AGROINFO – Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiêp hội Cà phê - ca cao Việt Nam cho rằng: “Trong kinh doanh không nên để lộ cho khách hàng biết giá thành phẩm vì đối tác nước ngoài thường hay lợi dụng thông tin này để dìm giá…”
|
Người trồng cà phê chưa được hưởng lợi đúng mức |
Trong kinh doanh, không nên để lộ cho khách hàng biết giá thành phẩm vì đối tác nước ngoài thường lợi dụng thông tin này để dìm giá, chính vì vậy, việc công bố giá thành là không nên. Hiện nay chưa có khảo sát chính thức để đưa ra giá trung bình sản xuất cà phê. Việc đưa ra giá thành thời điểm này giống như hình ảnh “thầy bói xem voi”. Trong kinh doanh, người bán muốn bán giá cao, người mua muốn mua giá thấp. Trong trường hợp thu mua cà phê lần này, người mua – người bán cần nhìn vào lợi ích tổng thể của Việt Nam chứ đừng tách rời lợi ích người trồng cà phê và người đi bán. Hai bên phải căn cứ vào giá thị trường để chia sẻ lợi ích với nhau lúc khó khăn và khi có lãi. Đây là một hình thức phân chia lợi nhuận hoặc lỗ. Điều này đòi hỏi sự hợp tác, liên kết giữa nhà sản xuất và nhà xuất khẩu, và liên kết các nhà xuất khẩu với nhau.
Hiện tại ở Việt Nam, 12 nhà nhập khẩu lớn trên thế giới có đại diện ở Việt Nam, họ rất thống nhất để mua cà phê và điều chỉnh giá cà phê Việt Nam. Trong khi chúng ta có 146 nhà xuất khẩu nhưng tinh thần hợp tác lại chưa cao, cho nên chúng ta không tranh thủ được lợi thế. Chúng ta là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, nhưng không chi phối được giá thế giới. Đó là thiệt thòi cho chúng ta.
Chúng tôi đang kiến nghị với các bộ là nên hình thành một cơ chế, mô hình nào đó để bảo vệ quyền lợi chung. Tất nhiên, chúng ta buôn bán với thế giới thì cũng phải nghĩ đến lợi ích của đối tác. Chúng ta biết rằng, cả thế giới buôn bán cà phê nhân chỉ khoảng 12-13 tỷ USD/ năm, nhưng cà phê đã chế biến lại là 70 tỷ USD/năm. Lợi nhuận nằm ở khâu chế biến, phân phối (người mua) còn người trồng thì lời rất ít. Vì vậy, người trồng cà phê và nhà xuất khẩu cà phê phải liên kết, bàn bạc với các nhà xuất khẩu, rang, xay… để có phần lợi nhất định giúp ngành cà phê phát triển bền vững.
Chúng tôi đang kiến nghị với Chính phủ trong vụ tới (vụ này sắp kết thúc) vào tháng 10/2009, Chính phủ hỗ trợ lãi suất 10% để mua khoảng 200.000 tấn cà phê, giúp nông dân có thể gửi cà phê vào kho của nhà xuất khẩu và không phải chịu lãi. Các nhà thu gom sẽ bán theo tình hình thị trường, bán được đến đâu thì trả lại cho nông dân đến đó. Còn nếu áp dụng cơ chế dự trữ như Brazin thì cũng có cái hay, trước kia chúng ta đã làm 1- 2 năm nhưng không hiệu quả lắm. Hiện, Brazin có một quỹ dự trữ khoảng 900 triệu USD. Theo mô hình này, Chính phủ sẽ đặt một mức giá hợp lý (người trồng có lời), nếu thị trường trường xuống dưới giá quy định, ví dụ vụ này mua 303,5 Real/bao, cao hơn giá thị trường 21,4% giữ hợp đồng quyền chọn giá chênh lệch do Chính phủ tổ chức đấu giá được áp dụng giá bán cho dự trữ. Đến nay, Chính phủ Brazin đã đấu giá được hơn 3 triệu bao (60kg một bao) cho niên vụ này, góp phần giữ giá cà phê ổn định.
Các doanh nghiệp cần lưu ý, không nên bán hàng với với thời gian giao hàng quá xa. Trước kia, có những doanh nghiệp từ đầu năm đã bán hàng cách đó 6-7 tháng rồi trong khi đó doanh nghiệp chưa nắm được hàng, chưa nắm được hết thị trường. Nếu không cẩn thận thì doanh nghiệp sẽ rơi vào tình cảnh giống như việc “lùa đàn cừu vào trong chuồng”, các nhà nhập khẩu sẽ kéo giá xuống dưới mức đã ứng thì doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng, làm doanh nghiệp thiệt thòi. Cho nên doanh nghiệp chỉ nên bán hàng cách 3 tháng để có đủ thông tin đón bắt thị trường, chuẩn bị nguồn hàng.
Các doanh nghiệp phải liên kết với nhau để làm sao xác định trong tháng Việt Nam chỉ bán ra thị trường thế giới một lượng hàng nhất định, không nên bán ồ ạt sẽ kéo giá xuống.
Theo TBKTVN