Đánh giá tiềm năng kinh tế và tác động xã hội của việc trồng và chế biến cây cao su tại Tây Bắc

30/03/2009

Đánh giá tiềm năng kinh tế và tác động xã hội của việc trồng và chế biến cây cao su tại Tây Bắc là một trong 5 ưu tiên nghiên cứu năm 2009 của dự án này. Cây cao su có ý nghĩa to lớn đối với việc góp phần xoá đói giảm nghèo, là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

BỐI CẢNH

Nhằm hỗ trợ công cuộc xoá đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn vùng cao Việt Nam, Chính phủ Đan Mạch đã tài trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 5 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Đắc Lắc và Đắc Nông dự án ”Hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn (ARD SPS) giai đoạn 2007-2012”. Mục tiêu phát triển của dự án là giảm đói nghèo ở vùng nông thôn, đặc biệt là giữa các dân tộc thiểu số, thông qua phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, đặt trọng tâm vào các khu vực miền núi. Mục tiêu ngắn hạn là "Phúc lợi của các hộ gia đình nông thôn miền núi tăng trưởng bền vững nhờ cải thiện công tác quản lý nguồn lực, hoạt động sản xuất và marketing trong nông nghiệp, chú trọng tới nông dân nghèo miền núi, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số”. Dự án gồm 2 hợp phần là Hợp phần Trung ương do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện và Hợp phần tỉnh do 5 tỉnh dự án thực hiện. Hợp phần Trung ương gồm 2 tiểu hợp phần. Tiểu hợp phần 1 “Xây dựng chính sách và chiến lược” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện và Tiểu hợp phần 2 ”Các phương pháp tiếp cận mới cho sinh kế vùng cao” do Vụ Khoa học, Công nghệ & Môi trường thực hiện.

Hiện nay, các nghiên cứu kinh tế chính sách cho NN và PTNT miền núi còn rất hạn chế, tản mạn và không theo chương trình dài hạn. Điều này hạn chế hiệu quả, tính khả thi của các đề xuất chính sách cho khu vực này. Chính vì vậy, dự án đã dành ngân sách riêng cho các nghiên cứu về chính sách và kinh tế xã hội cho khu vực và sẽ thành lập một Nhóm các cơ quan nghiên cứu tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện các nghiên cứu chính sách nông nghiệp nông thôn vùng cao của Tiểu hợp phần 1.

Đánh giá tiềm năng kinh tế và tác động xã hội của việc trồng và chế biến cây cao su tại Tây Bắc là một trong 5 ưu tiên nghiên cứu năm 2009 của dự án này. Cây cao su có ý nghĩa to lớn đối với việc góp phần xoá đói giảm nghèo, là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Ngoài sản phẩm chính là mủ, nguồn gỗ từ việc chặt bỏ cây cao su già cỗi để trồng mới còn là một nguồn nguyên liệu quý giá để sản xuất đồ gia dụng và nội thất, đặc biệt khi nguồn gỗ tự nhiên ngày càng hiếm. Ngành cao su là ngành hàng có tiềm năng lớn trong xuất khẩu. Ngoài ra, cây cao su còn có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là khi cây cao su được trồng trong vùng rừng ở nhiều vùng miền núi. Trước tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm gần đây, ba nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới (Thái Lan, Indonesia, Malaysia) đều cắt giảm sản xuất trong năm 2009. Trong khi đó, tiềm năng phát triển cao su tại Việt Nam vẫn còn rất lớn với 27% diện tích cao su chưa được khai thác. Việc đưa cây cao su lên trồng tại các vùng núi phía Bắc có thể là một trong những giải pháp quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển nông thôn ở khu vực này. Tỉnh Vân Nam Trung Quốc có điều kiện tương tự như các tỉnh vùng núi phía Bắc của Việt Nam cũng đã phát triển thành công sản xuất cao su.

Chính phủ hiện có chủ trương phát triển cây cao su lớn ở miền núi phía Bắc, tuy nhiên khả năng thích nghi và tác động kinh tế xã hội đến các khu vực này vẫn chưa rõ

Vì vậy, nghiên cứu đánh giá tiềm năng kinh tế và tác động xã hội của việc trồng và chế biến cây cao su tại Tây Bắc là rất cần thiết để tận dụng cơ hội bên ngoài, và cơ hội bên trong khi ngành cao su đang bước vào thời kỳ tăng trưởng sản lượng, hỗ trợ tạo thu nhập và việc làm cho dân nghèo miền núi phía Bắc.

NỘI DUNG

- Tổng hợp thông tin tình hình sản xuất cao su TQ

- So sánh hiệu quả kinh tế và lợi thế so sánh của trồng cao su ở phía Bắc VN với Vân Nam TQ

- So sánh hiệu quả kinh tế của việc trồng cây cao su với một số cây trồng điển hình khác ở vùng Tây Bắc VN với sự phối hợp của chuyên gia TQ

- Đánh giá tác động xã hội vùng núi Tây Bắc (xóa đói giảm nghèo, lao động, ...)

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

- Thu thập, tổng hợp thông tin, kết quả nghiên cứu, số liệu thứ cấp của Việt Nam và Trung Quốc (kết hợp với chuyên gia Trung Quốc)

- Khảo sát thực địa, đánh giá hiệu quả kinh tế của việc trồng cây cao su và một số cây trồng khác

- Khảo sát thực địa tác động xã hội các hộ sản xuất cao su.

- Phỏng vấn, trao đổi chuyên gia

- Xử lý số liệu bằng phương pháp phân tích định lượng

THỜI GIAN NGHIÊN CỨU

Thời gian thực hiện nghiên cứu từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2009

YÊU CẦU NHÓM NGHIÊN CỨU

- Tiến hành nghiên cứu theo đúng tiến độ của kế hoạch

- Thực hiện hoạt động nghiên cứu dưới sự giám sát của chuyên gia giám sát

- Đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu quy định

- Báo cáo và giao nộp sản phẩm đúng thời hạn


(IPSARD)

Tin khác