751 ngư dân Việt Nam đang bị bắt giữ tại nước ngoài

01/04/2010

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Malaysia đang bắt 450 người, Indonesia giữ 280 người, Philippines giữ 21 ngư dân Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Hội nghị bàn về tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ hôm qua cũng cho biết, từ năm 2006 đến nay đã có 641 vụ với 1.186 tàu và 7.045 ngư dân của Việt Nam bị bắt giữ và xử phạt tại các nước, vùng lãnh thổ. Theo thống kê sơ bộ, hiện còn khoảng 751 ngư dân vẫn còn bị giữ ở nước ngoài.

Tỉnh có tàu cá bị bắt giữ và xử phạt nhiều nhất là Kiên Giang: 58 tàu, Cà Mau 56 tàu. Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng bị vướng 46 tàu, Bình Định 43 tàu và Quảng Ngãi 47 tàu. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, đã có 30 tàu cá của Việt Nam cùng 208 người bị các nền kinh tế khác bắt giữ.

Một tàu cá của ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ và thả về vào tháng 8/2009

Theo đại diện Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ năm 2009 đến hết tháng 3 năm nay có 277 ngư dân bị lực lượng chức năng các nước khác bắt giữ. 189 người được trả tự do qua đường ngoại giao, 57 ngư dân về nước sau thỏa thuận trên biển.

"Số lượng tàu cá thực tế bị bắt giữ còn cao hơn nhiều so với số liệu, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên ngư dân đã không khai báo với các cơ quan chức năng trong tỉnh mà tự ý thoả thuận hoặc nộp phạt trên biển", đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết.

Với tỉnh Quảng Ngãi, tình hình còn phức tạp hơn khi số tàu thuyền và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ ngày càng nhiều. Đặc biệt thời gian gần đây, Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tàu cá, tài sản của ngư dân kể cả khi họ vào quần đảo Hoàng Sa để tránh bão.

Thống kê từ năm 2005 đến hết ngày 16/12/2009, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 111 tàu và 1.247 ngư dân bị nước ngoài, vùng lãnh thổ bắt giữ. Trong các nước, vùng lãnh thổ, thì Trung Quốc bắt nhiều nhất với 60 tàu và 732 ngư dân Việt Nam, tiếp theo đến Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Đài Loan.

Đánh giá về việc ngày càng có nhiều ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cho rằng, ngoài lý do vùng biển chồng lấn, tiếp giáp với các nước trong khu vực, ngư dân không xác định được đâu là vùng lãnh hải Việt Nam, thì còn có nhiều nguyên nhân khác.

Thời gian gần đây Trung Quốc tăng cường mở rộng phạm vi, tần suất kiểm tra, kiểm soát tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Các nước Indonesia, Malaysia, Philippines phản đối việc Trung Quốc công bố bản đồ vùng biển "hình lưỡi bò" trên biển Đông nên cũng gia tăng tần suất kiểm tra, tuần tra và áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với tàu cá các nước.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý tàu cá, theo dõi tổng hợp trường hợp tàu và ngư dân bị bắt giữ. Bên cạnh đó, Bộ khuyến cáo các tỉnh phải có biện pháp hỗ trợ ngư dân khi cần thiết.

UBND các tỉnh và địa phương phải chủ trì, phối hợp với bộ - ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân hiểu biết các quy định quản lý khai thác hải sản, tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Bộ cũng đề nghị các tỉnh phải yêu cầu ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển các nước.

Phạm Khánh (Theo VnExpress)


Tin khác