Sau hơn 2 năm thực hiện dự án phát triển cây cao su, toàn tỉnh đã trồng được gần 2.500ha cây cao su. Dự án được triển khai đem lại cơ hội việc làm nâng cao thu nhập cho người dân vùng dự án và vùng lân cận. Tuy nhiên, đây cũng là năm thứ 2 dự án trồng mới cây cao su không đạt kế hoạch được giao. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó cơ bản là quyền lợi của người dân chưa được thực hiện, gây tâm lý hoài nghi cho người dân…
Minh chứng bước đầu cho tính khả thi của dự án trồng cao su ở tỉnh ta đó là tốc độ sinh trưởng, phát triển của cây cao su đạt tiêu chuẩn so với các vùng như: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên - những cái nôi phát triển cây cao su ở nước ta. Dự án phát triển cao su đã giúp lao động địa phương có việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tính ưu việt của dự án là vậy, song lại có một nghịch lý là ở một vài nơi người dân không thực sự hào hứng với việc tham gia phát triển cây cao su. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết: Việc đo đạc quy chủ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân chậm triển khai nên không có cơ sở để hỗ trợ kinh phí theo Quyết định 25/QĐ – UBND ngày 30/12/2008 của UBND tỉnh gây cho người dân tâm lý hoài nghi, sợ mất đất. Ngay cả với Điện Biên - huyện đầu tiên của tỉnh thực hiện dự án trồng cao su đến nay sau 2 năm chờ đợi mòn mỏi người dân có đất chuyển sang trồng cao su vẫn không nhận được tiền hỗ trợ đền bù. Chị Lò Thị Hiên, bản Pom Khoang, xã Thanh Nưa bức xúc: Gia đình tôi có đất canh tác chuyển sang trồng cao su đã gần 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Quyết định 25 của UBND tỉnh. Khi họp dân, trưởng bản còn giải thích rằng, để đảm bảo cuộc sống cho người dân khi cây cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, chúng tôi sẽ được hỗ trợ giống, phân bón để trồng lương thực xen trong vườn cao su. Nói là vậy nhưng đã 4 vụ rồi chúng tôi vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Diện tích đất trồng ngô, lúa không còn; trồng xen cây họ đậu, cây lương thực trong vườn cây cao su không hiệu quả do lớp đất mặt bị rửa trôi lại không có vốn mua phân bón nên năng suất thấp, nhiều chỗ có làm nhưng không được thu… Không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác cùng chung tình trạng.”
|
Phát triển cây cao su cần tính toán kỹ bài toán lợi ích. Ảnh minh họa: Internet |
Việc chậm hỗ trợ kinh phí cho người dân có đất trồng cao su khiến người dân chán nản, mất niềm tin và còn kéo theo nhiều hệ luỵ khác. Ở một vài nơi người dân phá nhổ cây cao su đã trồng hay xô xát với cán bộ địa phương, ngăn cản công nhân Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên khai hoang trồng mới. Điển hình là việc hàng chục hộ dân bản Huổi Toong, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đã ngăn cản, đập phá máy móc, xô xát với công nhân của Công ty CPCS Điện Biên vào trung tuần tháng 1 vừa qua. Người dân giữ đất và chỉ giao đất cho Công ty CPCS Điện Biên khi nhận được tiền hỗ trợ, nhận được giống, phân bón theo Quyết định 25 của UBND tỉnh.
Là một tỉnh nghèo, phần lớn nông dân có đất chuyển đổi sang trồng cao su cuộc sống còn rất khó khăn, trong khi cây cao su phải trồng từ 5 - 7 năm mới cho thu hoạch. Đảm bảo cuộc sống cho người nông dân nghèo trong từng ấy thời gian để họ yên tâm phát triển cao su là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm và giải quyết kịp thời.
Theo Báo Điện Biên Phủ (Minh Thùy)