Chị Nguyễn Thị Huệ, phường Nam Cường – Thành phố Lào Cai: Chuyển sang phi nông nghiệp – gia đình còn vất vả hơn.
|
Lên phố, gia đình tôi còn vất vả hơn.. |
Nhà tôi có 4 nhân khẩu, vợ chồng cùng hai con. Gia đình là hộ phi nông nghiệp giống nhiều hộ khác thuộc phường. Chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp sang từ đầu năm 2001 theo chủ trương của nhà nước, tới nay còn gặp rất nhiều khó khăn do không quen với cuộc sống và hoạt động trên phố phường.
Thu nhập hàng ngày của cả gia đình tôi phụ thuộc vào hai vợ chồng, trông chờ vào hoạt động làm công nhân nhà máy của chồng và tiền tôi chạy chợ bán rau, cá, thịt. Một ngày làm việc trung bình hai vợ chồng kiếm được khoảng 40 nghìn đồng, một tháng khoảng 1,2 triệu. Nhưng mức chi phí sinh hoạt trên phố khá đắt đỏ so với làm nông nghiệp trước đây.
Trước năm 2001, nhà có 3 sào vườn và 5 sào ruộng (1 sào =360m2), vừa trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gà, lợn tính trung bình tháng cũng được khoảng 1,2-1,5 triệu mà không phải chi phí nhiều cho sinh hoạt như bây giờ.
Ngoài chi phí sinh hoạt ăn uống hàng ngày phải chi tiêu bằng tiền (trước đây có thể sử dụng các sản phẩm sản xuất từ nông nghiệp của gia đình), hai con trai gái trong độ tuổi đi học (đứa lớp 3, đứa lớp 7) với chi phí học hành, đóng góp xây dựng, học thêm… thì còn chi phí thuế đất đai, đóng góp phường, hội… Tôi cảm thấy từ ngày được “lên phố”, gia đình ngày càng vất vả hơn, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất trong nhà cũng đang được cải thiện.
|
"Phi nông nghiệp", người dân cần có "nghề cầm tay" |
Năm 2009, do dân cư ở khu vực đã đông dần lên nên cũng có điều kiện hơn để buôn bán, làm thêm nên thu nhập có nhiều khả năng sẽ tăng hơn một chút so với 2008. Năm 2010 dự định mở một cửa hàng nhỏ ở nhà buôn bán đồ lặt vặt để khỏi phải chạy chợ hàng ngày và ổn định thu nhập hơn. Nhưng do vẫn chưa thực sự quen với đời sống trên phố nên mong muốn được hỗ trợ nhiều từ nhà nước. Muốn địa phương tạo nhiều công việc hơn cho chị em phụ nữ để ổn định kinh tế, muốn Nhà nước giảm học phí học hành cho các cháu, muốn giảm phí đất đai, các khoản đóng góp để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình.
Anh Lê Xuân Nam, phường Nam Cường – Lào Cai: Chuyển đổi từ Nông nghiệp sang Phi Nông nghiệp là việc làm đúng đắn
|
Chuyến sang phi nông nghiệp, gia đình tôi đã khá hơn |
Gia đình anh có 3 người với 1 vợ và 1 con nhỏ. Trước đây năm 2003, nhà anh có 3 sào ruộng cho hai vợ chồng canh tác thu nhập thấp, chỉ đủ ăn qua ngày và vay mượn quanh năm. Từ năm 2003 trở lại đây, theo quy hoạch tái định cư của Nhà nước, anh Cường bỏ ruộng và được phân một mảnh đất nhỏ mặt đường ở xã Nam Cường từ đó cuộc sống dễ dàng hơn với vợ chồng anh.
Tìm kiếm vay mượn bạn bè và tiền tiết kiệm, anh mở một cửa hàng sửa chữa xe máy, vợ anh chạy chợ cửa khẩu biên giới Lào Cai hàng ngày nên thu nhập của gia đình cao hơn hẳn. Giờ anh đã trả hết nợ, có đủ nhà cửa đẹp, trong nhà có đầy đủ các thiết bị TiVi, Đài, nồi cơm điện, … Với mức thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, cả gia đình 3 người của anh đủ chi tiêu và đủ tiết kiệm một phần để lo các việc lớn sau này.
Năm 2009, anh Nam cho rằng tình hình sẽ còn tiếp tục khả quan hơn do lượng người ở xã sẽ tăng lên, giao thông thuận lợi, việc hoạt động cửa hàng của anh sẽ mạnh hơn đồng thời việc chạy chợ của chị sẽ dễ dàng hơn nên thu nhập có thể sẽ tiếp tục tốt hơn nữa. Anh cho rằng, việc chuyển đổi hộ gia đình anh từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp của tỉnh là một hành động đúng đắn và chính xác. Nếu còn tiếp tục làm nông nghiệp có lẽ anh sẽ ko thể được như bây giờ.
Cuộc sống gia đình anh thuộc loại khá so với dân trong vùng, do có thể anh hợp cách làm ăn sinh sống phi nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại chi phí ngày càng tăng do giá cả tăng, đóng góp, hiếu hỉ… không gây khó khăn cho gia đình anh nhiều nhưng anh lo cho các trường hợp khác không được như gia đình anh. Anh Nam mong muốn nhà nước tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, mở lớp dạy nghề miễn phí cho dân để dân có cuộc sống ổn định, tránh tệ nạn xã hội nảy sinh để gia đình anh cũng yên tâm làm ăn hơn nữa.
Chị Nguyễn Thị Thịnh - 45 tuổi phường Nam Cường, TP Lào Cai: Chuyển sang phi nông nghiệp, nhà gặp nhiều khó khăn
|
Điều kiện sinh hoạt đã được cải thiện, nhưng giá cả đắt đỏ hơn, gia đình tôi cũng gặp không ít khó khăn |
Gia đình chuyển đổi từ hộ nông nghiệp sang phi nông nghiệp vào năm 1998. Trước đây nhà cũng có khá nhiều đất đai, ao cá, nhưng từ lúc chuyển sang trở thành hộ phi nông nghiệp và di chuyển sang phường Nam cường sinh sống, do không có việc làm ổn định nên gia đình gặp khá nhiều khó khăn.
Gia đình hiện tại có 6 người, ngoài hai vợ chồng còn có 4 đứa con với 2 đứa đang trong độ tuổi đi học còn hai đứa học xong (hết lớp 12) thì cũng chưa kiếm được việc làm. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào hai vợ chồng đi làm thuê (tháng khoảng hơn 1 triệu đồng) phục vụ cho 6 miệng ăn, các khoản chi phí học hành và đóng góp hàng tháng của gia đình .
Gia đình vẫn chưa quen với việc làm phi nông nghiệp mặc dù đã chuyển đổi gần 10 năm nay nên cảm thấy khó khăn hơn. Gia đình có 4 người trong độ tuổi lao động nhưng không kiếm được việc làm nền hai bố mẹ vẫn đi làm thuê, con cái vẫn thất nghiệp. Chị cho rằng không có việc làm là tình trạng chung, ở đây rất nhiều nhà trong cùng hoàn cảnh đó do nhà nước chưa tạo nhiều việc làm đủ để mọi người làm việc.
Mong muốn của chị là các khoản thuế đất cát cần giảm xuống, các khoản sinh hoạt phí như điện, nước, đóng góp thì nhà nước cần hỗ trợ cho những xã vùng xa như Nam Cường để dân có điều kiện sống tốt hơn. Mong nhà nước tạo nhiều việc làm cho dân hơn, đặc biệt là việc làm phù hợp với chị em phụ nữ vì ở vùng này đa số phụ nữ thất nghiệp do không có việc làm phù hợp.
AGROINFO/Quốc Chinh (thực hiện)