Giới thiệu một số nghiên cứu điển hình về thực hiện ĐMC liên quan đến nông nghiệp phát triển nông thôn của Việt Nam

31/03/2009

Kể từ khi ra đời tại Mỹ đầu những năm 1970, quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chủ yếu áp dụng cho các dự án phát triển tại những địa điểm cụ thể. Tuy nhiên, ĐTM ở cấp dự án thường không đủ để ra quyết định có quy mô rộng lớn. Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) dựa vào một quá trình có hệ thống đánh giá các tác động của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đối với môi trường. Bản chất của ĐMC là đánh giá các tác động của CQK về mặt môi trường để xác định hiệu quả của chúng. Việc đánh giá này nhằm đảm bảo những vấn đề môi trường đều được xem xét cặn kẽ và giải quyết thích đáng ở giai đoạn đầu của việc lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (CQK). Ngoài ra, chính sách và chương trình môi trường cần được đánh giá định kỳ về hiệu quả và có thể được điều chỉnh để phục vụ tốt hơn các ưu tiên về môi trường.

Năm 2001, Liên minh Châu Âu đã ban hành Chỉ thị về ĐMC đòi hỏi mỗi năm phải thực hiện một số lượng lớn các báo cáo ĐMC tại 27 nước thành viên EU. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng tạo nên yêu cầu phải tiến hành các ĐMC trong quá trình ra các quyết định phát triển trong phạm vi các nước này. Tiếp theo đó, Ủy ban Kinh tế LHQ khu vực Châu Âu cũng đã ban hành Nghị định thư về ĐMC đính kèm theo Công ước về ĐTM xuyên biên giới (năm 2003) được ký kết bởi 37 nước tạo ra sự thay đổi lớn về việc bao gồm các đánh giá môi trường trong quá trình ra quyết định ở tầm vĩ mô. Sau đó, năm 2006 OECD/DAC đã xây dựng Hướng dẫn thực hành tốt về ĐMC trong hợp tác phát triển và được các nhà tài trợ chủ chốt ở Việt Nam chấp thuận làm tiền đề cho quá trình thực hiện ĐMC tại Việt Nam.

Khái niệm đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã trở nên khá quen thuộc ở Việt Nam, đặc biệt từ khi có Luật Bảo vệ Môi trường năm 1993 và được áp dụng được đối với các dự án đầu tư và các cơ sở đang hoạt động cho thấy có những kết quả nhất định. Đây là một cách tiếp cận đồng thời là một công cụ rất hữu hiệu trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường được thừa nhận trên toàn thế giới trong nhiều năm qua nhưng nó chủ yếu được áp dụng cho việc xem xét, quyết định các dự án đầu tư. Ở Việt Nam, do nhiều nét đặc thù và đặc biệt sau khi có luật Bảo vệ Môi trường năm 1993 thì ĐTM đã được coi như một công cụ không chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư mà còn cho cả các quy hoạch, kế hoạch… Trên thực tế, các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch là một phạm trù rộng lớn hơn nhiều và cũng có phạm vi bao trùm lớn hơn nhiều so với một dự án cụ thể nên đánh giá tác động môi trường lại không thể áp dụng được mặc dù đây là lĩnh vực rất cần có các đánh giá môi trường để góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững trong quá trình lập và thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch ở các cấp độ khác nhau. Các nhà khoa học, các nhà quản lí đều đã buộc phải thống nhất về điều này và cùng với sự phát triển của khoa học và thực tiễn về quản lý và bảo vệ môi trường trong những năm gần đây trên thế giới, rõ ràng cần phải tìm cách tiếp cận khác để xem xét các vấn đề về môi trường đối với các loại hình dự án về CQK phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, khái niệm đánh giá môi trường chiến lược đã ra đời và đang từng bước được áp dụng trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch ở Việt Nam. Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng tuyệt đại đa số các quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia có liên quan đến môi trường đều thống nhất về cách tiếp cận Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) là phù hợp đối với các loại hình dự án mang tính chất chiến lược này. Đây là một cách tiếp cận mới mặc dù cho đến nay đã có nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế áp dụng tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế là phương pháp luận và cách thức tiến hành ĐMC vẫn còn đang tiếp tục được tổng kết và hoàn thiện. Đối với Việt Nam - là một nước đang phát triển, công tác môi trường mới được quan tâm chưa lâu (Luật Bảo vệ môi trường 1993, sửa đổi năm 2005) nên khái niệm này còn mới hơn (mặc dù đã được thể hiện trong Luật) và hơn nữa việc áp dụng trên thực tế còn cần phải được xem xét, cân nhắc và điều chỉnh kĩ hơn để đảm bảo việc áp dụng ĐMC có hiệu quả và phù hợp với các đặc thù của quốc gia. Cho đến nay, có thể nói các hoạt động đánh giá môi trường chiến lược mới hầu như chỉ được thực hiện trong khoảng 5 năm trở lại đây và chủ yếu cũng là các hoạt động mang tính chất nghiên cứu hoặc thí điểm (được tài trợ) nhằm xây dựng cơ sở khoa học, phương pháp luận áp dụng ĐMC ở Việt Nam là chính chứ các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thực sự còn khá hiếm.

Xem báo cáo tại đây


(IPSARD)

Tin khác