Thực hiện kích cầu của Chính phủ: Nông nghiệp, nông thôn được lợi gì?

08/01/2009

Chúng tôi đi về cơ sở ở nông thôn nhiều người hỏi một vấn đề rất thiết thực: "Nghe nói Chính phủ đang có kế hoạch trọn gói kích cầu 110.000 tỷ đồng. Chúng tôi chẳng hiểu kích cầu là gì? Vì sao lại phải kích cầu? Còn nếu kích cầu là để phát triển sản xuất, tăng thêm sức mua tiêu dùng thì khu vực nông nghiệp - nông thôn được lợi gì? Câu hỏi tưởng dễ nhưng trả lời cho đúng chủ trương, đúng thực tế và dễ hiểu không đơn giản chút nào...

Một thực tế chúng ta dễ nhận thấy là lúa gạo, thịt lợn ở nông thôn không bán được. Các làng nghề mây tre đan xuất khẩu tiêu điều, nhiều nơi tạm dừng hợp đồng. Trong thôn xóm chẳng mấy ai kiến thiết xây dựng mặc dù giá thép, giá xi măng và gạch giảm hơn mùa xây dựng năm trước (bắt đầu từ mùa đông - xuân mát trời). Lại thấy con em đi làm ở thành phố trở về rất đông. Trong khi sản xuất vụ đông xuân năm nay xuất hiện những cánh đồng hoang cỏ mọc. Nguyên nhân bà con nông dân không thiết tha làm vụ đông vì giá cả phân bón cao, mà giá nông sản thấp, thậm chí không bán được.

Trước hết vì sao Chính phủ phải kích cầu? là vì 11 tháng qua nạn lạm phát đã được kìm chế, nhưng cũng như "uống thuốc tây có tác dụng phụ". Chỉ số giá liên tục giảm âm trong 2 tháng liên tục và tháng 12 này theo dự báo cũng sẽ âm. Giá giảm, hàng hóa bán không được, là do tác động phần lớn suy thoái kinh tế toàn cầu, do trong nước sản xuất kém, sức mua kém. Tất cả là dấu hiệu suy thoái nền kinh tế.

Theo tính toán của các chuyên gia trong điều kiện một nước như nước ta dân số tăng một năm một triệu người thì ít nhất mức tăng trưởng phải đạt 4% năm mới giữ mức sống không bị tụt. Huống hồ là suy thoái. Để ngăn chặn sự suy thoái kinh tế trong năm 2009 tới ta phải uống thuốc phòng (quy định của thế giới nếu 2 quý liên tục bị giảm âm thì chính thức bước vào suy thoái).

Nhưng vì sao sức mua giảm lại là một biểu thị của sản xuất giảm. Vì sản xuất hàng hóa mà đầu ra không tiêu thụ được thì chẳng ai tiếp tục sản xuất. Bà con không trồng ngô vụ Đông, không nuôi lợn đàn và không dám đầu tư cao để lấy năng suất cao của lúa đông xuân sắp tới là một ví dụ.

Vậy vùng nông thôn được kích cầu thì chẳng những tạo điều kiện sản xuất mà còn thị trường để tiêu thụ hàng hóa công nghiệp. Trong 83 triệu người Việt Nam hiện nay thì vùng nông thôn chiếm trên 55 triệu người. Nông dân không bán được lúa, lợn và nông sản khác thì không mua sắm được gì kể cả Tết nguyên đán. Do đó, các cơ sở sản xuất, dịch vụ cũng theo đó mà điêu tàn. Sản xuất giảm, nông thôn còn có nguy cơ người đi làm thuê, đi công nhân theo hợp đồng lại trào về nơi xuất phát.

Vậy Chính phủ sẽ kích cầu về nông nghiệp - nông thôn ở lĩnh vực nào? Xin nói ngay, kích cầu lần này khác với thời bao cấp thường hỗ trợ giá, là "xin cho" mà vay và trả (mặc dù lãi suất có thể giảm hơn) vào các lĩnh vực hạ tầng làm chính.

Hiện thời trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn có hai vấn đề bức xúc đang nổi lên: có một lượng sản phẩm nông nghiệp đang dư thừa như lúa gạo, cao su, cà phê. Nhà nước cần có chính sách mua hết số sản phẩm, hàng hóa trên cho nông dân. Một vấn đề quan trọng khác là nhiều vùng, nhất là những nơi bị bão lũ, thiên tai dịch bệnh họ đang thiếu vốn sản xuất, thiếu giống cây trồng vật nuôi, vật tư, phân bón... vì vậy cũng cần được quan tâm từ nguồn vốn kích cầu trên để nông dân yên tâm sản xuất.

Cụ thể Chính phủ giao cho các công ty lương thực trong vòng 2 tháng, đến 28/2/2009 phải mua hết lượng gạo tương đương 1 triệu tấn lúa cả hai vụ hè thu và thu đông còn tồn đọng trong dân; số tiền 3.500 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay và hỗ trợ 100% lãi suất. Đồng thời cho vay để xây dựng kho chứa và hệ thống giao thông vận tải.

Trong nhóm giải pháp thứ tư về an sinh xã hội, Chính phủ sẽ đặc biệt chú ý đến cơ chế chính sách với việc xoá đói giảm nghèo. Về cơ chế sẽ có sự đổi mới, như vấn đề bảo hiểm và xây dựng các chính sách ưu đãi cho 61 huyện nghèo nhất nước, rồi xem xét lại, tính toán lại chuẩn nghèo cho phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.

Tăng các trợ cấp an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, giảm học phí, viện phí, khuyến khích các chương trình tạo việc làm mới trong xã hội từ các quỹ phù hợp; quan tâm hỗ trợ hợp lý, trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều khi Nhà nước điều chỉnh tăng giá.

Đặc biệt sẽ thực hiện đầy đủ các chính sách đã ban hành về hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo; Hỗ trợ cho học sinh là con em ở vùng kinh tế khó khăn, con em thuộc đối tượng chính sách xã hội; tiếp tục chính sách cho vay ưu đãi đối với sinh viên, học sinh các trường đào tạo nghề.

Trong nhóm ưu tiên đầu tiên đẩy mạnh xuất khẩu thì vùng nông thôn được hỗ trợ cho các làng nghề. Trong kích cầu tiêu dùng thì nông dân được hưởng lợi qua giá sắt thép, xi măng, các loại vật liệu xây dựng, xăng dầu, phân bón... nhờ Nhà nước mua sản phẩm "thừa" mà họ tiếp tục sản xuất, nhập khẩu với giá rẻ.

Việc kích cầu ở nông dân, nông nghiệp, nông thôn không chỉ ở nước ta mà Trung Quốc họ cũng đã và đang làm như vậy. Trong gói 40.000 tỷ NDT được đầu tư vào lĩnh vực này họ phân như sau: 280 tỷ cho xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, thí điểm nhà xuống cấp nguy hiểm ở nông thôn; 370 tỷ cho các công trình khí sinh học, nước uống và đường sá ở nông thôn; lưới điện nông thôn, thủy lợi, xoá đói giảm nghèo; 1.000 tỷ tái thiết sau thiên tai (trợ cấp nông cụ, hạt giống, trợ cấp vốn và bảo hiểm xã hội) cho những người thu nhập thấp ở nông thôn.


(Nguồn: Công an Nhân dân)

Tin khác