Cơ giới hoá trên vựa lúa ĐBSCL chỉ đạt vài phần trăm

28/10/2009

AGROINFO - Ở ĐBSCL, vụ đông xuân có đến 1,5 triệu ha lúa được gieo sạ nhưng máy móc cơ giới hóa chỉ đáp ứng được trên 200.000ha. Trên nhiều cánh đồng, không tìm đâu ra người để thuê cắt lúa. Trong khi, bài toán cơ giới hóa thì còn bỏ ngỏ... TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL trao đổi với phóng viên VNN xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, mỗi khi mùa vụ đến lại xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân công cắt lúa. Đó là diện tích gieo trồng tăng hay do thiếu người?

Việc thiếu hụt nhân công thời gian qua có mấy vấn đề thế này... Đó là việc nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp mở ra đã thu hút nhiều lao động phổ thông, trẻ ở nông thôn. Họ bỏ vùng quê lên thành phố, thị xã tìm việc làm. Do đó, lao động trẻ ở nông thôn ngày càng ít đi.

Thứ hai, trước đây nông dân mình hay sạ gối đầu, nhân công gặt xong ruộng này sẽ sang ruộng kế tiếp. Nhưng những năm gần đây do tình hình rầy nâu và vàng lùn xoắn lá hoành hành dữ dội nên có chủ trương gieo sạ đồng loạt để tránh rầy. Chính vì gieo sạ đồng loạt nên khi thu hoạch rộ thì nhân công không đáp ứng...

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng viện lúa ĐBSCL

Thế còn việc cơ giới hóa... Máy móc hiện có ở ĐBSCL đã không đủ đáp ứng nhu cầu gặt lúa và thay thế được nhân công?

Những lúc đông ken, giá thuê nhân công gặt lúa có thể lên 1,8-2 triệu đồng/ha. Còn nếu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp thì giá chỉ 1,4 triệu đồng/ha. Chúng tôi tính ra nếu một máy gặt đập liên hợp (GĐLH) có thể xử lý từ 3-5ha/ngày và tương đương 100 lao động. Ở ĐBSCL có trên 3.000 máy gặt xếp dãy và khoảng 900 máy GĐLH lớn nhỏ.

Như vậy thì mỗi ngày máy gặt đập liên hợp chỉ có thể làm được khoảng 3.000 ha. Lúa thu hoạch rộ chỉ trong vòng một tháng, như thế trong một tháng này các máy GĐLH chỉ có thể thu hoạch được diện tích khoảng 100.000ha. Còn máy xếp dãy làm được 1,5ha/ngày. Trong một tháng số máy này cũng có thể thu hoạch được trên 100.000ha. Toàn bộ máy móc cơ giới hóa chỉ đáp ứng được trên 200.000ha trong khi chỉ vụ đông xuân cũng có đến 1,5 triệu ha lúa được gieo sạ.

Như vậy, rõ ràng việc cơ giới hóa trong thu hoạch lúa chỉ đáp ứng được vài phần trăm so với nhu cầu?

Rõ ràng là như thế rồi. Vụ đông xuân 1,5 triệu ha, hè thu trên 1 triệu ha, vụ 3 trên 350.000ha và lúa mùa cũng trên 300.000ha. Một năm diện tích gieo sạ khoảng 3,7 triệu ha, sản lượng khoảng 18,5 triệu tấn. Với các con số đấy so với số máy móc cơ giới hóa hiện có thì nhu cầu nhân công là việc bức xúc nhất của nhà nông hiện nay.

Bộ Nông nghiệp đã thấy gì trong chuyện này và hành động ra sao, thưa ông?

Trong ba năm liền gần đây, Bộ Nông nghiệp đã tổ chức những cuộc thi trình diễn máy gặt đập liên hợp để cho bà con nông dân xem, thấy rằng cơ giới hóa là hiệu quả, tốt. Qua từng hội thi thì máy gặt đập liên hợp ngày càng được cải tiến phù hợp với đồng lúa ĐBSCL.

Dân thấy hiệu quả rồi nhưng chuyện đầu tư như thế nào, Nhà nước có một cơ chế, chính sách nào đấy hỗ trợ dân?

Lúc đầu, mọi người cứ nghĩ là mua máy cho riêng cá nhân, hộ gia đình sử dụng. Nhưng điều đó không phải, phải thực hiện kiểu nhiều nhà cùng đầu tư hoặc kinh doanh dịch vụ. Mỗi máy như vậy gần 200 triệu đồng nên ông nông dân đầu tư máy cho ruộng lúa của mình sau đó là làm dịch vụ. Theo tính toán, mỗi máy GĐLH làm mỗi ha 1,4 triệu đồng, nếu trừ đi hết mọi chi phí thì còn lãi khoảng 1 triệu đồng.

Như vậy máy chỉ cần thu hoạch khoảng 200ha trong vòng tròm trèm một năm thì có thể thu hồi vốn. Nếu nông dân không có tiền thì Nhà nước sẽ hỗ trợ mua máy.

Hiện nay một số tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ lãi 0% trong vòng 3 năm cho các hộ dân vay vốn ngân hàng mua máy GĐLH. Một số tỉnh hỗ trợ lãi suất như Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… Lúc đầu cả vùng chỉ có chưa đầy 100 máy GĐLH, còn hai năm nay số máy này tăng lên đến 900 máy và sắp tới còn phát triển nhiều. Nhiều nông dân thấy đầu tư máy GĐLH có thu nhập nên mạnh dạn vay mượn để đầu tư mua máy làm dịch vụ.

Nguồn máy có đáp ứng nhu cầu cho nông dân không, thưa ông?

Đây cũng là một vấn đề. Hiện tại nông dân đang sử dụng nhiều từ nguồn máy nội địa vì nó phù hợp với các điều kiện canh tác, đất đai tại ĐBSCL. Nhưng nguồn thì không nhiều, chỉ có một vài cơ sở sản xuất với số lượng có hạn, những cơ sở lớn chỉ xuất xưởng khoảng 50 máy mỗi năm. Hiện tại nguồn máy Trung Quốc rất dồi dào và ngấp nghé nhảy vào chiếm thị phần ở lĩnh vực này nhưng nông dân chưa chịu vì còn một số hạn chế: sót lúa nhiều, lúa tuốt xong còn dơ, giá cao…

Đưa máy móc vào đồng ruộng là mơ ước của nhiều nông dân

Bảo quản sau thu hoạch hiện tại cũng là vấn đề khiến nông dân luôn thiệt hại, giảm lợi nhuận?

Như hiện tại lúa hè thu chỉ phơi sấy khoảng 30% bằng máy. Còn lúa đông xuân thì rất ít sấy. Việc bảo quản cũng là một vấn đề đáng nói, nông dân chẳng có kho tàng nào để bảo quản, họ chỉ vào bao và để đó chờ thương lái tới mua. Chính vì thế mà việc bảo quản này chưa đảm bảo, từ đó bán giá không cao. Các doanh nghiệp tư nhân và cả nhà nước cũng chẳng có kho bãi để dự trữ nhiều lúa, họ chỉ mua của dân ngay vụ mùa. Chính vì việc thu mua, phơi sấy, tồn trữ theo kiểu “mì ăn liền” này mà lợi nhuận của nông dân luôn bị bóp lại.

Theo vietnamnet.vn


Tin khác