Phát triển thương mại nông thôn: Tạo điều kiện cho nông nghiệp hàng hóa

06/04/2010

KTNT - Một nền nông nghiệp hiện đại không đơn thuần chỉ là giống mới, công nghệ tiên tiến mà còn phải có hệ thống thương mại nông thôn phát triển. Nhưng trên thực tế, ngay cả ở những địa phương có nền nông nghiệp hàng hóa phát triển nhưng mạng lưới chợ cũng rất thiếu hoặc quy hoạch không hợp lý. Đề án phát triển thương mại nông thôn 2010-2015, định hướng đến 2020 đang được kỳ vọng sẽ giải tỏa được những hạn chế, khúc mắc này

Bài I: Ưu tiên phát triển  mạng lưới chợ

Ngày 6/1/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 23/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Đề án đề cập đến rất nhiều vấn đề tổng quát, nhằm xây dựng quy trình phát triển đồng bộ, bền vững cho thương mại nông thôn. Trong đó, nhấn mạnh việc hình thành mạng lưới chợ...

 

Nơi thừa, nơi thiếu 

Thị trường nông thôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nơi sản xuất lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, thị trường nông thôn và nền sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, chưa gắn chặt với sản xuất khiến việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa yếu thế cạnh tranh, nhiều mặt hàng có chất lượng thấp. Trong khi đó, vai trò của thương nhân ở địa bàn nông thôn mới chủ yếu phát huy được ở khâu tiêu thụ nông sản và mở đầu kênh phân phối; vai trò thương mại Nhà nước và hợp tác xã khá mờ nhạt; các cơ sở kinh doanh vừa thiếu vừa nghèo nàn, lạc hậu. Nạn kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hành vi gian lận thương mại còn phổ biến; việc chấp hành pháp luật về đăng ký kinh doanh, thuế, sổ sách kế toán thống kê, báo cáo tài chính, nhãn mác hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường còn lỏng lẻo và tùy tiện.

Hiện nay, tại nhiều địa phương vẫn thiếu chợ. Điển hình như các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, bình quân 10km2 chỉ có 0,1-0, 2 chợ. Cả nước còn hơn 3.000 xã thiếu chợ hoặc chỉ có chợ quy mô nhó; 43% chợ tạm. Trong khi đó, nhiều chợ đầu mối xây dựng hoành tráng, kinh phí hàng tỷ đồng lại không phát huy hiệu quả.

Trung tâm thương mại trái cây quốc gia Hòa Khánh là một thí dụ. Xây dựng trên diện tích hơn 12ha tại xã Hòa Khánh (Cái Bè - Tiền Giang), Trung tâm thương mại trái cây quốc gia Hòa Khánh là công trình hợp tác kinh tế giữa tỉnh Tiền Giang và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), với tổng số vốn trên 97 tỷ đồng. Có địa thế khá thuận lợi (mặt tiền là Quốc lộ 1A, phía sau có con kênh lớn chảy ra sông Trà Lọt, nối liền với hệ thống kênh rạch tự nhiên và diện tích vườn cây ăn trái của các huyện Cái Bè, Cai Lậy), trung tâm này được kỳ vọng là đầu mối tiêu thụ trái cây lớn nhất ĐBSCL. Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác (cuối năm 2005) đến nay, hoạt động kinh doanh của trung tâm không hiệu quả như mong đợi. Hạng mục được khai thác đầu tiên là khu nhà hàng và siêu thị bán lẻ trái cây rộng 7.000m2. Dù Tiền Giang đã công bố nhiều chính sách ưu đãi nhưng khu siêu thị vẫn rất vắng khách, các nhà vườn cũng không đưa hàng vào bán.

TS. Mai Văn Nam (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: “Việc hình thành, mở rộng các chợ đầu mối cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu khách quan cần thiết. Chợ đầu mối không chỉ là nơi để mua bán, mà còn là nơi giao dịch hàng nông sản với nhiều phương thức kinh doanh khác nhau. Không nên cho rằng việc xây dựng, hình thành các chợ đầu mối chỉ đơn thuần là đầu tư cơ sở hạ tầng, phân lô, phân nền cho các tổ chức, cá nhân thuê chỗ kinh doanh. Phải coi chợ đầu mối là nơi để các tổ chức, cá nhân đến giao dịch nông sản chứ không phải lập ra để bán quầy, sạp”.

Cơ hội đổi mới các vùng quê

Theo Bộ Công Thương, hiện có đến 45% hàng hoá được lưu chuyển qua chợ dân sinh. ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, mục tiêu phát triển thương mại nông thôn nhằm kích thích tiêu dùng và tăng nhanh sức tiêu thụ hàng hoá trong nước. Do vậy, trong năm 2010, cơ bản hoàn thành việc rà soát, đánh giá và tổ chức lại hợp tác xã thương mại ở địa bàn nông thôn.

Đề án nêu rõ đến năm 2011, quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn, trong đó có quy hoạch chợ biên giới phải được hoàn thành. Đến năm 2015, 50% chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp, cải tạo và xây mới. Từ nay đến năm 2020, sẽ cải tạo, nâng cấp 142 chợ và xây mới 276 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu với tổng vốn đầu tư 1.534 tỷ đồng.

Năm tiếp theo (2012), các chợ đầu mối nông sản sẽ được xây dựng xong tại các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như chợ lúa gạo ở Cần Thơ, chợ nông sản Nghệ An, Hải Dương, chợ rau quả chất lượng cao ở Lâm Đồng... Đây là cơ sở để hình thành các trung tâm đấu giá và sở giao dịch hàng nông sản. Đến năm 2020, với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 6.040 tỷ đồng, các địa phương sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp 31 chợ và xây mới 82 chợ đầu mối nông sản ở địa bàn nông thôn. Ngoài ra, sẽ xây dựng 3.000 chợ tại 3.000 xã chưa có chợ từ nay đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Nếu mọi việc tốt đẹp, đến năm 2015, chúng ta sẽ có 100% chợ trung tâm huyện được kiên cố hóa, 30% thị trấn có loại hình tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa; tỷ lệ hàng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng chiếm 25 - 30%, đến năm 2020 là 45 - 50%.

Với đề án này, lần đầu tiên, doanh nghiệp (DN) khi mở rộng mạng lưới kinh doanh ở nông thôn có thể được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi lớn về thuế, tín dụng.

Đề án đề xuất nhiều giải pháp để cả DN và nông dân đều yên tâm đầu tư, sản xuất như sửa đổi cơ chế chính sách hỗ trợ DN, quy hoạch hạ tầng thương mại tại địa bàn khó khăn, khuyến khích tiêu thụ nông sản theo hình thức ký hợp đồng, tạo sự liên kết mang tính bền vững giữa DN và nông dân.

Về nguồn vốn đầu tư, sẽ được huy động trên cơ sở vốn ngân sách nhà nước kết hợp vốn huy động từ xã hội. Riêng chợ ở địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn thì do ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Mục tiêu đề ra hoành tráng nhưng để đạt được theo đúng lộ trình thì còn rất nhiều khó khăn, thử thách.

Phạm Khánh (Theo Nguyễn Tố - Báo Kinh Tế Nông Thôn)


Tin khác