Từ khi cá tra VN xuất khẩu vào thị trường Mỹ, hết khó khăn này tới rào cản khác cứ diễn ra. Đầu tiên là vào năm 2003, cá tra VN không được mang tên catfish như thông lệ quốc tế vốn đã quen sử dụng.
Tiếp theo, cá tra bị quy bán phá giá, theo đó là việc áp các mức thuế phức tạp, kéo dài. Mới đây là những quy định về trọng lượng tịnh. Sắp tới, càng khó hiểu hơn khi bị rào cản: Điều kiện nuôi cá tra ở VN phải giống với ở bên Mỹ (!?).
Dễ mà khóTheo Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản VN (Vasep), trong cuộc làm việc giữa Hiệp hội Thuỷ sản Mỹ (NFI) với Vasep mới đây, “trọng lượng tịnh” của thuỷ sản đông lạnh VN nhập vào Mỹ là vấn đề ông John Connelly – Chủ tịch NFI – bàn tới. Ông John Connelly khẳng định, việc ghi sai trọng lượng tịnh là một hành vi lừa đảo. Luật của Mỹ quy định: Trọng lượng của sản phẩm phải được nêu chính xác trên bao bì và không bao gồm đá hoặc mạ băng trên thuỷ sản đông lạnh.
Quy định tưởng đơn giản, nhưng lại cực kỳ khó cho các nhà sản xuất cá tra. Lý do là trong quy trình sản xuất cá tra đông lạnh, thường là có công đoạn “mạ băng”, nhằm kéo dài thời gian bảo quản, giúp tránh sự mất nước và ôxy hoá sản phẩm. Quá trình sản xuất, tiêu thụ thuỷ sản đông lạnh còn kèm theo tình trạng giảm trọng lượng sản phẩm. Mức giảm tăng cao theo thời gian bảo quản.
Điều đó làm cho “trọng lượng tịnh” của sản phẩm cá tra đông lạnh, khi tới tay người tiêu dùng ở Mỹ luôn là vấn đề nan giải. Nếu cân phụ trội thật nhiều để đề phòng bất trắc, nhà sản xuất bị mất lợi nhuận. Còn nếu cân sát, nguy cơ bị phạt, bị tịch thu “hàng phạm pháp” luôn chực chờ.
Việc kiểm tra trọng lượng tịnh được thực hiện ghiêm ngặt ở Mỹ. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng bang Connecticut đang phối hợp với 18 bang khác, điều tra các sản phẩm thuỷ sản đông lạnh thiếu trọng lượng tịnh để công bố công khai.
Điều kiện của Mỹ trên sông Cửu Long?
Dù sao thì vấn đề “trọng lượng tịnh” cũng còn có cách khắc phục. Riêng quy định về “điều kiện nuôi” tới đây mới làm cho các nhà sản xuất cá tra VN đau đầu. Theo một đạo luật (mang tên Farm Bill) đang được soạn thảo ở Mỹ, cá tra VN muốn nhập khẩu vào Mỹ phải được nuôi theo đúng tiêu chuẩn áp dụng với cá da trơn tại vùng Đông Bắc Mỹ. Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho việc nhập khẩu cá tra VN do những điều kiện này rất khó đáp ứng.
Cá da trơn ở Mỹ được nuôi trong các ao nông và nước giếng khoan, trong khi cá tra VN được nuôi trên mặt nước sông Cửu Long. Thức ăn của cá da trơn nuôi tại Mỹ cũng hoàn toàn khác với cá tra nuôi tại VN. Rồi phương pháp, tập quán nuôi cũng rất khác biệt...
Dự thảo lần thứ nhất của Đạo luật Farm Bill sẽ sớm được công bố, lấy ý kiến trong 6 tháng, sau đó được đưa ra Quốc hội Mỹ xem xét. Nếu đạo luật này được thi hành, chưa ai dám nói tương lai của cá tra VN ở thị trường Mỹ sẽ ra sao. Hiện ngành cá da trơn ở Mỹ đang vận động để ngăn chặn sự cạnh tranh của cá tra NK.
Theo ông Mazzetta - Chủ tịch Tập đoàn Mazetta NK cá tra của Mỹ, phía VN cần tác động đến Chính phủ Mỹ để hạn chế những điều kiện bất lợi của Đạo luật Farm Bill đối với cá tra VN. Về lâu dài, ngành nuôi cá tra VN cần chuyển dần phương thức nuôi phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Các DN và các cơ quan chức năng VN sẽ phải giải bài toán khó, để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng XK cá tra đi Mỹ như thời gian qua (năm 2009 tăng hơn 70% cả về sản lượng và giá trị so với năm 2008).
Phạm Khánh (Theo Kỳ Quan / Báo Lao Động)