Báo cáo do nhóm nghiên cứu của IPSARD, trực tiếp là Trung tâm Phát triển nông thôn (Rudec) thực hiện, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), Trung tâm nghiên cứu Khoa học Nông vận - Ban Tuyên huấn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và tổ chức ActionAid hỗ trợ thực hiện.
Tình trạng lạm phát và mất cân đối kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ đầu năm 2008 cộng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ cuối năm 2008 đã gây những tác động xấu lên các ngành kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của người dân. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ giảm các tác động xấu. Các chính sách này đã bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng người dân nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, đặc biệt là hộ nông dân. Để có chính sách hỗ trợ phù hợp, cần phải có những báo cáo, thông tin phản hồi làm, cơ sở đó đưa ra được những chính sách.
|
Báo cáo của IPSARD đã góp tiếng nói quan trọng vào quá trình hoạch định chính sách |
Theo yêu cầu của UBKT của Quốc hội thông tin về ảnh hưởng của suy thoái đến hộ nông thôn và việc triển khai thực chính sách hỗ trợ lãi xuất vốn vay đối với nông nghiệp, nông thôn, phục vụ cho Quốc hội trong kì họp tháng 10/2009, nhóm nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, mà trực tiếp là Trung tâm Phát triển nông thôn (Rudec), được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), Trung tâm nghiên cứu Khoa học Nông vận - Ban Tuyên huấn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và tổ chức ActionAid tổ chức thu thập thông tin, khảo sát đánh giá tác động của suy thoái kinh tế lên hộ nông thôn và việc thực hiện một số chính sách kích cầu NNNT.
Nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Khoa học Nông vận - Ban Tuyên huấn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để thu thập thông tin tự đánh giá của nông dân tại 8 tỉnh là Lạng Sơn, Bắc Kạn, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Thuận, Đắk Lắk, An Giang, đại diện cho các vùng sinh thái. Tại mỗi tỉnh, chọn 4-7 huyện đại diện cho tỉnh và lấy ý kiến đánh giá của tất cả các xã thuộc huyện lựa chọn.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã khảo sát thực địa nhanh 3 tỉnh là Bắc Kạn, Nam Định, Đắk Lắk nhằm tìm hiểu sâu hơn về ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đến khu vực nông thôn và việc thực hiện chính sách. Đắk Lắk, đại diện cho vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, quy mô sản xuất của hộ lớn, là tỉnh mà sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Ngược lại, Bắc Kạn đại diện cho miền núi, hoạt động sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ, tự cung tự cấp là chính, nhiều đồng bào dân tộc và có đời sống khó khăn. Các xã khảo sát ở Nam Định đại diện cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSH, các xã có nhiều lao động di cư và hoạt động công nghiệp, TTCN trên địa bàn phát triển. Ngoài các thông tin từ báo cáo của Hội Nông dân các xã và từ khảo sát thực địa tại 3 tỉnh, báo cáo này còn sử dụng các thông tin đến từ các khảo sát thực địa khác mà Viện CS và CL PTNNNT đã thực hiện.
Báo cáo có 3 nội dung chính: Ảnh hưởng suy thoái-Kết quả chính sách-Nhu cầu chính sách
Phần 1: Đánh giá ảnh hưởng của suy thoái kinh tế lên hộ nông thôn trên các mặt: lao động việc làm, sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất, thu nhập và đời sống của hộ nông thôn.
Phần 2: Đánh giá việc triển khai một số chính sách hỗ trợ của chính phủ, đối tượng được hưởng lợi và khó khăn trong triển khai chính sách này. Phần 3: Từ các kết quả đánh giá ở phần 1 và 2, phần này đưa ra các đề xuất chính sách hỗ trợ nông thôn, nông dân nhằm giúp hộ nông thôn vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống sau khủng hoảng.
Hoàng Ngân (AGROINFO)