Tạo việc làm cho phụ nữ- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

16/06/2010

AGROINFO - Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, lao động nữ chiếm 46,6% lực lượng lao động, trong đó tham gia trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 53,7%, ngành công nghiệp và xây dựng 17,6%, ngành dịch vụ 28,6%...

Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái toàn cầu đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế nước ta và làm ảnh hưởng tới khả năng tạo việc làm. Tại thời điểm điều tra, cả nước có 1,3 triệu lao động trong độ tuổi bị thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp là 2,9% (cao hơn mức 2,38% năm 2008), trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của nữ là 4,23% và nam là 4,86%; tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn của nữ là 2,18% so với nam là 2,33%.

Nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì và đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm và tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động nói chung và cho lao động nữ nói riêng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức triển khai thực hiện nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc làm. Để thúc đẩy các cơ hội cho phụ nữ phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ- CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó Điều 5 đã quy định rõ việc ưu tiên chương trình trợ giúp của Nhà nước cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và có sử dụng nhiều lao động nữ. Kết quả, trong năm 2009, đã tạo thêm việc làm mới cho 1.510 ngàn người, đạt 88,8% kế hoạch, trong đó lao động nữ đạt gần 48%; xuất khẩu lao động 73.028 người, trong đó lao động nữ 22.020 người (chiếm 30,2%).

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do Bộ LĐ- TB&XH tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa đã đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ ngành LĐ-TB&XH nói riêng, trong sự nghiệp phát triển đất nước và nhấn mạnh việc tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, tạo các cơ hội cho phụ nữ phát triển chính là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Được biết, Việt Nam là một trong các quốc gia được đánh giá là có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực.

Mặc dù vậy năm 2009, cả nước vẫn có 133.262 người lao động bị mất việc làm, trong đó lao động nữ chiếm 18% (hầu hết là nữ công nhân trong các ngành giày da, may mặc, chế biến hải sản). Tại khu vực nông thôn, số người lao động mất việc làm ở khu vực làng nghề là 40.348 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 41,2%. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi kinh tế hiện nay đã dẫn đến tình trạng lao động nữ di cư ra các thành phố lớn làm việc và gặp nhiều khó khăn do thiếu các dịch vụ hỗ trợ. Chính vì vậy, việc xây dựng, ban hành hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy định tỷ lệ lao động nữ, nam được tuyển dụng phù hợp với từng loại lao động theo ngành, nghề. là rất cần thiết, đặc biệt là quy định nữ được quyền lựa chọn hoặc ưu tiên nữ trong tuyển dụng khi nữ có tiêu chuẩn như nam, cũng như việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ, việc hỗ trợ dạy nghề cho lao động nữ ở nông thôn. Đồng thời cần có hướng dẫn và quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động nữ trong một số nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với độc hại.


Phạm Khánh (Theo Báo Kinh Tế Hợp Tác VN)

Tin khác