Vượt qua thách thức khủng hoảng: Kinh tế Việt Nam 2009 và triển vọng 2010

22/04/2010

Trong 2 ngày (21-22/4/2010), tại Tam Đảo, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và UNDP đã phối hợp tổ chức buổi hội thảo này..

Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, dự kiến bắt đầu từ 20/5/20010, sẽ xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009 và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010. Nhiệm vụ đặt ra cho Ủy ban Kinh tế là cùng với các cơ quan, tổ chức hữu quan, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế tiếp tục theo dõi những diễn biến mới của kinh tế thế giới, phân tích những tác động để dự báo tình hình kinh tế nước ta từ nay đến hết năm 2010; đánh giá tính hiệu quả và các tác động của các chính sách, các giải pháp ứng phó đã thực hiện trong năm 2009 và kiến nghị lựa chọn chính sách, giải pháp tiếp theo cho năm 2010 trong tình hình mới để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội. Đó cũng chính là lý do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng với Viện Khoa học xã hội Việt Nam và UNDP tổ chức Hội thảo với Chủ đề nói trên.

Chủ trì hội thảo có chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền; Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng; Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Thế Trường; và ông Đặng Thế Vinh, Vụ trưởng vụ Kinh tế - Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Tham dự hội thảo có ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng bộ Thương Mại, Tiến sỹ Benedict Bingham - đại diện thường trú cao cấp IMF tại Việt Nam, Giáo sư James Riedel – chuyên gia cao cấp dự án Star, Tiến sỹ Martin Ramar, kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; và các chuyên gia kinh tế cao cấp trong nước: Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Lê Xuân Nghĩa, Nguyễn Quang A, Trần Đình Thiên, Trần Du lịch v.v...

Chủ đề của hội thảo được chia làm 4 phần: (1) Đánh giá tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam năm 2009 và triển vọng năm 2010; (2) Từ đó, tập trung thảo luận một số vấn đề kinh tế vĩ mô cụ thể; (3) Một số vấn đề thuộc kinh tế ngành và lĩnh vực chịu ảnh hưởng cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi bền vững; và (4) Một số vấn đề xã hổi nổi bật trong năm 2009 và thách thức trong năm 2010.

Qua phần trình bày của các đại biểu, cũng như ý kiến phản biện của các chuyên gia, các nhà quản lý, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009 đã được làm rõ, tăng trưởng chậm lại và tồn tại nhiều vấn đề như chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế dựa trên việc mở rộng tín dụng v.v... các ý kiến phản biện cũng tập trung vào vấn đề “tăng trưởng” và “ổn định vĩ mô”, cấu trúc nền kinh tế, các vấn đề kinh tế ngành (nông nghiệp, công nghiệp; và các vấn đề về lao động, việc làm. Một số giải pháp ngắn hạn cũng đã được nêu ra như: cắt giảm chi tiêu nội địa nhằm tăng hiệu quả đầu tư, điều chỉnh chế độ neo tỷ giá sang thả nổi có sự quản lý của nhà nước, tái cấu trúc khu vực ngân hàng thương mại v.v...

Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cũng đã gửi bài tham luận với chủ đề “Một số vấn đề nổi bật của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam năm 2009 và vấn đề đặt ra trong năm 2010”, trong đó ngoài việc nêu lên những thành tựu còn chỉ ra các vấn đề liên quan đến khu vực này năm 2009, đó là: (i) giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao kéo theo chi phí sản xuất tăng và làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa; (ii) xuất khẩu nông sản suy giảm về giá trị do giá hàng hóa xuất khẩu nông sản giảm (so với 2008), trong khi thực hiện cam kết WTO với quy mô ngày càng lớn và mức độ ngày càng cao nên môi trường cạnh tranh trong nước sẽ gay gắt hơn; (iii) lạm phát có chiều hướng gia tăng cùng với sức ép giảm giá đồng nội tệ, điều này có khả năng gây bất lợi cho cánh kéo giá nông nghiệp trong bối cảnh thị trường xuất khẩu suy giảm, dư cung nông sản trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu khác có xu hướng tăng lên; (iv) khí hậu tiếp tục biến đổi gây thiên tai, dịch bệnh khó lường, những yếu tố này tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con nông dân.

  

 

 


AGROINFO

Tin khác