Trung Quốc đã kích cầu như thế nào?

03/09/2009

AGROINFO - Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra vào năm 2008 được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá như một “cơn sóng thần” chấn động kinh tế toàn cầu, mà gần một trăm năm nhân loại mới phải đối mặt...

Cuộc khủng hoảng này đã đặt cả thế giới, từ các siêu cường kinh tế cho đến các quốc gia đang phát triển trước thách thức lịch sử: đứng vững và vượt qua sự khủng hoảng có tính hệ thống. Khủng hoảng không chỉ là nguy cơ sụp đổ mà còn được đánh giá là cơ hội để các cường quốc kinh tế thực hiện “hoán đổi vị trí” trong cuộc đua kinh tế tổng lực. Thực tiễn cho thấy, mỗi một quốc gia có một chiến lược riêng nhưng đều dùng đến  “gói kích cầu” như một “vũ khí chủ lực” để phục hồi nền kinh tế.

 
Gói kích cầu của Trung Quốc trị giá hơn 4000 tỷ NDT, tương đương 586 tỉ USD

Trong khi Mỹ công bố thông tin về gói kích cầu 787 tỉ USD hết sức công khai thì Trung Quốc lại tỏ ra hết sức kín đáo với chương trình hành động của mình. Sự im lặng của người Trung Quốc có thể là một chiến thuật của họ trong cuộc đua vươn lên làm siêu cường kinh tế, cũng có thể đó chỉ là “đòn nghi binh” và sẽ còn nhiều chiêu thức chưa lộ diện? Sự thật của gói kích cầu kích cầu trị giá hơn 4 nghìn tỉ NDT (tương đương 586 tỉ USD) vẫn là ẩn số đối với thế giới bên ngoài. Sự bí mật trong chính sách kích cầu của Trung Quốc dẫn đến mọi thông tin xung quanh nó trở thành những luồng dư luận khác biệt, nhiều khi đối lập.

Con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc nói chung và chính sách kích cầu của Chính phủ Trung Quốc nói riêng, có những nét tương đồng với tiến trình phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay. Do đó, thực tiễn của Trung Quốc sẽ chứa đựng nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Với mục đích cung cấp thông tin, xây dựng nguồn tài liệu tham khảo cho các cấp quản lý, hoạch định và quyết định chính sách, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiêp - Nông thôn (IPSARD) thực hiện bản tin tham khảo “Chính sách kích cầu của Trung Quốc”.

Trong bối cảnh dư luận đa chiều, đa định hướng, bản tin tham khảo này sẽ đưa ra nhiều quan điểm đánh giá để tạo ra sự tương tác thông tin. Bản tin gồm có 4 bài viết: “Tìm hiểu về gói kích thích tăng trưởng của Trung Quốc”; “Chính sách kích cầu của Trung Quốc – những con số nhìn từ nước Nga”; “Thời cơ Trung Quốc tiến hành kích cầu kinh tế: Vẫn nhiều trăn trở”; “Phương án kích cầu kinh tế mới: lựa chọn cơ hội để phát triển. Đây là những góc nhìn đại điện cho những quan điểm, lập trường khác nhau về cùng một vấn đề.

-Bài viết Tìm hiểu gói kích cầu của Trung Quốc” của GS Barry Naughton – Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Trung Quốc quốc tế (Sokwanlok) thể hiện một quan điểm đánh giá độc lập về chính sách kích cầu của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đang thực hiện chính sách kích cầu để tăng vài trò của Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế. Chính phủ Trung Quốc đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, phát triển công nghiệp và thúc đẩy các các chương trình đầu tư ở các địa phương. GS Barry Naughton cũng đặt ra vấn đề thâm hụt ngân sách quốc gia và những quan ngại về lạm phát.

-“Chính sách kích cầu của Trung Quốc – những con số nhìn từ nước Nga” là những số liệu được tổng hợp từ hai tạp chí kinh tế uy tín: “External Economic Relations Magazine” và “Economics of Agriculture of  Russia”. Những thông tin này thể hiện bối cảnh kinh tế đang  suy thoái của Trung Quốc buộc nước này phải thực hiện gói kích cầu. Quan điểm của các chuyên gia kinh tế  Nga cho rằng nguyên nhân khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc bắt nguồn từ sự suy thoái của hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, người Nga cho rằng Trung Quốc đang kích cầu kinh tế theo “hướng Xã hội chủ nghĩa” để vừa thoát khỏi khủng hoảng, vừa giải quyết các vấn đề xã hội nóng bỏng mà quá trình phát triển vừa qua đã gây nên.

- Phương án kích cầu kinh tế mới: lựa chọn cơ hội để phát triển “Thời cơ Trung Quốc tiến hành kích cầu kinh tế: vẫn nhiều trăn trở: Đây là những đánh giá của các chuyên gia Trung Quốc về hiện trạng kinh tế Trung Quốc sau khi thực hiện gói kich cầu lần thứ nhất. Các quan điểm khác nhau về việc có nên thực hiện chính sách kích cầu mới? lựa chọn phương án nào để thực hiện?... thể hiện những đánh giá khác nhau bắt nguồn từ thực tiễn. Đánh giá “thời cơ” và bàn về “phương án” kích cầu, Chính phủ Trung Quốc đang tìm một hướng kích cầu tối ưu để thực hiện mục đích của mình. Quan điểm của cả Chính phủ lẫn các đánh giá từ các chuyên gia kinh tế đều thể hiện rõ hướng đi “chú trọng chuyển phương án kích cầu mới sang tiêu dùng”...

 Với những thông tin đa chiều, đa nguồn, hy vọng bản tin tham khảo “Chính sách kích cầu của Trung Quốc” sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích.

AGROINFO

Tin khác