Hành trình thực địa Tây Nguyên

23/02/2010

Từ ngày 20-24/1/2010, Đoàn cán bộ, chuyên gia của IPSARD đã có chuyến đi thực địa tại Tây Nguyên, thực hiện nhiều hoạt động quan trọng…

Nhằm  tìm hiểu đời sống văn hoá xã hội của người dân vùng cao, học hỏi những mô hình phát triển nông nghiệp nông thôn hay và phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số dự án điển hình phục vụ cho công tác soạn thảo chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn vùng cao, Viện Chính sách và Chiến lược cùng với các cơ quan liên quan đã tổ chức chuyến tham quan thực địa Đăk Lăk và Đăk Nông vào tháng 1/ 2010

 
 Ảnh minh họa: Internet

Điểm đầu tiên trong chuyến tham quan là Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột.

Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột là một cơ sở dịch vụ thương mại có tổ chức, là nơi giao dịch mua bán các loại cà phê hạt nhân sản xuất tại Việt Nam, theo phương thức đấu giá tập trung, công khai; gồm giao dịch mua bán giao ngay và giao dịch mua bán giao sau theo các kỳ hạn, hoạt động theo nguyên tắc thành viên, dưới sự quản lý nhà nước của UBND tỉnh Đăk Lăk. Sự thành lập của Trung tâm Giao dịch Cà phê BMT nhằm thiết lập sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, xây dựng và củng cố thương hiệu, tạo lập chỗ đứng cho cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, gắn kết sản xuất với thị trường, trên cơ sở thị trường định hướng sản xuất.

Trong chuyến thăm này, Đoàn đã tiến hành ký kết Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác với TT, bao gồm các nội dung về chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, hỗ trợ và phối hợp đào tạo, hợp tác trong lĩnh vực đối ngoại và nghiên cứu phát triển.

Trong ngày, Đoàn cũng đi thăm các mô hình nổi bật của Công ty Cà phê Thắng lợi và Công ty Cà phê Tháng 10. Công ty Cà phê Thắng lợi là công ty thực hiện thành công mô hình liên kết trồng cà phê với đồng bào dân tộc. Thời kỳ đầu, cùng với diện tích cà phê đền bù cho ruộng lúa của bà con bị thiệt hại khi giải phóng mặt bằng xây dựng công trình Thuỷ lợi hồ Eanhai, công ty đã có chủ trương vận động đến từng hộ, từng cá nhân tham gia trồng và chăm sóc vườn cây dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các cán bộ kỹ thuật công ty. Ngoài ra công ty cũng trang bị đầy đủ máy móc chuyên dung và đầu tư các chi phí khác. Người nông dân chỉ bỏ công lao động chăm sóc vườn cây. Cho đến nay, vườn cà phê ngày càng xanh tốt, thu hoạch được sản phẩm có giá trị cao, bà con bắt đầu yêu thích trồng cà phê, đã chủ động được trong khâu kỹ thuật chăm sóc vườn cây, từ đó phát triển thêm diện tích cà phê trên đất nương rẫy của mình, góp phần xoá đói giảm nghèo và từng bước cải thiện đời sống.

Mô hình phát triển của Công ty Cà phê tháng 10 là mô hình chuyển đổi cây trồng từ diện tích cà phê thanh lý sang trồng ca cao và trồng xen kẽ cây sầu riêng. Kết quả đến nay cho thấy, vường cây ca cao phát triển tốt, sau khi trồng 27 tháng đã có thu bói, mặc dù năm 2009 là năm ca cao mất mùa trên diện rộng vẫn thu đạt 700kg cao cao nhân/ha. Hiện tại thì công ty vẫn chưa xác định được hiệu quả của cây cacao trong suốt chu kỳ vì vườn cây mới đưa vào kinh doanh. Đây là cây có thể thay thế cây cà phê sau khi thanh lý vườn cà phê. Đảm bảo thu nhập cho người lao động nhận khoán vườn cây. Năm 2009, 30% số sầu riêng còn lại trên vườn cây đã cho ra trái, nhưng lượng trái chưa đáng kể, chưa xác định được hiệu quả. Đây là loại cây trồng mới, đòi hỏi đầu tư và kỹ thuật cao, sử dụng ít lao động sống nhưng lại phải thường xuyên. Do vậy, cần phải có nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn và cơ cấu mỗi lao động từ 02 ha trở lên mới đủ việc làm. Nhà nước vì vậy cần có chính sách ưu đãi vốn đầu tư cho những dự án đầu tư cơ bản dài ngày.

Đây là hai mô hình tốt có thể nghiên cứu và nhân rộng tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập của bà con dân tộc miền núi.

Trong ngày tiếp theo, đoàn đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, người dân tham gia mô hình thí điểm “ Quản lý rừng cộng đồng” tại huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nông. Với mô hình này, người dân được trực tiếp lập kế hoạch, tham gia bảo vệ, khai thác rừng và hưởng lợi từ rừng. Các nguyên tắc quản lý, khai thác rừng được thể hiện trong Bản Quy ước do chính nhân dân xây dựng và được huyện phê duyệt. Đây là một mô hình quản lý rừng khá hiệu quả nhưng vẫn đang là thí điểm nên việc nhân rộng mô hình gặp  nhiều khó khăn.  Cũng tại mô hình này, một số vấn đề nổi cộm khác về đời sống của bà con dân tộc cũng được thể hiện. Đặc biệt là vấn đề di dân từ miền núi phía Bắc. Người dân miền núi phía Bắc tràn vào Tây Nguyên quá nhiều trong khi bà con dân tộc tại chỗ lại không đi ra ngoài, không có việc làm phi nông nghiệp. Sức ép lớn về tăng dân số gây ảnh hưởng trầm trọng đến việc bảo vệ, khai thác rừng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.

Đoàn cũng được tổ chức đến tham quan các điểm trồng chanh dây của HTX Tia Sáng thuộc tỉnh Đăk Nông. Với lợi thế đất đai rộng rãi, thời tiết ôn hoà, cây chanh dây  đã phát triển rất tốt mang lại lợi ích kinh tế cao cho người lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.Cây trồng trên 6 tháng đã cho thu hoạch và thu hoạch quanh năm (lợi nhuận trên 200 triệu/năm).

Tuy nhiên, người nông dân tham gia HTX trồng chanh dây cũng gặp không ít khó khăn về vốn, quỹ đất và các khó khăn khác như trình độ quản lý, trình độ chuyên môn của HTX, cơ sở vật chất thiếu thốn… Ngoài ra các chủ trương chính sách của Nhà nước bị triển khai chậm, giao thông không thuận tiện, vận chuyển cước phí cao, địa hình dân cư không tập trung, manh mún nhỏ lẻ khó để tổ chức sản xuất thành hàng hoá mang tính bền vững.

Kết hợp với chuyến thực địa, Viện Chính sách và Chiến lược đã tổ chức thành công hai hội thảo tại Đăk Lăk.

Hội thảo thứ nhất có nội dung “Xác định ưu tiên nghiên cứu năm 2010 cho khu vực Tây Nguyên”. Mục đích của hội thảo là tham khảo ý kiến của các đối tác như các nhà nghiên cứu tại trường đại học, các cơ quan quản lý nhà nước như sở NN và PTNT tại hai tỉnh của dự án là Đắc Lăk, Đắc Nông, một số doanh nghiệp điển hình, các học giả…về những vấn đề nổi cộm hiện nay của Tây Nguyên. Từ đó, đề xuất các nghiên cứu về chính sách cho Quỹ nghiên cứu kinh tế chính sách vùng cao năm 2010 nhằm góp phần giải quyết các khó khăn của khu vực miền núi.

Hội thảo thứ hai là “Giới thiệu Dự thảo Khung hướng dẫn Đánh giá Môi trường Chiến lược trong NN và PTNT vùng cao”. Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ những kết quả của các đợt công tác tại Đăk Lăk về Đánh giá Môi trường Chiến lược và lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan ở địa phương cho Khung hướng dẫn Đánh giá Môi trường Chiến lược trong nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng cao.

Chuyến đi thực địa và hội thảo tại Tây Nguyên đã được tổ chức hiệu quả đem lại các kết quả như mong đợi.

BQLDA


Tin khác