Phần đặt vấn đề
Cà phê là sinh kế quan trọng của đa phần người dân Tây nguyên do đây là vùng đất đắc địa cho cà phê, có vị trí địa lý thuận lợi, và văn hóa trồng cà phê bản địa lâu đời. Là một nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới, ngành hàng cà phê không chỉ là ngành hàng quan trọng của quốc gia mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt là dân nghèo và dân tộc thiểu số ở Tây nguyên. Trong số các hộ nghèo ở Tây Nguyên có tới 36% trồng cà phê và trong số các hộ dân tộc có 38% số hộ trồng cà phê.
Là ngành hàng có tính chất thương mại hoá cao nhưng quy mô sản xuất quá nhỏ lẻ. 90% số hộ trồng cà phê có diện tích dưới 1 ha. Điều này hạn chế khả năng áp dụng khoa học công nghệ đồng bộ, khả năng xuất khẩu trực tiếp của nông dân, và hạn chế sự đóng góp của người dân trong việc hoạch định và thực thi các chính sách về ngành hàng quan trọng. Hiện nay ở Việt Nam mới có 1 hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam là đại diện của các doanh nghiệp kinh doanh cà phê. Còn hơn 500.000 hộ dân chưa có tổ chức đại diện, không phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng vào quá trình hoạch định chính sách cũng như khả năng tiếp cận những nguồn thông tin quan trọng.
|
Cần xây dựng tổ chức điều phối ngành hàng cà phê. Ảnh minh họa: Internet |
Tây Nguyên là vùng cao nguyên, giáp với Hạ Lào và Đông Bắc gồm có năm tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nong, Lâm Đồng. Đây là khu vực chiến lược của quốc gia về an ninh, chính trị, xã hội và tôn giáo. Tây Nguyên có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống như người Kinh, Ba Na, Gia Rai, Ê đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông... Tuy nhiên, hiện nay người dân tộc đang trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ. Sự gia tăng gấp 4 lần dân số và nạn nghèo đói, kém phát triển và hủy diệt tài nguyên thiên nhiên đang là những vấn nạn tại Tây Nguyên và thường xuyên dẫn đến xung đột. Thực tế này khiến cho việc duy trì ổn định sinh kế của người dân Tây Nguyên, nơi chiếm 90% diện tích trồng cà phê của Việt Nam quan trong hơn bao giờ hết. Một trong những giải pháp là xây dựng cơ chế điều phối ngành hang hiệu quả của Việt Nam.
Ở các nước trên thế giới, dù là nước sản xuất nhỏ, đều có Uỷ ban điều phối ngành hàng cà phê với đại diện của các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp, hội những người chế biến, hội người sản xuất... Tuy nhiên, Việt Nam là nước sản xuất cà phê vối lớn nhất thế giới nhưng chưa có một Uỷ ban như vậy. Khi hướng tới thị trường lớn hơn, chính phủ Việt Nam cần phải nâng cao khả năng phân tích, phát triển chiến lược trung và dài hạn. Theo báo cáo năm 2004 của Ngân hàng Thế giới, thay vì nhận toàn bộ trách nhiệm trong việc hoạch định chính sách, Chính phủ nên tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tham gia hoạch định chính sách và các hành động chiến lược của khối nhà nước và tư nhân. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc xây dựng ban điều phối quốc gia và quỹ phát triển bền vững.
Việc nghiên cứu bài học các nước về xây dựng uỷ ban này là việc làm rất quan trọng để đề xuất cho Bộ Nông nghiệp xây dựng thí điểm Uỷ ban điều phối đầu tiên cho ngành hàng cà phê và sẽ là bài học cho các ngành hàng quan trọng khác như lúa gạo, cao su, hồ tiêu... Ngoài ra, việc xây dựng quỹ cà phê (coffee fund) hỗ trợ cho Uỷ ban điều phối ngành hàng như là công cụ tài chính chủ yếu cho ngành cà phê được sử dụng để phát triển chiến lược, khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường, các hoạt động quan hệ công chúng và bảo vệ môi trường. Việc thành lập quỹ cần được nghiên cứu dựa trên các bài học kinh nghiệm quốc tế và trao đổi với các cơ quan có liên quan của Việt Nam cũng cần được nghiên cứu đề xuất.
Vì vậy, việc nghiên cứu đề xuất cải tiến tổ chức sản xuất ngành café Việt Nam là rất quan trọng nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết hiện nay
Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu nâng cao khả năng phối hợp, liên kết giữa các nhóm tác nhân, hỗ trợ quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách ngành hàng cà phê thông qua:
Nghiên cứu thực trạng tổ chức sản xuất ngành hàng cà phê
Tổng hợp một số mô hình tổ chức ngành hàng thành công trên thế giới
Đề xuất chính sách cải tiến tổ chức sản xuất ngành hàng cà phê Việt Nam
Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu đề xuất thành lập Uỷ ban điều phối ngành hàng cà phê quốc gia
Nghiên cứu đề xuất thành lập quỹ cà phê
Xin ý kiến cấp địa phương tại Đắc Lắc và Lâm Đồng
Giả thiết nghiên cứu
Ngành cà phê Việt Nam đang gặp phải một số thách thức về vấn đề chất lượng, khả năng cạnh tranh tại thị trường quốc tế và trong nước (đặc biệt là cà phê chế biến), đòi hỏi phải có giải pháp can thiệp bằng tổ chức thể chế ở quy mô quốc gia
Vấn đề quan trọng nhất trong giải pháp về tổ chức thể chế là (i) để tác động đến khâu nghiên cứu, xây dựng, thực thi chính chính; (ii) để giúp gắn người sản xuất với người tiêu dung; (iii) gắn địa phương với trung ương…
Để làm được như vậy, cần thành lập tổ chức điều phối ngành hàng cà phê và quỹ cà phê (coffee fund) nhằm điều phối hoạt động của các nhóm tác nhân trong ngành hàng, tư vấn xây dựng và thực hiện các chính sách ngành hàng dựa trên sự tham gia của các nhóm tác nhân, cung cấp các dịch vụ công có liên quan và các hoạt động khác.
Các câu hỏi nghiên cứu
Ngành cà phê Việt Nam đang gặp phải thách thức gì về vấn đề chất lượng, khả năng cạnh tranh tại thị trường quốc tế và trong nước?
Giải pháp can thiệp bằng tổ chức thể chế ở quy mô quốc gia có giải quyết được cơ bản những khó khăn nêu trên không?
Tầm quan trọng (vị trí, vai trò và chức năng) của Uỷ ban điều phối quốc gia, hiệp hội các nhà sản xuất và quỹ cà phê đối với việc phát triển ngành hàng và nền kinh tế ?
Kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của các tổ chức này ở các nước ?
Ngành hàng cà phê hiện nay của Việt nam được tổ chức như thế nào? Hiệu quả ra sao? Có khó khăn, vướng mắc gì?
Mô hình tổ chức ngành hàng cà phê của Việt Nam nào là tối ưu nhất? Cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban điều phối cà phê quốc gia và cơ chế quản lý, huy động vốn của quỹ cà phê như thế nào?
Kết cấu đề tài
Một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm của các nước trong phát triển các tổ chức ngành hàng nông sản (hoặc cà phê)
Khái niệm, vai trò và chức năng của các tổ chức ngành hàng
Tổng quan ngành hàng cà phê ở một số nước chính
Tổng quan kinh nghiệm về các mô hình tổ chức ngành hàng cà phê quốc tế (uỷ ban điều phối quốc gia và quỹ cà phê)
Tổng quan kinh nghiệm một số mô hình ngành hàng trong nước
Thực trạng về tổ chức ngành hàng cà phê hiện nay của Việt nam
Thực trạng ngành hàng cà phê Việt Nam - những vấn đề cần giải quyết bằng tổ chức thể chế
Thực trạng về môi trường pháp lý đối với tổ chức và hoạt động của các tổ chức trong ngành hàng cà phê
Thực trạng về tổ chức và hoạt động của VICOFA
Thực trạng tổ chức và các tác nhân trong ngành hàng cà phê
Đề xuất mô hình tổ chức ngành hàng cà phê; cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban điều phối cà phê quốc gia và cơ chế quản lý, huy động vốn của quỹ cà phê.
AGROINFO (Theo báo cáo thuyết minh nghiên cứu, Ths Trần Quỳnh Chi chủ nhiệm)