Thương hiệu cho nông sản miền núi: Bài toán nan giải

31/03/2010

KTNT - Xây dựng thành công và gìn giữ thương hiệu nông sản mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn bị bỏ ngỏ, bởi người dân cũng như chính quyền địa phương chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản. Nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có nhiều đặc sản nhưng dường như khái niệm xây dựng thương hiệu vẫn còn rất mơ hồ.

Người dân thờ ơ

Xây dựng thương hiệu là quá trình khó khăn, không phải ngày một ngày hai có thể làm được. Nhưng đánh mất thương hiệu có thể rất nhanh nếu chính quyền địa phương và người dân không biết kết hợp để giữ gìn, bảo vệ. Nguy cơ này đang tiềm ẩn và đe dọa chất lượng của nhiều thương hiệu nông sản miền núi. Trong số ấy có rượu ngô Bản Phố ở huyện Bắc Hà (Lào Cai). Thương hiệu này đã được đăng ký từ năm 2007, nhưng tới nay, người dân còn khá thờ ơ và hình dung rất mơ hồ về vấn đề này.

Nhà ông Ly Seo Hồ gắn bó với nghề nấu rượu đã hơn 20 năm. Theo ông Hồ, cất được một mẻ rượu ngon, đúng hương vị truyền thống khá công phu, mất nhiều công sức và không phải thời điểm nào trong năm cũng làm được. Ngô phải là loại ngon, được trồng trên chính núi rừng Bản Phố. Các vật dụng dùng để chưng cất rượu cần phải lựa chọn kỹ càng. Chảo nấu ngô phải là thép loại tốt và hàng năm phải đánh rửa kỹ theo đúng quy trình, thùng ủ làm từ cây thông, khi cất rượu phải điều chỉnh lửa không được to hay nhỏ quá. Và điều quan trọng hơn cả giúp rượu ngô nhà ông Hồ có tiếng ở Bản Phố là ông dùng men hồng my, loại men truyền thống làm từ cây hồng my để ủ rượu. Song hiện nay người dân Bản Phố chủ yếu dùng men hóa học để có sản lượng rượu cao hơn, làm phai nhạt ít nhiều chất lượng rượu.

Trung thành với lối nấu rượu truyền thống, rượu ngô nhà ông Hồ luôn đắt hàng. 16 năm nay ông không phải mang rượu xuống chợ bán mà luôn có người tới tận nhà mua. Ông Hồ biết rượu ngô Bản Phố, trong đó có sản phẩm của gia đình mình đã được đăng ký thương hiệu, song theo lối nghĩ của ông thương hiệu là chuyện của nhà nước, không liên quan gì tới ông. Vì thế, dù có thương hiệu rồi, những người dân như ông Hồ vẫn nấu rượu một cách tự phát. Việc ông nấu rượu theo lối truyền thống đơn giản chỉ để bán đắt hàng và nhiều hơn chứ không hẳn vì thương hiệu chung.

Chính quyền thiếu quan tâm

Không chỉ bản thân người dân thờ ơ với việc tạo dựng thương hiệu mà chính quyền nhiều địa phương cũng không mấy quan tâm. Có thể lấy ví dụ từ tỉnh Điện Biên. Gạo Điện Biên chất lượng tốt, từ lâu được coi là đặc sản của địa phương. Thế nhưng, hiện nay, gạo Điện Biên vẫn chưa được đăng ký thương hiệu. Nguyên nhân là do tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm hợp lý, người dân không dám sản xuất lớn. Hay như chè Suối Giàng (Yên Bái) nổi tiếng là vậy nhưng chưa thể trở thành thương hiệu phổ cập vì quy mô sản xuất cũng như cách thức sản xuất còn nhỏ và thủ công.

Theo khảo sát của Trung tâm Phát triển nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), các tỉnh miến núi phía Bắc có tới 200 nông đặc sản. Tính bình quân mỗi tỉnh có từ 12 - 15 sản phẩm nhưng sản phẩm được đăng ký thương hiệu rất ít. Chính điều này đã làm cho nông sản miền núi có nguy cơ bị mai một, thậm chí bị lợi dụng tên gọi. Theo anh Nguyễn Ngọc Luân, Trung tâm Phát triển nông thôn, nhiều sản phẩm có nguy cơ mai một và bị cạnh tranh bởi những yếu tố khác, chẳng hạn như xuất hiện những sản phẩm mới trên thị trường hoặc là bị cạnh tranh bởi sản phẩm của Trung Quốc. Một số đặc sản như cam, hồng ở Bảo Lâm (Lạng Sơn) hiện không bán được nhiều do hoa quả của Trung Quốc cũng lấy tên gọi như vậy nhưng bán với giá rẻ hơn.

Thương hiệu cho nông sản miền núi cho tới nay vẫn là câu chuyện còn dang dở. Để tạo được lối đi hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản này, cần sự nghiên cứu, định hướng của các nhà khoa học, kết hợp với chính sách của chính quyền địa phương và sự hợp tác tích cực của người sản xuất. Trong khi chờ đợi những giải pháp đồng bộ, tự mỗi người dân khi tham gia sản xuất cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình. Đó chính là cái gốc lâu bền nhất cho mọi thương hiệu.

Phạm Khánh (Theo Việt Hòa/ Báo Kinh Tế Nông Thôn)

 


Tin khác