24 tỉnh, thành bị nhiễm bệnh lùn sọc đen: Khẩn trương cứu lúa

01/04/2010

KTNT - Bệnh lùn sọc đen đã phát sinh, gây hại tại 24 tỉnh, thành. Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tính đến thời điểm này có hơn 20.000ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, đã xử lý khoảng 17.555ha. Mối nguy về vụ mùa thất bát đang khiến nông dân như ngồi trên lửa.

Hoãn các cuộc họp để phòng trừ dịch

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình, đến nay toàn tỉnh có 18.000/70.000ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn, theo đó đã phun rầy được khoảng 52.000ha, nhổ và tiêu hủy 1.700 ha. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 2.000ha lúa bị nhiễm bệnh chưa được xử lý.

Bệnh lùn sọc đen và vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện ở Thái Bình trên các giống lúa BT số 7, tạp giao, VN10 từ đầu tháng 1/2010 tại xã An Bình (Kiến Xương), sau đó lan nhanh trên khắp đồng ruộng của tỉnh. Hiện 8/8 huyện, thành phố của tỉnh đều có diện tích lúa nhiễm bệnh. Kết quả điều tra phân tích mẫu của Cục Bảo vệ thực vật thấy, trong số 300 mẫu lúa tại những vùng có triệu chứng bệnh thì có đến gần 60 mẫu lúa dương tính với virus lùn sọc đen. Tỉnh đã yêu cầu các địa phương hoãn các cuộc họp để tập trung phòng trừ dịch.

Mặc dù Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cấp (không thu tiền) 14 tấn thuốc trừ rầy cho tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh này cũng đã hỗ trợ 100% tiền giống cho các diện tích lúa phải gieo cấy lại, tuy nhiên, nhiều nông dân không khỏi lo lắng vì diện tích lúa bị hủy thì không thể cấy lại được vì không kịp thời vụ.

Huyện Kiến Xương đã có trên 1.200ha lúa xuân bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Huyện đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh đến chủ tịch UBND các xã, thị trấn về cách phát hiện, biện pháp diệt trừ rầy và phương pháp chăm sóc để cây lúa phục hồi, phát triển tốt.

 
 Chị Trần Thị Lan ở xã Bình Định (Kiến Xương-Thái Bình) đang nhổ những gốc lúa bị nhiễm lùn sọc đen.

Huy động các ngành cùng chống dịch

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, đã có 24 tỉnh, thành trong cả nước có diện tích lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Bệnh lùn sọc đen hại nặng trên các giống BT số 7, tạp giao, R20, 103S, KD18, Thục Hưng, VN10, Nhị ưu 838... giai đoạn đẻ nhánh, đẻ rộ.

Tại Ninh Bình, đã phát hiện gần 800ha lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen và vàng lùn - lùn xoắn láỏ. ông Trần Văn Bách, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và đang tập trung huy động nông dân, cán bộ kỹ thuật chủ động phát hiện và xử lý, thấy triệu chứng của bệnh chủ động nhổ bỏ.

Tại Tuyên Quang, hiện có 47ha lúa xuân của hai phường Tân Hà, Ỷ La (thị xã Tuyên Quang) và xã Trung Môn (huyện Yên Sơn) bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, với mật độ rầy từ 10 - 20 con/m2. Chi cục Bảo vệ thực vật Tuyên Quang đã cử 18 cán bộ ở các trạm bảo vệ thực vật về các địa phương xuất hiện bệnh mở lớp tập huấn và hướng dẫn bà con cách thức phòng trừ, tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 250ha lúa trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh lùn sọc đen và vàng lùn, lùn xoắn lá, trong đó huyện Cam Lộ bị thiệt hại nặng nhất. Huyện đã trích ngân sách mua thuốc phòng trừ bệnh lùn sọc đen để cung ứng cho các địa phương dập dịch. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng phối hợp với địa phương triển khai khoanh vùng, dập dịch.

Trước tình hình dịch lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá đang ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa vụ xuân 2010, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các địa phương nắm chắc tình hình diễn biến rầy, bệnh lùn sọc đen trên lúa; triển khai, đưa vào hoạt động hệ thống bẫy đèn để theo dõi, thu thập số liệu, chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ, tránh để bệnh lây lan.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, khi dịch xuất hiện, bà con phải giám sát hàng ngày ruộng của mình. Khi phát hiện rầy, phải phun trừ đồng loạt theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương. Cây lúa bị bệnh phải nhổ, chôn sâu. Có thể tách cây khoẻ ở ruộng khác, cấy thay vào. Không nên bón nhiều đạm, tăng cường lân và kali cho cây khoẻ.

 

Phạm Khánh (Theo Duy Phong - Lê Mai/ Báo Kinh Tế Nông Thôn)


Tin khác