng đã đăng kí dưới hình thức CTTNHH. Các DNTN-GĐ này có thể chia thành 3 loại theo nguồn gốc sở hữu vốn.

· Thứ nhất, đó là các DN vốn trên thực tế chỉ là của một nhà đầu tư, chiếm trên 60% số doanh nghiệp đăng kí «nhầm» loại hình này. Khi đăng kí dưới dạng CTTNHH, chủ đầu tư đã ghi tên con cái, anh em bà con thân thích trong gia đình vào làm thành viên góp vốn. Trên thực tế, sở hữu vốn và mọi quyết định kinh doanh đều do chủ đầu tư thực hiện.

· Loại thứ 2, chiếm khoảng 30%, là các DN trong đó các thành viên có đóng góp vốn ít nhiều để cùng nhau kinh doanh, nhưng thường thì sự đóng góp này mang tính chiếu lệ và các hợp đồng góp vốn thường không rõ ràng thâm chí không có. Có nhiều trường hợp, bố mẹ bỏ vốn ra ghi tên các con sau đó làm giấy chia vốn và coi đó như là của hồi môn cho các con.

· Trường hợp thứ 3 là các DN lúc đầu thực hiện đăng kí góp vốn theo đúng sở hữu của các thành viên, nhưng trong quá trình kinh doanh do quan hệ phức tạp nên các thành viên không có quan hệ thân thiết, ruột thịt đã rút khỏi danh sách thành viên, nhượng lại vốn cho người khác trong gia đình của thành viên còn lại.

4. Nguyên nhân của sự đội «nhầm mũ»

Tại sao lại có hiện tượng các nhà đầu tư thích đăng kí dưới hình thức CTTNHH? Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra các nguyên nhân sau đây:

· Nhu cầu mở rộng kinh doanh. Quá trình phát triển và hội nhập kinh tế đã ảnh hưởng đến tâm lí các nhà đầu tư trong khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp để đăng kí kinh doanh. Chọn loại hình CTTNHH, các nhà đầu tư hy vọng về lâu dài sẽ mở rộng thị trường kinh doanh, kể cả thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, có đến trên 90% CTTNHH hiện nay ở nông thôn không vươn ra thị trường XNK được. Họ chủ yếu đóng vai trò trung gian thu gom hoặc phân phối hoặc xuất ủy thác hàng qua các công ty lớn.

· Thiếu am hiểu về pháp luật. Đây mới là nguyên nhân quan trọng nhất. Có đến 42,6% lãnh đạo CTTNHH nói rằng khi làm thủ tục đăng kí kinh doanh, họ cũng không thực sự am hiểu pháp luật lắm. Vì thế họ nhờ cán bộ trong ngành kế hoạch và đầu tư, cán bộ ngành thuế, bạn bè đi trước tư vấn cho. Lời khuyên của các «nhà tư vấn» là nên chọn loại hình CTTNHH vì nó có tư cách pháp nhân (tính bảo hộ của Nhà nước cao hơn) mà lại ít phức tạp hơn Công ty cổ phần. Các nhà tư vấn hiểu sở hữu vốn của các «Công ty» là sở hữu cá nhân, gia đình, nhưng thông thường họ bỏ qua. Cũng vì thế mà hiện nay ở nông thôn xuất hiện dịch vụ làm thủ tục và tư vấn thành lập công ty với giá từ 2,0 đến 4,0 triệu đồng/hồ sơ (đây là giá của năm 2006. Giá hiện nay cao hơn, và chỉ hợp đồng miệng). Theo thống kê của chúng tôi, có khoảng 40% doanh nghiệp đăng kí mới thuê dịch vụ này.

· Rạn nứt quan hệ giữa các thành viên góp vốn. Lí do thứ ba thuộc về những nhà đầu tư tuy hiểu biết pháp luật, mong muốn thành lập CTTNHH để có thể huy động sự tham gia của các thành viên khác cùng đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên những khó khăn đã xuất hiện ngay sau khi các chủ đầu tư thực hiện hợp đồng đầu tư vốn và đi vào kinh doanh. Sự rạn nứt trong chính các nhà đầu tư và giải pháp phổ biết nhất là dần dần thay thế các nhà đầu tư ít thân quen bằng các thành viên trong gia đình.

· Bí mật kinh doanh. Lí do thứ tư, liên quan đến vấn đề bí mật kinh doanh và sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp. Do sợ những thành viên ngoài gia đình nếu tham gia lãnh đạo công ty hoặc giữa các vị trí quan trọng như kế toán, thủ quỹ và thợ cả, sẽ tiết lộ các bí mật kinh doanh mà không có tòa án hay cách xử lí nào thấu đáo, các nhà đầu tư đã quay sang tuyển dụng các thành viên trong gia đình. Kết quả là công ty gia đình ra đời và vận hành theo đúng nghĩa của nó.

· Ưu đãi về chính sách. Cuối cùng, có một bộ phận các nhà doanh nghiệp, chiếm 17,6% cho rằng CTTNHH là loại hình được nhà nước ưu ái về chính sách hơn, đăng kí dưới hình thức này sẽ xin được đất đai làm mặt bằng sản xuất và vay vốn dễ hơn. Ngoài ra, việc tính toán khấu trừ chi phí lao động cũng tao ra sự tâm lí cho người đầu tư thích đăng kí kinh doanh dưới dạng CTTNHH. Đơn giản là vì đăng kí dưới dạng CTTNHH người ta sẽ được khấu trừ chi phí lương cho lãnh đạo, chủ doanh nghiệp khi tính thuế DN, trong khi CTTN-GĐ khoản khấu trừ này không được chấp nhận.

|

5. Hệ quả của tình trạng đội nhầm mũ của các CTTNHH hiện nay

Sự đăng kí sai lệch về loại hình và chức năng hoạt động này đã để lại hệ quả không tốt mà chúng tôi đã ghi nhận được cho cả các doanh nghiệp, các nhà quản lí và những người cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp ví dụ như ngân hàng.

a) Đối với các DNTN-GD đội nhầm mũ của CTTNHH

Sự nhầm lẫn này đã biến doanh nghiệp thành tiệm buôn gia đình núp bóng công ty. Tính «trách nhiệm hữu hạn» thông thường để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia hoặc chuyển nhượng các khoản vốn của họ đã không được phát huy làm cho khả năng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của CTTNHH bị hạn chế. Sau thành lập một thời gian các CTTNHH có thể phát triển được nhưng cùng với chu kỳ đời sống của gia đình, tuổi đời của chủ hộ sẽ nhanh chóng bước vào vòng suy thoái. Vốn liếng của «Công ty» lại bị chia lại cho con cái, người thân gia đình. Đó chính là lí do giải thích tại sao ở nơi chúng tôi đã khảo sát nghiên cứu, có rất nhiều CTTNHH thành lập được trên dưới 10 năm nay đã và đang đi vào thời kỳ suy thoái, vốn liếng không mở rộng, thậm chí «chết yểu».

Hệ quả thứ 2 không kém phần quan trọng đó là sự lẫn lộn và không rõ ràng trong các hợp đồng góp vốn của các thành viên. Những mối quan hệ đã chi phối làm cho các hợp đồng góp vốn của các thành viên trở thành hình thức. Tuy nhiên, trong kinh tế sự không rõ ràng này đã nhanh chóng trở thành mâu thuẫn của chính các thành viên trong gia đình. Trong đa số các trường hợp những căng thẳng giữa các thành viên gia đình đều được giải quyết bằng các dàn xếp dân sự, nội bộ nhưng kết cục chung hoặc là công ty càng nhanh đi đến sự phân chia vốn và tài sản, hoặc là một sự tập trung quyền lực càng mạnh hơn dẫn đến bản chất và những đặc trưng cố hữu của một DNTN-GĐ càng được thể hiện rõ ràng hơn.

Ngoài ra, khi DNTN-GĐ đội nhầm mũ của CTTNHH sẽ gây khó khăn và cản trở cho chính sự phát triển của công ty. Lí do là vì sự nhầm nhọt này đã làm gia tăng sức ép pháp lí lên người lãnh đạo công ty. Trong điều kiện vẫn còn đến 30% chủ doanh nghiệp mới tốt nghiệp phổ thông cơ sơ sở (cấp 2), 34,5% không biết về chuyên môn ngành nghề mà công ty đang kinh doanh, trên 90% chưa qua đào tạo về quản lí và pháp luật kinh doanh, cộng thêm sự khập khiễng giữa một bên là các quy định có tính pháp lí của thể chế công ty và một bên là cung cách tổ chức kinh doanh theo kiểu gia đình đã làm cho người chủ doanh nghiệp luôn lo lắng, chịu sức ép về mặt pháp lí. Họ rơi vào tình trạng phải đối phó mỗi khi phải làm báo cáo, sổ sách. Điều này không chỉ làm cho họ mất thời gian và phân tán trong điều hành kinh doanh mà còn luôn sợ bị vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp, sau một thời gian kinh doanh các chủ DN cũng nhận ra rằng các chức năng và ưu thế của một CTTNHH đã không được chính họ khai thác hết và bản thân cái «mác» công ty mà họ đang giữ cũng không giúp được gì cho họ trong kinh doanh (như xuất khẩu hàng hóa, tiếp cận vốn dễ dàng…) nhưng việc chuyển đổi thì thường chỉ có theo chiều thuận là từ DNTN lên CTTNHH chứ có ai lại làm theo chiều ngược lại. Kết quả là tình trạng «mai rùa» còn «ruột ốc sên» vẫn xảy ra.

b) Đối với các thể chế cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp

Hiện nay, các thể chế cung cấp dịch vụ cho các DN như ngân hàng, các bạn hàng của doanh nghiệp cũng không khó khăn gì để nhận ra sự đội nhầm mũ này của các CTTNHH. Vì thế mặc dù là CTTNHH, nhưng các thể chế cung cấp dịch vụ luôn hành xử với các doanh nghiệp này theo phương thức đối với một DNTN-GĐ. Chủ các CTTNHH kiểu này vẫn phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với DN như DNTN-GĐ. Vì thế nên mỗi khi khi thành viên hoặc chủ DN muốn chuyển nhượng DN, vay vốn ngân hàng gặp khó khăn. Giải pháp các DN thường làm là tuyên bố giải thể sau đó bán tài sản vật chất cho chủ mới. Sau đó, chủ mới thành lập DN khác. Cách làm này lại gây nên hậu quả không chỉ về kinh tế, thời gian để tạo dựng hình ảnh DN mà ảnh hưởng tới phát triển thị trường giao dịch[2]:

o Không khuyến khích được thị trường giao dịch mua bán DN cũng có nghĩa là không khuyến khích được những đầu tư từ các khu vực khác, từ thành thị về nông thôn.

o Việc DN tuyên bố giải thể và bán tài sản cho chủ mới ngoài việc gây nên tốn kém quan trọng hơn là nó làm mất tính không liên tục trong kinh doanh của DN. Tài sản của DN bao gồm cả tài sản vật chất và phi vật chất (danh tiếng, uy tín sản phẩm của DN...). Nếu giải thể và bán tài sản vật chất, ảnh hưởng tới tính liên tục trong kinh doanh.

c) Đối với các nhà quản lí và nhà làm chính sách

Đương nhiên sự «nhầm lẫn các thể chế kinh doanh» được phản ánh trong các con số thống kê và khiến cho người ta hiểu sai về cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế, từ đây dẫn đến những chính sách và thái độ ứng xử của chính quyền với doanh nghiệp không phù hợp. Một ví dụ cụ thể là hằng năm, chi cục thuế và liên minh các HTX thường tổ chức các khóa tập huấn và đào tạo nghiệp vụ cho DN, trong đó có nội dung về thủ tục kinh doanh xuất nhập khẩu. Nội dung này không phù hợp và ít quan trọng đối với các DNTN-GĐ.

7. Kết luận

Qua nghiên cứu này có thể khẳng định rằng mặc dù đã được quy định rõ trong luật doanh nghiệp và các luật liên quan khác nhưng thực tế hiện nay đang có sự nhầm lẫn khá lớn về mặt chức năng trong khi lựa chọn hình thức đăng kí kinh doanh là CTTN-GĐ hay CTTNHH. Đa số các CTTNHH hiện nay thực chất chỉ là các DNTN-GĐ. Chính sự đăng kí kinh doanh không đúng chức năng này đã giải thích tại sao phần đông các doanh nghiệp ở nông thôn hiện nay, nhất là các CTTNHH không tập trung được vốn và các nguồn lực để mở rộng được quy mô sản xuất, chu kỳ kinh doanh ngắn. Về cơ bản hiện tượng này cũng tạo ra những khó khăn cho chính các doanh nghiệp và gây ra sự thiếu bình đẳng trong sản xuất kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này trước hết là do sự am hiểu về pháp luật của các nhà đầu tư còn thấp, trong khi hệ thống đăng kí kinh doanh hiện nay thực sự chưa quan tâm nhiều đến chức năng tư vấn, phân loại và hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ khi đăng kí kinh doanh. Hiện tượng này cũng cho thấy khả năng bảo hộ doanh nghiệp, nhà đầu tư của hệ thống pháp lí hiện nay của chúng ta chưa cao. Sự cố tình «đội nhầm mũ» này trên thực tế chỉ là «trò chơi» của các nhà đầu tư trong mục tiêu tạo sự «an toàn» trong kinh doanh.

Để cho hệ thống các DN nói chung và DN ở nông thôn nói riêng sớm đi vào hoạt động có hiệu quả và lành mạnh nhà nước cần phải sớm có những biện pháp chấn chỉnh hiện tượng này. Các giải pháp trước mắt là phải tổ chức tuyên truyền, đào tạo, nâng cao hiểu biết pháp luật cho các nhà đầu tư, cải tiến hệ thống đăng kí kinh doanh theo hướng nâng cao khả năng hỗ trợ tư vấn và giám sát pháp lí đối với doanh nghiệp.


[1] Luật doanh nghiệp 2005 và Nghị định 90/2005/NĐ-CP phân doanh nghiệp thành 9 loại.

[2] Tất nhiên, sự yếu kém của thị trường chuyển nhượng doanh nghiệp còn có những nguyên nhân khác nữa như những quy định về phá sản doanh nghiệp, vấn đề định giá doanh nghiệp…

Tin khác