Sàn giao dịch đường - Còn nhiều dấu hỏi

01/04/2010

Sau một số nông sản khác, từ ngày 30/3, đường cũng đã lên sàn giao dịch. Đây là một tin vui, nhưng đang gây ra khá nhiều lo ngại.

Sàn giao dịch đường do Cty CP Giao dịch Hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom-STE) thực hiện. Muốn giao dịch trên sàn đường, các nhà đầu tư phải mở tài khoản tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và phải ký quỹ nhằm đảm bảo giao dịch được thanh toán. Bên bán, bên mua sẽ thực hiện giao dịch theo hai dạng hợp đồng là hợp đồng giao ngay và hợp đồng tương lai (tối đa trong vòng bốn tháng). 4 loại sản phẩm đường được đưa lên sàn giao dịch gồm: RE1, RE2, RS1, RS2. Mỗi loại sản phẩm này đều được ghi rõ các chỉ tiêu quy định chất lượng về độ tro dẫn điện, độ ẩm, độ màu đơn vị ICUMSA, độ Pol, hàm lượng đường khử…

 
 Thị trường có nhiều loại đường chứ không chỉ 4 loại như sàn giao dịch

Tuy nhiên, khi biết chỉ có 4 loại đường trên, nhiều DN đã tỏ ra lo ngại vì trên thực tế thị trường hiện nay đang tồn tại không phải 4 mà là hàng chục sản phẩm đường, và đương nhiên cũng có nhiều mức giá khác nhau. Theo ông Nguyễn Thành Long, TGĐ Cty CP Đường Cần Thơ, chỉ riêng đường RS1, đã được phân chia làm RS1 hạt lớn và RS1 hạt nhỏ. Giá chênh lệch giữa hai loại hạt này là 400 đồng/kg. Tương tự, đường RE1 và RE2 cũng vậy. Giá bán trên thị trường của từng loại đường này không chỉ căn cứ vào những tiêu chuẩn chất lượng, mà còn dựa trên các yếu tố về độ óng ánh, đồng đều, sắc nét, góc cạnh hạt đường.

Hơn nữa giá đường còn tuỳ thuộc vào thương hiệu của nhà sản xuất. Chẳng hạn, cùng một loại đường nhưng giá của Cty Bourbon luôn cao hơn so với giá của đường Cần Thơ. Trong khi đó, do yêu cầu bảo mật của các lệnh mua bán trên sàn giao dịch đường, nên bên mua sẽ không thể biết được mình đang đặt mua đường của NM nào.

Sacom-STE mới chỉ có 3 kho ở TP HCM, Bình Dương và Long An, để nhà đầu tư trên àn giao dịch đường có thể ký gửi hàng hóa, với khối lượng tối đa khoảng 30.000 tấn. Hệ thống kho chỉ đặt quanh TPHCM như trên sẽ khiến cho các NM ngoài miền Bắc, miền Trung hay ĐBSCL ngần ngại vì tốn nhiều chi phí vận chuyển nếu tham gia mua bán qua sàn giao dịch đường.

Theo quy định của Sacom-STE, nếu muốn bán đường qua sàn đối với hợp đồng giao ngay, DN phải ký quỹ toàn bộ giá trị lô hàng tại kho của sàn. Với quy định này, nhiều DN cho rằng sẽ khiến họ phải gánh thêm chi phí vận chuyển đường vào kho, phí lưu kho (58.000 đ/m2/tháng hoặc 17.000 đ/tấn/tháng), phí bốc xếp (15.000 đồng/tấn/lần) thêm. Nếu DN để đường tại kho thì vẫn bị Sacom-STE lấy tiền phí lưu ký bằng việc cử người xuống kho để quản chấp số đường đăng ký giao dịch (khoảng 5 triệu đ/người/tháng).

Lại nói về chuyện bảo mật của lệnh mua bán, nhiều DN tỏ ra lo ngại vì khi đặt lệnh mua, họ sẽ không biết đường nguồn đường đó của NM nào, do đó sẽ không thể biết chi phí vận chuyển ra sao. Nếu một DN ở Sài Gòn mà lỡ mua phải lô đường của một NM tận ngoài Bắc thì chi phí chắc…chết. Trong khi đó, theo quy định của Sacom-STE, phí vận chuyển là do bên mua chịu. Chính vì thế, việc bảo mật các lệnh mua bán trên sàn giao dịch đường đang được cho là một sự đánh đố đối với nhà đầu tư.

Phạm Khánh (Theo Sơn Hà / Báo Nông Nghiệp)

Tin khác