Lai Châu: Tin vui và trăn trở cho công tác khuyến nông tại địa bàn khó khăn

04/03/2009

Những ngày cuối năm 2008, người làm công tác khuyến nông vui mừng kỷ niệm 15 năm thành lập hệ thống khuyến nông, khuyến ngư trong cả nước. Trải qua 15 năm hoạt động tổ chức khuyến nông không ngừng được củng cố và phát triển. Mỗi năm hàng chục nghìn mô hình trình diễn trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngành nghề nông thôn được các tổ chức khuyến nông cùng bà con nông dân xây dựng triển khai có hiệu quả, năng suất vượt trội từ 15 - 30% so với sản xuất truyền thống.

Cùng với việc xây dựng mô hình trình diễn, công tác đào tạo, huấn luyện tay nghề cho nông dân trên khắp đất nước cũng được chú trọng góp phần không nhỏ nâng cao trình độ sản xuất và thu nhập cho người dân. Đặc biệt là giúp cho họ tiếp cận với các nhà khoa học và những giống cây trồng, vật nuôi mới dần thay đổi các biện pháp canh tác truyền thống kém hiệu quả. Tuy vậy nhiều mô hình trình diễn chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của người dân, dẫn đến nông dân thiếu thiện chí cộng tác, thường trông chờ nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước mà quên đi mục đích chính của khuyến nông là "cho cái cần câu chứ không cho con cá". Do vậy các mô hình ít được nhân rộng mà chủ yếu tập trung ở những vùng có điều kiện thuận lợi về giao thông và các hộ tham gia có điều kiện khá giả. Khuyến nông chưa thực sự đến được với người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Với mục tiêu góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao mức an sinh xã hội, ngày 4/12/2008, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 162/2008/QĐ-TTg trong đó quy định hỗ trợ 100% về kinh phí cho các mô hình khuyến nông, khuyến ngư vùng khó khăn. Bên cạnh đó còn hỗ trợ 100% về tài liệu, chi phí đi lại ăn ở cho người sản xuất và nhân viên khuyến nông, khuyến ngư ở các địa bàn khó khăn tham dự các lớp tập huấn, đào tạo do các tổ chức khuyến nông TW, địa phương tổ chức. Vậy là cùng với các chương trình lớn như: 134, 135, Quyết định: 289, 965 của Chính phủ đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực thì với Quyết định này sẽ thực sự là chìa khoá vàng mở ra cánh cửa cho hoạt động khuyến nông vùng khó khăn, chúng ta có đủ điều kiện để vươn tới cả những vùng sâu, vùng xa, khắc phục được những hạn chế, tồn tại bấy lâu về vấn đề kinh phí đối ứng trong triển khai mô hình trình diễn. Đồng thời phát huy hiệu quả về chính sách an sinh xã hội cũng như cam kết của Việt Nam khi ra nhập WTO trong lĩnh vực hỗ trợ và phát triển nông nghiệp. Nhiều tổ chức, cá nhân sẽ hiểu rõ hơn vai trò lợi ích khuyến nông mang lại.

Nhìn lại cơ hội đó chúng ta vững tin hơn cho hoạt động công tác khuyến nông vùng cao, những giọt mồ hôi sẽ đổ nhiều hơn để chúng ta vượt núi băng rừng đến với người nghèo thông qua các lớp tập huấn cũng như các mô hình khuyến nông sẽ được triển khai. Họ sẽ có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và những chân trời tri thức mới. Tuy nhiên trong một giới hạn nào đó Quyết định này phải đòi hỏi chi tăng thêm nguồn ngân sách TW và điạ phương. Đồng thời phải tuyên truyền, vận động, khơi dậy được tính chủ động của người nông dân trong việc triển khai mô hình. Hơn lúc nào hết chính quyền cơ sở và Khuyến nông viên phải thấy rõ trách nhiệm và khó khăn trước mắt trong việc phát huy truyền thống tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm của dân tộc mình để vượt qua đói nghèo.

Một thực tế tại cơ sở là khi mô hình khuyến nông triển khai, chính quyền xã thường ưu tiên hộ gia đình cán bộ, sau đó đến anh em họ hàng nhà mình theo thói quen đã là chính sách thì mỗi người hưởng một chút, dẫn đến mô hình giàn trải, khó kiểm soát. Đồng thời bà con nông dân thấy không phải đóng góp nên thường chưa xót ruột với công sức và đất đai mình bỏ ra. Vì thế "Quyết định hay thì cần phải có cách làm thật khéo", nếu không hiệu quả sẽ không cao, sức lan toả của mô hình vẫn là tiêu chí hàng đầu trong hoạt động công tác khuyến nông.

Hiện nay tỉ lệ đói nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo vẫn chiếm tỷ lệ cao so với cả nước một phần cũng xuất phát từ việc giao thông đi lại khó khăn, ý thức và nhận thức của người dân còn hạn chế, tư tưởng ỉ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn khá phổ biến. Một bộ phận cán bộ và chính quyền địa phường còn chưa theo kịp được sự phát triển của xã hội, dẫn đến lạc hậu tương đối so với tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong nông nghiệp, nông thôn mà Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn. Đó chính là thách thức không nhỏ cho việc thực hiện Quyết định 162/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, nâng cao ý thức của người dân, sử dụng tốt nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ. Đồng thời xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở vững mạnh, góp phần tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo ở địa bàn khó khăn, thông qua hoạt động công tác khuyến nông.


(Nguồn: www.khuyennongvn.gov.vn)

Tin khác