Tác động của Chương trình “Thu hoạch sớm” đến xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc

11/12/2009

AGROINFO - Kể từ khi Việt Nam - Trung Quốc thực hiện chương trình “Thu hoạch sớm”, kim ngạch song phương luôn tăng mạnh. Cuối năm 2004, kim ngạch hai nước đạt 5 tỷ USD (vượt mức đề ra cho năm 2005), năm 2007 đạt 16 tỷ USD, năm 2008 đạt 20 tỷ USD (tăng 28% so với năm 2007), tuy nhiên theo hướng Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc ...

Kể từ khi Việt Nam - Trung Quốc thực hiện chương trình “Thu hoạch sớm”, kim ngạch song phương luôn tăng mạnh. Cuối năm 2004, kim ngạch hai nước đạt 5 tỷ USD (vượt mức đề ra cho năm 2005), năm 2007 đạt 16 tỷ USD, năm 2008 đạt 20 tỷ USD (tăng 28% so với năm 2007), tuy nhiên theo hướng Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc. Điển hình là mặt hàng trái cây Trung Quốc tràn vào Việt Nam và cạnh tranh khá quyết liệt với sản phẩm trái cây trong nước.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu hoa quả từ Trung Quốc trong những năm trở lại đây tăng nhanh chóng trong khi trái cây xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang có dấu hiệu sụt giảm. Cũng có thời kỳ, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu chính của trái cây Việt Nam, chiếm từ 50 – 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng trái cây của Việt Nam.

Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là, trái cây của Trung Quốc không chỉ được bày bán tràn lan ở các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh ven biên giới mà còn được bán rất nhiều ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, nơi được xem là vựa trái cây của Việt Nam, chiếm đến 50% lượng trái cây hàng hóa. Điều này đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến sản xuất và kinh doanh trái cây của Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận những khó khăn mà các loại trái cây của Việt Nam đang phải đối diện, đó là chất lượng không ổn định, mẫu mã không đẹp, không có thương hiệu trên thị trường quốc tế, vấn đề bảo quản và bao bì, đóng gói còn yếu kém… Do đó, mặc dù có nhiều giống trái cây nổi tiếng trong nước như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, thanh long Bình Thuận… nhưng việc xuất khẩu trái cây vẫn còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, giá trái cây trong nước còn cao, chủng loại chưa đa dạng nên vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn.

Đúng như dự báo, kim ngạch nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc sau khi giảm mạnh vào quý II/09 đến nay đã có dấu hiệu tăng trở lại tuy nhiên mức tăng chưa cao.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2009 các loại trái cây được nhập khẩu vào Việt Nam từ 30 nước trên thế giới. Trong số những thị trường cung cấp hoa quả thì Trung Quốc vẫn là thị trường chính với kim ngạch đạt 43,5 triệu USD, tăng 5,7% so với 7 tháng cùng kỳ 2008.

Chủng loại nhập khẩu: Cơ cấu chủng loại nhập khẩu trái cây của Việt Nam từ Trung Quốc hầu như không có biến động so với cùng kỳ tháng trước. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, xuất hiện thêm một số loại trái cây mới như Kiwi, Bòn bon và quả Tắc. Trong cơ cấu nhập khẩu, 3 loại trái cây mới này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc. Trừ Kiwi, nguồn cung trong nước đối với trái Bòn bon và quả Tắc rất dồi dào nhưng do nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và tiêu dùng của thị trường trong nước không ngừng tăng lên khiến nhập khẩu nhập khẩu tăng. Dự báo, trong những tháng cuối năm kim ngạch nhập khẩu ba loại trái cây này sẽ còn tăng cao hơn nữa, ước tính đạt khoảng 15 nghìn USD.

Trong số 27 loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc thì Quýt, Táo, Cam và Lê là 4 loại quả chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc). Trong đó, Quýt vẫn là mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu cao nhất với 14,5 triệu USD, chiếm 33,5% (tăng gần 27% so với cùng kỳ 2008). Có 2 loại quýt chính được nhập khẩu từ Trung Quốc là Quýt đường và Quýt giấy. Hiện nay, đơn giá nhập khẩu trung bình mặt hàng Quýt trong vòng 7 tháng đầu năm 2009 đã giảm khoảng 10 USD/tấn xuống còn 150 USD/tấn (DAF, Tân Thanh). Song trên thực tế từ tháng 2/09 đến nay, giá Quýt nhập khẩu liên tục tăng với mức tăng qua từng tháng khá cao, dao động từ 4,5 - 10 USD/ tấn. Trong những tháng tiếp theo, dự báo giá nhập khẩu Quýt sẽ tăng do Quýt của Trung Quốc đã hết vụ thu hoạch, khan hiếm nguồn hàng cung ứng.

Kim ngạch nhập khẩu Táo (bao gồm táo tươi và táo khô) đạt 9,5 triệu USD tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ trọng trong cơ cấu nhập khẩu lại giảm do sự xuất hiện thêm một số loại quả mới. Tiếp đến, kim ngạch nhập khẩu quả Cam đạt 8,4 triệu USD tăng 24,5% so với cùng kỳ 2008. Tỷ trọng trong cơ cấu nhập khẩu theo đó cũng tăng lên, chiếm 19,5%.

Mặc dù kim ngạch nhập khẩu giảm 6,5% so với cùng kỳ đạt 5,3 triệu USD nhưng do Dưa vàng có tốc độ giảm nhanh và mạnh hơn với mức giảm lên tới 81,5% đã khiến quả Lê vươn lên đứng ở vị trí thứ 4 trong danh mục trái cây nhập khẩu đạt kim ngạch cao.

Ngược lại, trong kỳ nhập khẩu các loại quả như Anh đào, Xoài, Hồ trăn, Lựu,… lại có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Đây là những loại quả do sản lượng trong nước thấp nên không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến và tiêu dùng. Chính vì vậy, lượng và kim ngạch nhập khẩu các loại quả này không ngừng tăng lên.

Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, và doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay để cải thiện tình hình xuất khẩu trái cây của Việt Nam, các doanh nghiệp cần đề ra chiến lược cụ thể, cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra cần phải thúc đẩy việc tìm kiếm các thị trường khác ngoài Trung Quốc.


Hiệp định thu hoạch sớm Việt Nam - Trung Quốc

Bắt đầu từ 1/1/2004, Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện việc cắt giảm thuế xuất nhập theo chương trình "Thu hoạch sớm" (EH) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm đi đến hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Theo chương trình này, có nhiều dòng thuế được cắt giảm nhanh hơn và thậm chí nằm ngoài khuôn khổ CEPT/AFPA đã thỏa thuận.

Theo cam kết cắt giảm thuế trong EH, từ 2004, Việt Nam phải cắt giảm 88 dòng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc ba nhóm (trên 30%, 15-30% và dưới 15%) xuống bằng 0% vào năm 2008. Hiện nay, thực tế đã có 8 dòng thuế có thuế suất bằng 0% nên Việt Nam chỉ phải cắt giảm 80 dòng thuế. Ngược lại, phía Trung Quốc phải cắt giảm 206 dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam đạt tới thuế suất bằng 0% trước ngày 01/01/2006. Trong đó, 123 dòng thuế suất trên 15%, 76 dòng có thuế từ 5 - 15% và có 7 dòng thuế hiện nay đã áp dụng 0%. Theo lộ trình, phía Trung Quốc phải cắt giảm thuế khá mạnh và nhanh.

TRÍCH BẢN TIN CHÍNH SÁCH VIỆT - TRUNG THÁNG 7/2009
Dowload bản tin chính sách tháng 7 tại đây


AGROINFO

Tin khác